Bệnh nhân Covid-19 thiệt mạng là một cụ bà 86 tuổi ở tỉnh Songkhla, miền nam Thái Lan. Reuters ngày 16/1 trích dẫn lời phát ngôn viên Bộ Y tế Thái Lan cho biết thêm, cụ bà trước đó đã mắc chứng Alzheimer và phải nằm liệt giường.

{keywords}
Nhân viên y tế đang lấy mẫu xét nghiệm nhanh Covid-19 cho học sinh ở một trường học tại thủ đô Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Reuters

Thông tin về cái chết của cụ bà được công bố sau khi nhà chức trách phát hiện ca mắc Omicron đầu tiên tại nước này hồi tháng trước, dẫn đến việc tái triển khai các quy định cách ly bắt buộc đối với khách nước ngoài nhập cảnh để phòng chống dịch.

Trong 24 giờ qua, Thái Lan ghi nhận thêm 8.077 ca mắc mới và 9 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca bệnh trên toàn quốc kể từ đầu dịch lên hơn 2,3 triệu người, bao gồm 22.000 bệnh nhân không qua khỏi.

Khoảng 66% trong tổng số 72 triệu dân Thái Lan đã hoàn thành 2 mũi vắc xin ngừa Covid-19 cơ bản và khoảng 14,9% được tiêm mũi tăng cường.

Hôm 11/1, Ngân hành trung ương Thái Lan cho biết, nền kinh tế lớn thứ 2 Đông Nam Á sẽ chịu mức thiệt hại 0,3% vì biến thể Omicron, mặc dù tình hình có thể được kiểm soát trong nửa đầu năm nay.

Pháp phê duyệt sử dụng hộ chiếu vắc xin

Quốc hội Pháp ngày 16/1 đã chính thức thông qua các biện pháp phòng chống Covid-19 mới nhất do chính phủ đề xuất, bao gồm cả việc triển khai hộ chiếu vắc xin.

Theo Reuters, các nhà lập pháp ở Hạ viện Pháp đã bỏ phiếu phê chuẩn với 215 phiếu thuận và 58 phiếu chống, mở đường cho luật bắt đầu có hiệu lực trong những ngày tới. Luật mới yêu cầu mọi người phải có giấy chứng nhận tiêm chủng để được vào các địa điểm công cộng như nhà hàng, quán cà phê, rạp chiếu phim hay đi tàu đường dài. Hiện tại, những người chưa chủng ngừa chỉ có thể đến những nơi này khi xuất trình kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính.

Bộ Y tế Pháp thống kê, tính tới hết ngày 15/1, gần 78% dân số nước này đã hoàn thành tiêm chủng.

Tổng thống Emmanuel Macron phát biểu trên tờ Le Parisien hồi đầu tháng 1 rằng, ông muốn "chọc giận" những người chưa tiêm chủng bằng cách làm cho cuộc sống của họ trở nên phức tạp đến mức họ rốt cuộc sẽ phải tiêm vắc xin.

Hàng nghìn người chống vắc xin cuối tuần qua đã xuống đường tuần hành ở thủ đô Paris và một số thành phố khác nhằm phản đối luật mới. Tuy nhiên, số lượng người tham gia biểu tình đã giảm mạnh so với tuần trước, thời điểm ngay sau phát biểu của ông Macron.

Pháp đang trải qua làn sóng lây nhiễm thứ 5 với số ca mắc mới thường xuyên đạt mức kỷ lục hơn 300.000 người/ngày. Song, số ca nặng phải điều trị hồi sức tích cực (ICU) thấp hơn nhiều so với làn sóng dịch đầu tiên vào tháng 3 - tháng 4/2020.

Quốc gia châu Âu này hiện là "ổ dịch" lớn thứ 5 thế giới với gần 14,2 triệu ca mắc, gần 127.000 trường hợp tử vong.

