Cạnh con đường chạy tới một trong những nhà máy vận hành bởi tập đoàn Foxconn có một ngôi chùa, một sân bóng rổ và một phòng bi-a do người đàn ông tên Jin điều hành.

Khoảng giờ ăn trưa một ngày hè, những đứa trẻ tụ tập trên chiếc ghế da cũ ở chỗ của Jin, xem video trên điện thoại. Một vài người chơi mạt chược. Một số quây quanh chiếc bàn nhựa, uống trà và hút thuốc.

{keywords}
Một góc Thâm Quyến tháng 5/2018. (Ảnh: Bloomberg)

Nhưng những chiếc bàn bi-a từng là nguồn kiếm tiền của Jin giờ đây đang nằm im lìm, với những quả bóng chết dí trong hộp thiếc cũ. "Không ai đến nữa", báo Washington Post dẫn lời Jin nói khi anh chỉ tay vào căn phòng vắng.

Đó là bởi vì ngày càng ít công nhân của Foxconn sống được ở khu vực này của Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc. Đây từng là một trong những thành phố có vai trò quan trọng hàng đầu đối với sự tăng trưởng kinh tế nước này. Nhưng giờ đây, các nhà chức trách đang tìm cách biến nơi này thành một trung tâm công nghệ cao kiểu Thung lũng Silicon của Mỹ.

Những tòa căn hộ cũ được chuyển đổi thành hiện đại nhằm thu hút tầng lớp trung lưu và lao động trẻ ngày càng đông của Trung Quốc. Mức thuê trung bình tăng từ 100 lên 250 USD/tháng hoặc hơn – quá cao so với túi tiền của công nhân nhà máy vốn chỉ kiếm được 600 USD mỗi tháng bằng nghề lắp ráp các sản phẩm, trong đó có iPhone.

Nhiều lao động của Foxconn nghỉ việc. Họ bị đẩy xa hơn khỏi Thâm Quyến – ngay phía bắc Hong Kong, thậm chí phải bỏ việc để về quê sinh sống.

Cuộc chiến giữa cái cũ và cái mới này không chỉ bó hẹp ở Thâm Quyến mà phản ánh hiện thực chung. Trớ trêu thay, các công nhân nhà máy từng là xương sống của phát triển công nghiệp giờ lại là nạn nhân của sự thịnh vượng.

Các công việc tốt ở Trung Quốc thường tập trung ở những thành phố lớn. Có nghĩa là, tiền thuê và giá bất động sản tăng cao ngất ngưởng do nạn đầu cơ và quy định lỏng lẻo. Do vậy người dân thành thị phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng về chi trả.

"Có một chuyện đùa về các cư dân mới" – Cui - người có vợ mở quán bún ở tầng 1 một tòa nhà mới chỉnh trang ở Thâm Quyến – kể. "Chúng tôi trêu nhau rằng các tòa nhà giờ chật kín toàn công nhân nhà máy. Họ mới chính là những người nuôi chó cưng". 

Cui và vợ là Zhao từng sống trong căn hộ phía trên quán bún. Nhưng tiền thuê đã tăng gấp đôi sau khi sửa chữa nên họ không thể trả nổi. Họ được cho một tháng để chuyển đi. Zhao cho biết, các cư dân mới không thích ăn bún, và họ đủ tiền để gọi món khác ngon hơn ở các nhà hàng gần đó.

Từ làng chài thành đô thị tráng lệ

Cách đây 40 năm, Thâm Quyến là một làng chài. Đến năm 1979, nơi đây trở thành "đặc khu kinh tế" với những quy định mới để khuyến khích làm ăn theo kiểu thị trường tự do. Các nhà máy và công nhân từ khắp nơi đổ về. Đến giữa những năm 1990, thành phố có khoảng 3 triệu dân. Ngày nay, con số này vào khoảng 20 triệu.

Khoảng 7 triệu công nhân nhà máy của Thâm Quyến từng tập trung chủ yếu ở các khu được gọi là "làng đô thị" hồi thập niên 1990. Giờ đây, các nhà phát triển đang muốn biến những làng này thành nơi ở cho lao động công nghệ có thu nhập cao hơn.

"Thành phố muốn thu hút nhân tài đẳng cấp cao chứ không phải công nhân nhập cư", Christopher Balding, một nhà kinh tế học mới rời khỏi Thâm Quyến mới đây, cho hay.

Năm ngoái, hãng bất động sản Vanke công bố dự án tái phát triển các làng đô thị trị giá nhiều triệu đôla gần Foxconn – hãng chuyên sản xuất các sản phẩm của Apple, trong đó có iPhone, ở Thâm Quyến. Một số lao động nói họ đã buộc phải dời đi, được báo trước một tháng.

Nhiều người đâm đơn xin tăng lương để có thể chi trả tiền thuê nhà. Trong một thông báo, Foxconn nói rằng họ biết về các dự án tái phát triển và "đang làm việc với các cơ quan chính quyền địa phương liên quan để giảm thiểu tác động của bất kỳ tình trạng tăng giá thuê nào lên chi phí sinh hoạt của người lao động của hãng".

Nhưng lương vẫn không tăng mà các dự án tái phát triển đã bắt đầu.

Khi công nhân phải rời đi, họ phải chi tiêu nhiều hơn còn gia đình thì bị xáo trộn. Trẻ em phải chuyển trường, cha mẹ phải tìm đường mới để đến chỗ làm. Có gia đình buộc phải xa nhau. Nhưng gần như không còn lựa chọn nào khác.

