Ukraina vừa trải qua nhiều biến động những ngày. Một chính phủ mới đã hình thành và đối mặt với vô vàn thử thách. Các cường quốc phương Tây và Mỹ cần làm gì để giúp đỡ nước này tiến tới sự ổn định?

TIN BÀI LIÊN QUAN:


{keywords}

Trước nhất, Liên minh châu Âu có thể hợp tác với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Mỹ và các nước hảo tâm khác để cung cấp sự trợ giúp khẩn cấp và một gói cứu nguy cho Ukraina. Các nhà chức trách ở Kiev cho biết họ đang cần tới 35 tỷ USD trong vòng 2 năm tới nhằm kéo nền kinh tế đất nước ra khỏi bờ vực phá sản.

Cùng lúc đó, phương Tây nên thực hiện một chiến dịch ngoại giao để đảm bảo Tổng thống Vladimir Putin giữ cam kết không can thiệp vào nước láng giềng phía nam của Nga, bằng cách đảm bảo với ông rằng các lợi ích của Moscow sẽ không bị ảnh hưởng bởi tương lai mới của Ukraina.

Họ cũng cần thúc ép tân chính phủ Ukraina thực hiện các tiêu chuẩn dân chủ, quyền của người thiểu số và không truy bắt những người ủng hộ chế độ cũ.

Một thỏa thuận hợp tác và thương mại rộng khắp với EU mà Tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovych từ bỏ trước áp lực từ Nga hồi tháng 11 cần được làm sống lại để mở ra các cơ hội kinh tế mà phương Tây mang đến cho nền kinh tế Ukraina.

Và cuối cùng là vấn đề trao lại cho Ukraina niềm hy vọng từ lâu về tư cách thành viên của EU. Nhưng nỗ lực hướng tới mục tiêu đó sẽ đòi hỏi Kiev phải phát triển các cơ quan dân chủ mạnh mẽ, một bộ máy tư pháp độc lập và một nền kinh tế thị trường khỏe mạnh.

Nhưng làm được điều đó không hề dễ dàng. Những gì được bàn luận tại Quốc hội châu Âu ở Strasbourg, Pháp về Ukraina đủ để xóa tan bất kỳ ảo vọng nào.

Việc các đại biểu Ba Lan đề nghị EU cho Ukraina tư cách thành viên đã vấp phải sự phản đối từ phía Phần Lan với lập luận rằng như vậy là quá vội vã.

Những người bảo thủ Anh kêu gọi viện trợ ngay lập tức, trong khi những người cực hữu Hà Lan khuyến cáo chống lại việc giúp đỡ bất kỳ một chính phủ non trẻ nào bài Do Thái.

"Sự hỗ trợ tài chính rất quan trọng", Laima Andrikiene - một thành viên trung hữu từ Lithuania - nhận xét. "Thời kỳ chia buồn, cảm thông và hứa hẹn giờ đã qua rồi. Chúng ta cần giúp Ukraina hết mức".

Hôm 26/2, người phụ trách chính sách đối ngoại của EU Catherine Ashton kêu gọi một cuộc họp cấp cao nhằm bàn bạc việc giúp đỡ Ukraina. Các quan chức châu Âu cũng đang họp khẩn với IMF để cùng đưa ra một gói viện trợ giúp Ukraina củng cố các kho dự trữ đang cạn kiệt và đảm bảo giới chức chính quyền được trả lương.

Mặc dù các nước hảo tâm lớn ở châu Âu, như Đức, cũng đang mệt mỏi vì cứu trợ sau 5 năm khu vực đồng Euro bị khủng hoảng, một gói cứu trợ quy mô đó là có thể nếu IMF và EU hợp tác với nhau. Vấn đề là đổi lấy viện trợ tài chính, họ sẽ yêu cầu Ukraina sắp xếp lại nền kinh tế.

"Ukraina cần theo đuổi những cải cách kinh tế lớn để đổi lấy viện trợ quốc tế", Ngoại trưởng Anh William Hague nói sau "cuộc gặp rất hữu ích" của ông với IMF.

Tuy nhiên, ở các nền dân chủ ổn định hơn như Hy Lạp, nỗi đau từ những cải cách như vậy đã gây ra bất ổn rộng khắp. Còn ở Ukraina, một liều cứu trợ của IMF kèm theo yêu cầu thắt lưng buộc bụng - mà nhiều khả năng bao gồm cả việc cắt giảm chi tiêu công, bớt hỗ trợ công nghiệp và bỏ trợ giá nhiên liệu - có nguy cơ càng làm tăng thêm căng thẳng hiện có.

"Nền kinh tế Ukraina có rất nhiều yếu tố non kém mang tính nền tảng... không sớm thì muộn những vấn đề đó cần được giải quyết", Michael Leigh, một cố vấn cấp cao của Quỹ German Marshall Fund of the United States, đánh giá.

Lần cuối IMF nhất trí giúp đỡ - với 15 tỷ USD năm 2010 - khoản tiền này đã bị đóng băng bởi Ukraina không thể thực thi các cải cách được yêu cầu.

Cũng theo ông Leigh, một tuyên bố chính thức về tư cách thành viên EU cho Ukraina vào lúc này cũng rất nhạy cảm đối với Nga. "Rõ ràng giờ không phải là lúc đưa ra tín hiệu đó", ông nói thêm.

Hành động của Nga có thể khiến bất kỳ sự hỗ trợ nào của phương Tây dành cho Ukraina trở nên khó khăn hơn nhiều - thậm chí không cần đến can thiệp quân sự.

Một gói cựu trợ 15 tỷ USD mà Nga cam kết cho ông Yanukovych trước đây giờ rất khó trở thành hiện thực. Moscow có thể áp đặt các đòn cấm vận lên một đất nước mà họ khẳng định là đang nằm trong tay của những kẻ tiếm quyền nguy hiểm. Nga còn là thị trường lớn nhất cho xuất khẩu của Ukraina, trong khi dầu lửa và khí đốt từ các mỏ của Nga đóng vai trò cốt yếu cho các hộ gia đình Ukraina sưởi ấm và vận hành các nhà máy.

Ở Brussels ngày 26/2, các bộ trưởng Quốc phòng NATO cảnh báo Nga không can thiệp vào Ukraina. Tuy nhiên, giới ngoại giao phương Tây biết rất rõ họ cần đưa ra một giải pháp làm sao vẫn giúp Kiev duy trì mối quan hệ thân thiết với Moscow ngay cả khi họ xây dựng các mối quan hệ gắn bó hơn với phương Tây.

Thanh Hảo (Theo GP)