Anh cân nhắc nới lỏng các biện pháp hạn chế

Chính phủ Anh tuyên bố đang cân nhắc nới lỏng các biện pháp phòng dịch được triển khai hồi tháng 12/2021 tại vùng England, trong bối cảnh số ca nhiễm Omicron tại nước này có chiều hướng giảm dần. Sau khi biến thể Omicron xuất hiện, số ca mắc mới tại xứ sở sương mù đã tăng lên mức kỷ lục 200.000 trường hợp/ngày vào đầu tháng 1 nhưng hiện đã giảm gần 50%.

Theo các nguồn tin, quyết định mới dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 26/1, nhưng nhà chức trách vẫn sẽ cho duy trì quy định bắt buộc đeo khẩu trang. Cuối năm ngoái, để làm chậm lại đà lây nhiễm của virus, chính quyền vùng England đã buộc phải tái áp đặt quy định làm việc tại nhà và hộ chiếu vắc xin đối với những người tham gia các sự kiện công cộng lớn.

Giới quan sát nhận định, việc nới lỏng các biện pháp hạn chế có thể nằm trong kế hoạch củng cố vị trí lãnh đạo của Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ông Johnson đang hứng chịu búa rìu dư luận sau khi thừa nhận tham gia một bữa tiệc ở dinh thủ tướng vào tháng 5/2020, thời điểm đất nước đang áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt.

Anh vẫn là "điểm nóng" về dịch ở châu Âu với hơn 15,2 triệu ca mắc, trong đó gần 152.000 bệnh nhân thiệt mạng. 72% dân số toàn quốc đã tiêm đủ liều vắc xin cơ bản và 54% được tiêm mũi tăng cường.

Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:

- Theo trang Worldometers, tính đến sáng sớm 17/1 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 222 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho hơn 328,5 triệu người, bao gồm gần 5,6 triệu ca tử vong. Tuy nhiên, xấp xỉ 267,4 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục.

- Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì Covid-19 với gần 66,9 triệu ca mắc, 873.420 bệnh nhân không qua khỏi. 63% người dân ở xứ sở cờ hoa đã hoàn thành tiêm chủng và 24% được tiêm mũi vắc xin tăng cường.

- Viện Robert Kock (RKI) của Đức ngày 16/1 cho biết, tỷ lệ các ca mắc mới trên mỗi 100.000 dân trong vòng 7 ngày qua tại nước này đã đạt mức 515,7 ca, cao hơn mức đỉnh 485 ca hồi tháng 11 năm ngoái và cao hơn mức 497,1 ca của một tuần trước đó. Theo Viện RKI, tỷ lệ này tại một số địa phương thậm chí cao hơn nhiều lần. Song, số bệnh nhân tử vong không có xu hướng tăng.

- Cùng ngày, phát biểu trên kênh truyền hình Rossyia 1, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh học quốc gia Nga (Gamaleya) thông báo, cơ quan này dự kiến điều chế loại vắc xin Sputnik mới, có thể phòng ngừa cùng lúc nhiều chủng virus SARS-CoV-2, bao gồm cả Delta và Omicron.

- Bộ Y tế Ba Lan đang có kế hoạch trình làng một loại hình sàng lọc virus SARS-CoV-2 mới, sau khi các nhà nghiên cứu phát hiện một gen có khả năng quyết định bệnh nhân Covid-19 phát bệnh nặng hoặc tử vong. Các quan chức y tế ở Ba Lan tin, những người có nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất hoặc thậm chí tử vong do nhiễm virus, có thể được xác định thông qua phương pháp xét nghiệm di truyền.

Tuấn Anh

>>> Đọc tin thế giới trên Vietnamnet

Nhiều cố vấn Chính phủ Ba Lan về Covid-19 từ chức, ca mắc ở Lào tăng trở lại

Nhiều cố vấn Chính phủ Ba Lan về Covid-19 từ chức, ca mắc ở Lào tăng trở lại

Hơn 2/3 thành viên Hội đồng cố vấn y tế về Covid-19 của Ba Lan đồng loạt xin từ chức với lí do chính phủ không coi trọng lời khuyên dựa vào khoa học của họ trong ứng phó đại dịch.

Người mắc Covid-19 nên cách ly trong bao lâu?

Người mắc Covid-19 nên cách ly trong bao lâu?

Một số chính phủ đang cắt giảm thời gian cách ly đối với những người có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.