- Nga không hay biết về sự tồn tại của "kế hoạch B" mà Mỹ chuẩn bị cho Syria; sập mỏ than ở Cộng hòa Komi thuộc Nga làm 90 công nhân kẹt dưới lòng đất là hai trong số những tin tức quan trọng diễn ra trên thế giới 24 giờ qua.

Tin nổi bật

{keywords}
Các máy bay ném bom Su-24 của Không lực Nga tại căn cứ không quân Khmeimim ở Syria. (Ảnh: Sputnik)

Phía Nga khẳng định không hay biết gì về sự tồn tại của "kế hoạch B" mà Mỹ chuẩn bị cho Syria.

Phát biểu tại hội nghị của Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov nói tuyên bố của Mỹ về việc có tồn tại một kế hoạch B khiến Nga quan ngại.

"Chúng tôi tin rằng, hiện nay chúng ta nên tập trung mọi nỗ lực vào việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn mà các bên đã đạt được", ông nhấn mạnh thêm.

Thứ trưởng Nga cho biết, Moscow đã hoàn tất mọi công việc cần thiết với phía Damascus và hy vọng "Mỹ sẽ làm điều tương tự với các bên còn lại trong cuộc khủng hoảng Syria".

Ông Bogdanov nhắc lại rằng tất cả các bên cần khẳng định sẵn sàng ngừng bắn trước 12h trưa ngày 26/2 (giờ Damascus) để lệnh ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực vào lúc 0h ngày 27/2.

Kế hoạch ngừng bắn tại Syria theo sáng kiến của Mỹ và Nga đã được các quốc gia trong khu vực và quốc tế hưởng ứng. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều nghi ngờ về khả năng ngừng bắn trở thành hiện thực.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết Washington đang chuẩn bị cho một "kế hoạch B" trong trường hợp các giải pháp ngoại giao và chính trị thất bại. Tuy nhiên, ông không đưa ra chi tiết cụ thể nào về phương án này.

Tin vắn

- Một vụ sập mỏ than, nhiều khả năng xảy ra do vỡ đá dưới mỏ ở Vorkuta thuộc Cộng hòa Komi thuộc Nga, đã làm 90 thợ mỏ kẹt dưới lòng đất. Các hoạt động cứu hộ đang được triển khai gấp rút. Mỏ than nằm sâu trong vành đai Bắc Cực và rất khó tiếp cận.

- Chính phủ Australiacông bố sẽ đầu tư mạnh cho hoạt động quốc phòng, mục đích là giải quyết những thách thức của thời đại trong thời điểm quan trọng hiện nay, theo lời Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull. Cụ thể, trong 10 năm tới, Australia sẽ chi khoảng 139 tỷ USD mua sắm các tàu ngầm, chiến hạm, tàu khu trục, tàu tuần tra cùng các vũ khí, khí tài mới.

- Thủ lĩnh của một nhánh thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại thành phố Sabratha của Libya vừa bị lực lượng dân quân trung thành với chính phủ ở thủ đô Tripoli bắt giữ.

- Binh lính chính phủ Syria ngày 25/2 đã giành lại quyền kiểm soát một thị trấn chiến lược từ tay IS, chuẩn bị cho việc mở lại tuyến chi viện duy nhất với Aleppo, thành phố đông dân nhất ở Syria.

- Trung Quốc xác nhận gửi tàu chiến tham gia cuộc Tập trận Vành đai Thái Bình Dương do Mỹ chủ trì vào mùa hè này bất chấp căng thẳng giữa hai bên vì vấn đề biển Đông.

- Trung Quốc hy vọng, nghị quyết của Liên Hợp Quốc về trừng phạt Triều Tiên có thể ngăn chặn được kế hoạch phát triển hạt nhân của nước này song nhấn mạnh rằng vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng chỉ có thể được giải quyết hoàn toàn thông qua đối thoại giữa các bên.

- Ngày 25/2, Quốc hội Đức đã thông qua gói luật thứ hai về người nhập cư. Theo đó, di dân vào Đức từ nay sẽ được phân loại và quyền lợi của các nhóm khác nhau sẽ khác nhau.

-New Delhi vừa trình lên Ủy ban trừng phạt của Liên Hợp Quốc một danh sách mới gồm 11 phần tử khủng bố thuộc nhiều nhóm phiến quân có thành trì tại Pakistan gieo rắc khủng bố ở Ấn Độ.

- Nhiều đạn và thiết bị nổ vừa được tìm thấy ngay cạnh một chốt kiểm tra của cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ trên con đường nối giữa thủ đô Ankara với thành phố ven biển Samsun.

Tin ảnh

{keywords}
Ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: AP)

Tổ chức YouGov’s First Verdict mới đây đã tổ chức một cuộc thăm dò ý kiến về khả năng Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ tiếp theo. Kết quả cho thấy 49% người được hỏi trả lời họ sợ hãi viễn cảnh này trong khi 12% bày tỏ lo lắng nhưng không nghĩ ông có thể “gây quá nhiều thiệt hại”. 16% ý kiến cho rằng việc tỷ phú Trump trở thành tổng thống là chuyện “phóng đại” và 16% tỏ ra “háo hức”.

Phát ngôn

Maria Zakharova, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, tuyên bố coi các hành động “khiêu khích” của Thổ Nhĩ Kỳ ở biên giới Syria là hành động xâm lược.

Trả lời phỏng vấn tờ Argumenty i Fakty của Nga, bà Zakharova nói: “Ankara đang làm trầm trọng tình hình tại biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ và thực hiện các hành động khiêu khích”.

Sự kiện

Ngày 25/2/1986, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos chạy trốn ra nước ngoài. Bà Corazon Aquino trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Philippines.

Thanh Hảo