Nhóm CE-Vietnam đã phát triển các thiết bị kiểm tra đa chỉ tiêu chất lượng nước giá rẻ và đơn giản (đáp ứng cho nước mặt, nước ngầm hay nước máy hộ gia đình), và có thể triển khai ngay tại các tuyến cơ sở và địa phương.

Tiến sỹ Mai Thanh Đức - Đồng sáng lập và điều phối chung của nhóm CE-Vietnam (http://www.ce-vietnam.com/) đã có những chia sẻ cụ thể về hướng phát triển này.

Góp sức kiểm soát chất lượng nguồn nước

- Anh đánh giá về tình trạng sử dụng nước tại Việt Nam hiện nay?

Ở Việt Nam trong gần 15 năm gần đây ô nhiễm asen (thạch tín) trong nước ngầm đang trở thành vấn đề nóng vì phạm vi ảnh hưởng rất rộng.

Trong lĩnh vực nước cấp, một số nhà máy nước ở Việt Nam (đặc biệt tại Hà Nội) sử dụng nước ngầm cấp nước sinh hoạt. Tại một số khu vực như Pháp Vân, Nam Dư, Mỹ Đình (Hà Nội) nước ngầm bị ô nhiễm khá nặng bởi a-mô-ni (NH4+).

Hiện nay người dân có thói quen lọc nước máy / nước giếng qua các thiết bị lọc hộ gia đình để tự sản xuất nước sinh hoạt hàng ngày. Việc kiểm tra chất lượng nước sau khi đi qua bình lọc một cách thường xuyên sẽ giúp kiểm soát được chất lượng nước, giảm thiểu nguy cơ nhiễm bẩn / nhiễm độc từ nguồn nước ô nhiễm.

Bên cạnh việc kiểm soát các kim loại nặng độc hại, các loại thuốc trừ sâu tồn dư, thì việc kiểm tra liên tục, thường xuyên hàm lượng các anion cơ bản (SO42-, NO3-, PO43-, Cl-, NO2-) và cation cơ bản (Na+, K+, Ca2+, Mg2+, NH4+) trong nguồn nước cũng rất cần thiết, bởi đây là các chỉ thị đầu tiên cho việc đánh giá chất lượng nước.

- Anh có thể cho biết lý do tại sao nhóm nghiên cứu lại thiết kế các sản phẩm này?

Việc xác định các i-ôn chỉ thị chất lượng nước tới nay thường được thực hiện bởi các thiết bị phân tích thương phẩm nhập ngoại. Vì số lượng các chỉ tiêu cần được xác định nhiều nên việc phân tích từng chỉ tiêu bằng phương pháp quang là tốn kém nhân lực, thời gian và kinh phí.

Còn thiết bị cho phân tích nhiều chỉ tiêu đồng thời lại rất đắt tiền (chi phí mua một hệ thiết bị nhập ngoại thường từ 1,5 - 2 tỷ đồng, chưa bao gồm các chi phí duy trì, bảo dưỡng và hóa chất vật tư tiêu hao).

Các thiết bị nhập ngoại thường không đáp ứng được tiêu chí gọn nhẹ, đơn giản để có thể triển khai phân tích tại các trạm tuyến cơ sở, địa phương đặt cạnh nguồn nước cần kiểm tra chất lượng.

Bởi vậy, việc nghiên cứu, chế tạo và đưa vào áp dụng các hệ thiết bị cho phép kiểm tra đồng thời nhiều chỉ tiêu chất lượng nước sẽ có ý nghĩa lớn trong việc giúp đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng, cũng như giúp các cơ quan chức năng trong quá trình giám sát chất lượng môi trường.

Giảm giá thành phân tích chất lượng nước

- Anh có thể chia sẻ điểm đặc biệt của các sản phẩm đã phát triển?

Hiện tại chúng tôi đã nghiên cứu và phát triển thành công nhiều phiên bản thiết bị phân tích đa chỉ tiêu chất lượng nước khác nhau, từ hệ tự động phân tích liên tục (xem video phóng sự tại: https://www.youtube.com/watch?v=HoVb8mWT-t8&feature=youtu.be), tới hệ phân tích tự động xách tay (ảnh 1, 2), hay các hệ vận hành thủ công nhằm hướng tới giảm thiếu tối đa chi phí sản xuất.

{keywords}
Phân tích chất lượng nguồn nước ngay tại hiện trường

Chúng tôi đã tiến hành phân tích các nguồn nước khác nhau (nước ngầm, nước máy, nước mặt từ hồ Ngọc Khánh, hồ Đống Đa, hồ Bảy Mẫu, Hồ Ba mẫu, hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, hồ Giảng Võ, hồ Trúc Bạch và hồ Thanh Nhàn) trên các hệ do chúng tôi phát triển, và kiểm tra đối chứng với kết quả tương ứng từ các hệ thiết bị thương phẩm nhập ngoại. Kết quả so sánh rất khớp nhau, với sai lệch không quá 10 %.

- Vậy khả năng đáp ứng cho các đơn vị tuyến địa phương, cơ sở ở Việt Nam của các thiết bị này là như thế nào?

Mục tiêu của chúng tôi là tiến tới phát triển diện rộng kỹ thuật phân tích và kiểm soát chất lượng nguồn nước giá rẻ và đơn giản tại ngay tuyến cơ sở và địa phương, và ngay tại các trạm quan trắc đặt cạnh nguồn nước.

Như vậy, thay vì phải tiến hành các chiến dịch lấy mẫu nước và vận chuyển mẫu về các trung tâm quan trắc trung ương, chúng tôi hy vọng có thể thực hiện việc phân tích chất lượng nước ngay tại chỗ (trước mắt là với các i-ôn chỉ thị chất lượng nước cơ bản).

{keywords}
Triển lãm thiết bị tại hội nghị quốc tế Analytica Vietnam 04/2015

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hướng tới mục tiêu giảm giá thành phân tích kiểm tra chất lượng nước hộ gia đình (từ trên 1 triệu / mẫu nước (nước máy, nước giếng, nước lọc qua bộ lọc gia đình) cho tất cả các chi tiêu i-ôn cơ bản (nếu sử dụng các thiết bị đo thương phẩm nhập ngoại) xuống còn 200 nghìn đồng / mẫu với hệ thiết bị của chúng tôi.

Phân nhóm CE-Vietnam tại Trung tâm nghiên cứu Công Nghệ Môi Trường và Phát Triển Bền Vững (CETASD), trường đại học Khoa Học Tự Nhiên, ĐHQG Hà Nội).

Nhóm chuyên về hướng phát triển thiết bị dựa trên kỹ thuật điện di mao quản kết nối với cảm biến đo độ dẫn không tiếp xúc. Nhóm cũng đồng thời phát triển các ứng dụng phân tích chất lượng nước cho các hệ thiết bị đã phát triển.

Đây là nhóm đầu tiên trên thế giới ứng dụng kỹ thuật đo này vào việc phân tích nhanh mức độ ô nhiễm asen (thạch tín) trong nước ngầm.

Các công trình về phát triển thiết bị và kiểm soát chất lượng nước của nhóm được giới thiệu trên các tạp chí khoa học hàng đầu thế giới. Xem chi tiết tại: http://www.ce-vietnam.com/nghiencuudaotao.php

Minh Tuấn