Một tòa án đặc biệt ở Bangkok hôm nay (25/8) sẽ ra phán quyết đối với cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra, trong một vụ án có thể khiến chính trường Thái Lan thêm chia rẽ.

Bà Yingluck bị cáo buộc lơ là nhiệm vụ liên quan đến một chương trình trợ giá gạo mà gây thiệt hại ước tính khoảng 15 tỷ USD. Nếu bị tuyên tội, bà đối mặt với án tù 10 năm và bị cấm làm chính trị suốt đời.

{keywords}
Yingluck Shinawatra đang đối mặt một phán quyết "định mệnh". (Ảnh: EPA)

"Động cơ đằng sau vụ việc Yingluck mang tính chính trị, bởi vì họ muốn loại gia tộc Shinawatra ra khỏi chính trường", hãng tin ABC dẫn lời Puangthong Pawakapan, Phó giáo sư về quan hệ quốc tế tại trường Đại học Chulalongkorn.

Bà Yingluck đắc cử Thủ tướng sau khi anh trai bà là cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra trốn khỏi Thái Lan để tránh tội tham nhũng. Bà bị lật đổ năm 2014 trong một cuộc đảo chính quân sự và chịu nhiều cáo buộc khác nhau. Yingluck khẳng định bản thân không làm gì sai.

Nữ chính trị gia này hiện vẫn được nhiều người dân Thái Lan yêu quý. Hàng trăm người ủng hộ bà đã tập trung bên ngoài Tòa án Tối cao ở Bangkok từ sáng sớm nay để chờ phán quyết của tòa.

"Tôi tin bà ấy sẽ bị tuyên tội. Tôi không nghĩ bà ấy sẽ nhận án tù, mà… có thể là một mức án treo", bà Puangthong Pawakapan nhận định với ABC News.

Sau phán quyết hôm nay của Tòa Tối cao, cả hai bên có cơ hội kháng án lần cuối.

Trong một phiên tòa riêng rẽ, chính quyền quân sự Thái Lan yêu cầu bà Yingluck bồi hoàn một phần thiệt hại – khoảng 1,1 tỷ USD – và tháng trước họ đã phong tỏa tất cả các tài khoản ngân hàng của bà.

{keywords}
Yingluck Shinawatra được rất nhiều người dân ủng hộ. (Ảnh: Reuters)

Trong tuần qua, cảnh sát Thái Lan ra sức ngăn những người ủng hộ Yingluck Shinawatra – chủ yếu từ các vùng đông bắc và bắc đất nước – tới Bangkok để tụ tập ngoài tòa. Sở cảnh sát Bangkok cho biết đã triển khai 4.000 thành viên để đảm bảo an ninh và trật tự tại tòa. Nhiều chốt kiểm tra cũng được dựng lên với hàng chục camera an ninh mới được lắp đặt.

Hôm 24/8, bà Yingluck kêu gọi người ủng hộ không tới tòa án để đề phòng nguy cơ bị các bên thứ ba gây rối.

Chương trình trợ giá gạo vốn là một nội dung chính trong chiến dịch tranh cử của Yingluck Shinawatra và đảng Pheu Thái. Nó đã giúp bà thắng cử năm 2011 vào vị trí Thủ tướng. Theo chương trình tốn kém 8 tỷ USD này, Chính phủ Thái Lan mua gạo của nông dân với giá gấp đôi giá thị trường và trữ tại các kho chứa của nhà nước trên toàn quốc.

Thanh Hảo