Theo đại điện Đại học Tân Tạo, trường không nhắm đến số đông sinh viên mà mong muốn sẽ trở thành trường đại học nghiên cứu thực sự.

Nghiên cứu dẫn dắt đào tạo

Nghiên cứu và chuyển giao các kết quả nghiên cứu cho Chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp và xã hội là một trong những sứ mệnh của các Trường ĐH định hướng nghiên cứu. Trên thực tế, việc xác định xây dựng trường đại học theo định hướng mô hình đại học nghiên cứu không phải là việc mà trường nào cũng làm.

{keywords}

Chân dung Bà Đặng Thị Hoàng Yến - Chủ tịch Trường ĐH Tân Tạo (TTU)

Theo Bà Đặng Hoàng Yến - Chủ tịch Trường ĐH Tân Tạo (TTU), một trong những trường ĐH Tư thục phi lợi nhuận tiên phong trong buổi “trở mình” nâng cao chất lượng này, thì “Đối với các trường đại học tư thục khác, vấn đề sống còn là phải thu hút được nhiều sinh viên để có thể duy trì kinh phí hoạt động. Còn ở Đại học Tân Tạo, chúng tôi không nhắm đến số đông sinh viên, mà mong muốn sẽ trở thành trường đại học nghiên cứu thực sự. Để có thể khẳng định được tên tuổi và vị trí của TTU thì không có con đường nào khác hơn là phải đảm bảo chất lượng đào tạo.”

Trường đại học nghiên cứu, trước hết phải có một đội ngũ giảng viên đam mê nghiên cứu, là những giáo sư - tiến sĩ - chuyên gia đến từ trong và ngoài nước. Nhà trường cũng đã đầu tư rất nhiều kinh phí để tham gia vào các hoạt động nghiên cứu của các nhà khoa học ở Thung lũng Silicon, Mỹ.

“Bước đầu đã có được một số thành quả và chúng tôi đang đặt rất nhiều hi vọng. Nếu dự án đó thành công thì sẽ là một bước ngoặc với Đại học Tân Tạo. Bên cạnh đó GS.BS Thạch Nguyễn - thuộc Ban chấp hành Hội Tim mạch Hoa Kỳ và Hội can thiệp Tim mạch học Hoa Kỳ và cũng là Quyền Hiệu trưởng nhà trường, đã tham gia vào rất nhiều dự án nghiên cứu ứng dụng của khoa Y cũng như các khoa khác. Tôi nghĩ rằng chất lượng và công tác nghiên cứu sẽ tạo nên một bước đi vững chắc, tạo nên tên tuổi của Trường Đại học Tân Tạo.” - bà Hoàng Yến cho biết.

Bên cạnh đó, nghiên cứu khoa học trong sinh viên không phải là phong trào mà là hoạt động có tính chất thiết thực. Trong những năm qua, TTU đã tạo nhiều điều kiện và có chính sách khuyến khích sinh viên nghiên cứu khoa học như: hỗ trợ kinh phí thực hiện nghiên cứu, trao thưởng cho các công trình nghiên cứu có chất lượng, tạo điều kiện để sinh viên được tham gia giao lưu, trao đổi học thuật với sinh viên các đại học khác trên thế giới…

Cam kết mô hình giáo dục phi lợi nhuận

Bà Hoàng Yến cũng khẳng định, TTU đang làm giống như tất cả những trường đại học “top” trên thế giới như Harvard, nguồn kinh phí thu được của nhà trường là từ nghiên cứu và đóng góp của các cựu sinh viên, còn học phí chỉ chiếm 30% nguồn kinh phí đó. Chính vì vậy, việc các em đóng học phí hoặc học bằng học bổng tại TTU không có ảnh hưởng gì đến chất lượng đầu ra của nhà trường.

Gần đây, nhiều công ty nước ngoài đã tìm đến TTU để ký hợp đồng cung ứng nguồn nhân lực, và sau khi các công ty này tuyển dụng một số sinh viên Tân Tạo, thì họ đã tiếp tục đề nghị và ký kết hợp đồng dài hạn để “thâu tóm” nguồn cung nhân lực cao này từ trường. Hiện nay, hơn 89% sinh viên tốt nghiệp của TTU hiện đang công tác tại các tập đoàn lớn như Unilever, LG, Pepsi, Wall Street English Center, Odyssey Resources Vietnam, PwC,...

Lý do dễ hiểu, nằm ở lợi thế lớn trong mô hình giáo dục Liberal Arts mà trường theo đuổi. Theo đó, đại học Tân Tạo hiện nay đang cấp song song hai loại bằng: một bằng theo tiêu chuẩn Việt Nam và một bằng theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ. Các em đều có quyền lựa chọn xin cấp 2 loại bằng hay chỉ 1 loại, việc này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý.

“Thực tế cho đến nay thì chưa có một sinh viên nào xin cấp bằng theo tiêu chuẩn Việt Nam cả, và tất cả các sinh viên tốt nghiệp từ TTU đều đăng ký xin được cấp bằng theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ. Tôi có thể tự hào mà nói rằng là các sinh viên TTU khi ra trường đều ngang bằng về trình độ với các sinh viên của Hoa Kỳ.” - Bà Hoàng Yến cho biết thêm.

Doãn Phong