Nhiều người luôn băn khoăn câu hỏi nghề Y có thực sự ‘sướng’? Câu trả lời tất nhiên là không và ai thực sự yêu nghề thì hãy làm bác sĩ bởi nghề này lành nghề chưa đủ mà còn cần phải có ‘cái tâm’ nữa!

Học hành vất vả

Phải mất 7- 8 năm học hành khổ cực, sau khi ra trường phải làm bác sĩ nội trú vài năm, 2-3 ngày không được ngủ là chuyện bình thường. Khó khăn lắm mới lên làm bác sĩ chính, có thể có phòng khám riêng của mình, nhưng ngày nào cũng phải đối mặt với những bệnh nhân luôn mệt mỏi.

Tại Mỹ, ngành Y cũng là ngành học lâu nhất và tốn tiền nhất. Thời gian trung bình để thành Bác sĩ tại Mỹ là 11 đến 13 năm, trong đó 4 năm học đại học, 4 năm học trường Y, 3 đến 5 năm làm bác sĩ nội trú và sau đó là chuyên khoa sâu.

Hành nghề áp lực

Tại buổi làm việc với Khoa Y Đại học Tân Tạo, sinh viên Y Tân Tạo hiện đang thực tập tại Bệnh viện Saint Marry, Mỹ, Đỗ Hoàng chia sẻ: “Điều làm em ấn tượng nhất trong quá trình thực tập tại Hoa Kỳ đó là cách bác sĩ khám bệnh. Bác sĩ luôn luôn để bệnh nhân được nói những gì họ muốn. Điều này làm cho bệnh nhân cảm thấy như ‘tôi đã đi khám đúng chỗ, đây là người bác sĩ của tôi’ và họ cảm nhận được bác sĩ thật sự quan tâm đến sức khoẻ của họ.”

{keywords}

Sinh viên Đỗ Hoàng (ngoài cùng bên phải) tham dự Hội nghị SCAI New Orleans trong chuyến sang Mỹ thực tập từ tháng 5/2017

Bạn Lâm Hoàng Phúc, sinh viên Y khoa Đại học Tân Tạo hiện đang thực tập lâm sàng tại trường Y Wonju của Đại học Yonsei (Đại học Top 1 của Hàn Quốc) bày tỏ: "Dù phải thăm khám trung bình là 10 bệnh nhân trong 30-45 phút buổi sáng nhưng bác sĩ cũng sẵn sàng ở lại phòng bệnh, giải thích rõ ràng cho bệnh nhân với thái độ tận tình, nhẹ nhàng.”

{keywords}

Hoàng Phúc chụp ảnh lưu niệm với vị bác sĩ hướng dẫn tại ĐH Yonsei

Cùng quan điểm, bạn Vũ Mạnh Dũng, sinh viên Y khoa Đại học Tân Tạo, cũng đang thực tập lâm sàng tại trường Y Wonju của Đại học Yonsei chia sẻ: "Tim mạch là một trong những khoa bận rộn nhưng lại chăm sóc sinh viên rất kỹ, tại đây có các chuyên ngành như Y khoa tổng quát, rối loạn chuyển hoá, can thiệp loạn nhịp, và chẩn đoán hình ảnh.

Tuy các chuyên ngành với từng tên gọi rạch rọi, nhưng luôn thống nhất với nhau. Một bệnh nhân luôn có nhiều hơn hai bác sĩ với chuyên môn khác nhau đến thăm khám để đảm bảo tính toàn diện và tránh bỏ sót.

Đối với sinh viên, những bác sĩ tại đây luôn là những bậc thầy đáng kính, những lần trình ca lâm sàng, không phải một mà hầu hết bác sĩ trong khoa đều có mặt để chỉ ra từng điểm tốt cũng như mặt còn hạn chế khi khai thác trong mỗi phần khác nhau như bệnh sử, tiền căn, các xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị.

Có những buổi sinh viên có mặt lúc 4 giờ sáng đo điện tâm đồ hay cho bệnh nhân để kịp giờ bác sĩ thăm khám, đi theo các bác sĩ với thời tiết xấp xỉ 10 độ C tại Hàn Quốc. Dù tay chân lập bập nhưng mọi người vẫn hào hứng vì biết mình sẽ có thể cứu giúp thêm một mạng người nữa. Thực sự đó là một trải nghiệm khó quên.”

{keywords}

Vũ Mạnh Dũng (thứ 3 từ trái sang) cùng các thực tập sinh Hàn Quốc tại ĐH Yonsei

Bạn Hoàng Phúc cũng chia sẻ thêm: “Việc 5-6 sinh viên thực tập được cùng tháp tùng với các bác sĩ cũng tạo điều kiện rất tốt cho sinh viên học tập thêm kiến thức lâm sàng trên từng trường hợp bệnh án cụ thể.

Các bác sĩ luôn làm việc dưới áp lực công việc cao nhưng kỷ luật rất tốt nên họ luôn đúng giờ, làm việc với sự tận tâm, xem bệnh nhân là trên hết và luôn nhiệt tình hướng dẫn sinh viên để nâng cao chất lượng cho nền Y khoa sau này".

Đối với ngành Y, đam mê là một yếu tố cực kỳ quan trọng hơn hẳn các ngành khác. Không thể vì hôm nay có chuyện buồn, ngày mai không vui mà làm hỏng phẫu thuật được, bởi trong tay bác sĩ là sinh mạng của rất nhiều người.

Có thể thấy các bác sĩ tương lai ngoài việc rèn dũa tay nghề còn phải rèn “tâm”, rèn “đức”. Lại một mùa tuyển sinh nữa đang đến, rất nhiều cánh cửa đại học đang đón chờ các sĩ tử, hãy suy nghĩ thật kỹ để quyết định đúng con đường của mình nhé!.

Doãn Phong