Uber, Airbnb, Netflix - Những mô hình kinh doanh và công nghệ sáng tạo mới, những công ty biết khai thác công nghệ cũ, làm theo cách thức mới - hầu như đang xuất hiện hàng ngày.

Theo ông Eric Yeo, Tổng Giám đốc công ty IBM Việt Nam, những doanh nghiệp có đột phá mạnh nhất không thay thế những doanh nghiệp cũ từng bước, từng bước một. Họ định hình lại toàn bộ ngành kinh tế, xóa sạch bất cứ thứ gì ngăn cản trên con đường của họ.

Vậy các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải đối phó với nguy cơ cạnh tranh từ các công ty có những mô hình kinh doanh vô cùng khác biệt này như thế nào? Hay đối phó với những nguy cơ từ những ngành lân cận đang bắt đầu thâm nhập vào lĩnh vực kinh doanh của họ ra sao? 

{keywords}

Ông Eric Yeo, Tổng Giám đốc công ty IBM Việt Nam.

Ông Eric Yeo nhận định, những nhà sáng tạo hàng đầu và các tổ chức hoạt động có hiệu quả nhất thường coi các tiến bộ trong những lĩnh vực như công nghệ điện toán biết nhận thức (cognitive computing) và các hệ thống biết nhận thức với khả năng hiểu sự việc và học hỏi, là nhân tố then chốt để đối phó với những biến động mang tính đột phá. Cũng chính những doanh nghiệp này dường như cũng có xác suất cao hơn trong việc thâm nhập vào những thị trường mới.

Vào cuối năm 2015, một nghiên cứu của Viện nghiên cứu giá trị kinh doanh IBM có tên “Định nghĩa lại các đường ranh giới: Nghiên cứu C-suite toàn cầu” được triển khai trên cơ sở những phát hiện từ các cuộc phỏng vấn hơn 5.000 nhà lãnh đạo là thành viên Ban Giám đốc (CxO, như CEO, CIO, CFO, CHRO, CMO…) thuộc 21 ngành kinh tế tại hơn 70 quốc gia.

Nghiên cứu này muốn tìm hiểu các dự báo về tương lai của những nhà lãnh đạo, cách mà họ xác định những xu thế mới và cách mà họ cần định hình tổ chức của mình nhằm phát triển thịnh vượng trong "kỷ nguyên của sự đột phá.”

Hãy cảnh giác với những kẻ xâm nhập mới

Rủi ro hàng đầu đối với các doanh nghiệp trước đây thường chỉ là một đối thủ kinh doanh mới có những giải pháp tốt hơn hoặc giá thành rẻ hơn, và điều này không gây khó khăn quá cho các doanh nghiệp trong việc điều chỉnh chiến lược kinh doanh.

Hiện nay, sự cạnh tranh thường là vô hình, và không ai có thể nhìn thấy nó cho tới khi đã quá muộn. Những tổ chức lớn đang bị đe dọa bởi những đối thủ mới tham gia thị trường với những mô hình kinh doanh hoàn toàn khác biệt, ví dụ như các tổ chức nhỏ, gọn và linh hoạt hơn, không bị bó hẹp trong những cách thức triển khai hoạt động kinh doanh truyền thống.

Hai phần ba trong số các CxO coi sự hội tụ các ngành là một nhân tố quan trọng trong vòng vài năm tới. 72% số người được khảo sát cho biết công nghệ chính là nhân tố lớn nhất đang ảnh hưởng tới hoạt động doanh nghiệp của họ.

Hãy biết sử dụng ý kiến khách hàng

Nhiều CxO tham gia khảo sát thừa nhận rằng, họ cảm thấy khó có thể dự báo trước được tương lai, không biết điều gì sắp tới sẽ diễn ra. Tuy nhiên, liên quan đến việc phát hiện, khám phá những xu thế và công nghệ mới, chỉ có 50% số người được khảo sát đang sử dụng những ý kiến phản hồi từ khách hàng.

Phần lớn các nhà lãnh đạo tham gia vào cuộc khảo sát dự đoán là sẽ có sự thay đổi trong cách thức mà tổ chức của họ sử dụng để tương tác với khách hàng. 66% số người được khảo sát dự định sẽ tập trung chăm sóc khách hàng một cách trực tiếp - tăng 22% so với một nghiên cứu tương tự được thực hiện vào năm 2013. 81% có kế hoạch triển khai nhiều mô hình tương tác kỹ thuật số hơn, tăng 19% so với 2 năm về trước.

Những nhà lãnh đạo tiến bộ nhất đã chú trọng nhiều hơn đến công nghệ điện toán biết nhận thức, các công nghệ sản xuất tiên tiến, những nguồn năng lượng và giải pháp mới. Họ cũng sẵn sàng đầu tư vào những công nghệ mới với chi phí đầu tư ban đầu lớn hơn, nhưng lại có khả năng mang lại lợi ích đầu tư cao hơn.

Vai trò và rủi ro của công nghệ

Phần lớn các CxO được khảo sát cho biết điện toán đám mây, các giải pháp di động và Internet của vạn vật (IoT) là những công nghệ có khả năng cao nhất trong việc tạo ra sự đột phá trong doanh nghiệp của họ. Họ cũng cho biết, các công nghệ điện toán biết nhận thức sẽ tạo ra một cầu nối (cùng những cấp độ mới về mức độ trực tiếp) với người tiêu dùng và giúp có được thông tin chính xác hơn từ khối lượng dữ liệu khổng lồ.

Một số nhà lãnh đạo cũng nêu bật những lợi ích của công nghệ điện toán biết nhận thức trong việc tìm ra những phát hiện mới và giúp đưa ra những quyết định sáng suốt hơn với từng cá nhân khách hàng. Công nghệ điện toán biết nhận thức cho phép các doanh nghiệp phân tích dữ liệu về khách hàng, xây dựng các mô hình dự báo và theo dõi những nhu cầu mới của khách hàng.

“Không một công nghệ nào có thể dự báo được tương lai,” ông Eric Yeo kết luận. “Nhưng bằng cách sử dụng công nghệ nhận thức để sàng lọc và phân tích dữ liệu theo thời gian thực, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hoàn toàn có thể tự tin hơn trong các quyết định dự báo tương lai.”

Nguyễn Vân Chi