Nỗi lo của các gia đình

Đó là những gì khiến Yuan Yanhong sống gần phòng bi-a của Jin lo lắng. Cô không thể thuê được căn hộ ở một trong những tòa nhà mới nên thuê một ngôi nhà 2 tầng mái tôn với đường sá xung quanh chưa lát.

Yanhong làm việc cho Foxconn đã được khoảng 10 năm, cùng với chồng cô. Người phụ nữ này đến đây bởi cô biết khó có thể kiếm tiền khá hơn ở quê nhà, tỉnh Hà Nam, cách Thâm Quyến 1.600km về phía bắc.

Căn phòng chính của cô không có gì ngoài mấy bức tranh in hình động vật có chú thích bằng tiếng Anh và tiếng Trung. Chồng Yanhong ngủ trên gác và có một phòng ở phía sau dành cho cha mẹ cô.

Yanhong nói sống ở đây khá tốt. Có một trung tâm hoạt động dành cho người già ở gần đó phù hợp với bố mẹ cô. Bố cô chạy xe ôm để kiếm thêm chút tiền. Yanhong làm việc 6 ngày mỗi tuần, cô dành hầu hết thời gian rảnh bên con gái 3 tuổi và con trai 5 tuổi. Họ thường dạo bộ gần nhà và thỉnh thoảng đến công viên.

Tuy nhiên, thông tin về dự án tái phát triển đã khiến gia đình Yanhong lo lắng. Cô nghe tin các nhà phát triển sẽ san bằng ngôi làng nhỏ bé này để xây nhà cao tầng. Nếu mất nhà, cô sẽ đành phải gửi con cái và cha mẹ về quê Hà Nam.

"Rất buồn bởi chúng tôi không muốn chia xa. Chúng tôi muốn các con lớn lên như một gia đình", Yanhong tâm sự.

Ở sảnh đợi của một tòa nhà mới cải tạo, khoảng 20 người đang lách cách gõ bàn phím chiếc máy tính xách tay Mac. Một nhóm ngồi ở góc phân loại hoa hồng cho ngày lễ Tình nhân -  được tổ chức vào tháng 8 ở Trung Quốc.

Những căn hộ mới thường có diện tích nhỏ, thậm chí chỉ nhỉnh hơn một phòng trọ chút ít, với bếp và phòng tắm chật hẹp. Một số khác có thêm phòng ngủ thứ 2 nhưng rất nhỏ.

Ở một căn góc có một cặp đôi sinh sống, người vợ ngồi trên sàn chơi với hai con mèo. Cô cho biết đã thích tòa nhà ngay khi nhìn thấy tờ rơi in hình ảnh đẹp mắt ghi giá thuê 300 USD/tháng.

Cô phải di chuyển gần 2 giờ mỗi ngày tới trường đại học ở Hong Kong, nơi cô đang theo học môn marketing. Hai vợ chồng mới đến Thâm Quyến nên họ chưa tìm được hàng quán ưa thích. Cả hai đều chưa đến quán bún của Zhao hay phòng bi-a của Jin. Nhưng có thể một lúc nào đó họ sẽ tới đó.

Trở lại phòng bi-a, khi đó đã gần 6h chiều. Những chiếc bàn vẫn trống. Jin hy vọng một vài công nhân nào đó sẽ đến đây sau khi tan ca. "Những ngày này chỉ lác đác người đến", anh buồn bã nói.

Thanh Hảo

Ông Trump 'quyết chiến' với Trung Quốc?

Ông Trump 'quyết chiến' với Trung Quốc?

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẵn sàng áp thuế đối với gần như mọi hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào nước này.

Động đất rung chuyển tây nam Trung Quốc

Động đất rung chuyển tây nam Trung Quốc

Nhà cửa rung lắc dữ dội, nhiều người dân hoảng sợ bỏ chạy khỏi nhà khi trận động đất mạnh 5,9 độ Richter tấn công tỉnh Vân Nam, tây nam Trung Quốc sáng nay.

Sự thực sức mạnh mềm của Trung Quốc ở 'lục địa đen'

Sự thực sức mạnh mềm của Trung Quốc ở 'lục địa đen'

Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC) vừa diễn ra tại Bắc Kinh một lần nữa cho thấy Trung Quốc đang khẳng định vị thế và tầm ảnh hưởng tại "lục địa đen".

Trung Quốc có thứ vũ khí khiến quân đội Mỹ đau đầu?

Trung Quốc có thứ vũ khí khiến quân đội Mỹ đau đầu?

Chiến cơ Su-35 là "cơn ác mộng khủng khiếp nhất" của Không quân Mỹ, tạp chí The National Interest viết.

Ông Trump 'tố tội' Trung Quốc

Ông Trump 'tố tội' Trung Quốc

Trên Twitter, Tổng thống Mỹ Trump cáo buộc Trung Quốc đang tạo sức ép với Triều Tiên, gây khó khăn cho tiến trình đàm phán giải trừ hạt nhân.

Cận cảnh quá trình xây đảo thần tốc của Trung Quốc

Cận cảnh quá trình xây đảo thần tốc của Trung Quốc

Một hòn đảo nhân tạo dài 625m, mọc trên 57 cột thép không gỉ khổng lồ, mỗi cột cao tương đương tòa nhà 13 tầng được Trung Quốc xây dựng trên biển đang dần thành hình.