Thông tin rằng Thượng nghị sĩ John Kerry sẽ làm Ngoại trưởng còn thành viên Cộng hòa Chuck Hagel nhận chức Bộ trưởng Quốc phòng cho thấy một nỗ lực mới nhằm sử dụng "quyền lực mềm" trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt tay Tổng thống Venezuela Hugo Chavez tại một hội nghị châu Mỹ năm 2009. (Ảnh: AP)


Nhưng quyền lực mềm ấy có hữu dụng?

Khi Tổng thống Obama sắp bước vào nhiệm kỳ 2, ông mới bắt đầu ngụ ý cách thức mình có thể thay đổi kiểu cách lãnh đạo về các vấn đề thế giới. Những manh mối lớn đầu tiên sẽ là các lựa chọn của ông vào vị trí đứng đầu các bộ Ngoại giao và Quốc phòng. 

Tin tức báo chí cho rằng Thượng nghị sĩ John Kerry của phe Dân chủ sẽ được chọn làm Ngoại trưởng trong khi cựu Thượng nghị sĩ Nebraska Chuck Hagel, một nhân vật Cộng hòa, có thể sẽ đứng đầu Lầu Năm Góc. Nếu đúng thế, điều này gợi mở một sự trở lại các nỗ lực của ông Obama trong những ngày đầu nhiệm kỳ 1 nhằm ràng buộc với các đối thủ của Mỹ thay vì cô lập hay làm hại họ.

Ông Hagel từ lâu là một người chỉ trích mạnh mẽ các đòn cấm vận kinh tế nói chung và muốn đối thoại với phong trào Palestine Hamas. Thượng nghị sĩ Kerry thì rất thích cực trong đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Syria Bashar al-Assad. Sự tin tưởng của họ vào ngoại giao bình lặng thay vì đe dọa phản ánh các nỗ lực của Tổng thống Obama ngay sau khi nhậm chức nhiệm kỳ 1 là chìa tay tới Iran, Venezuela, và Triều Tiên.

Những nỗ lực đó đã thất bại, và nhìn chung, chính sách ngoại giao của Obaam sau đó đã trở nên cứng rắn hơn. Sự thay đổi này đã giúp ích cho ông trong chiến dịch bầu cử 2012, tránh được các đòn tấn công từ phe Cộng hòa rằng ông là một nhà lãnh đạo yếu kém và là một người ưa biện hộ. Nhưng giờ đây, liệu ông có thể quay trở lại cách sử dụng nhiều cà rốt hơn gậy, nhiều ý tưởng và thuyết phục hơn là đe dọa và cấm vận.

Một yêu cầu về "quyền lực mềm", hay tái củng cố các giá trị Mỹ ở nước ngoài - Obama đã rút ra vào cuối năm đầu tiên cầm quyền là ông phải trở nên thực tế. Khi nhận giải Nobel Hòa bình vào cuối năm 2009, ông nói rằng người Mỹ "phải cố gắng hết mức có thể để cân bằng giữa cô lập và ràng buộc, áp lực và khuyến khích.

Nhưng giờ đây, khi ông không thể ra tranh cử nhiệm kỳ 3 nữa, thì Obama có thể thoải mái thử nghiệm một biện pháp dựa trên các giá trị, tin tưởng vào đàm phán trong khi đánh giá lại việc sử dụng các đòn cấm vận nhằm vào các chế độ độc tài.

"Ràng buộc không có nghĩa là nhân nhượng", Hagel nói vậy trong một bài phát biểu năm 2008. "Các nước lớn ràng buộc nhau. Các quốc gia quyền lực phải là những người trưởng thành trong các vấn đề thế giới. Bất cứ điều gì không được như thế sẽ dẫn tới xung đột toàn cầu thảm khốc, vô ích vốn có thể ngăn chặn được".

Các cuộc thử nghiệm khó khăn nhất sẽ là trong bất kỳ các cuộc đối thoại nào với Taliban và Iran.

Đối thoại với Taliban là cần thiết cho một kết cục thành công đối với cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan; các cuộc hội đàm với Iran là cần thiết để ngăn chặn đất nước này không đạt được vũ khí hạt nhân hoặc ngăn một cuộc tấn công của Israel nhằm vào Iran.

Tuy vậy, lịch sử đối thoại với khủng bố vẫn cho kết quả trái ngược. Mỹ đã thuyết phục được Muammar Gaddafi của Libya khỏi nỗ lực đạt được vũ khí hạt nhân và ngưng hỗ trợ khủng bố. Các thành phần khủng bố người Sunni ở Iraq cũng bị yêu cầu thôi ủng hộ al-Qaeda và chấm dứt bạo lực. Nhưng Taliban vẫn từ chối bất kỳ cuộc đối thoại có ý nghĩa nào. Và Iran vẫn nhất quyết theo đuổi chính sách hạt nhân của nước này, ngay cả khi Obama tăng cường các đòn cấm vận.

Nỗ lực những cuộc đối thoại như vậy thường giúp cho Mỹ chiếm thế thượng phong về luân lý và đạo đức và nó cũng có những giá trị thực tế ngay cả khi các cuộc hội đàm thất bại. Nó có thể khiến kẻ thù chia rẽ, xói mòn quyền lực. Nó cũng tranh thủ được các đồng minh ủng hộ cho hành động cứng rắn hơn.

Cấm vận cũng có những kết quả trái ngược trong việc hạ bệ một chế độ hoặc thay đổi cách cư xử của họ. Tuy nhiên, chúng cũng tạo ra một nền tảng đạo đức, ghi dấu lên các giá trị và tạo thành một "cuộc chiến không cần súng".

Khi chọn lựa nhóm an ninh quốc gia của mình và chuẩn bị cho các bài phát biểu trong những tuần tới, Obama sẽ cho thấy cách thức nước Mỹ hành động trên vũ đài thế giới trong 4 năm tới đây. Ông đã rút ra được nhiều bài học quý giá đến thời điểm này và có thể không đi theo bản năng của mình để được tái cử. Ông cần định ra một kiểu cách lãnh đạo vừa hiệu quả vừa dựa trên các giá trị. Đó không phải là một sự cân bằng dễ dàng nhưng là cần thiết.

Thanh Hảo (Theo CSM)