Cùng lúc với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, dự thảo sửa đổi luật Đất đai cũng được đưa ra lấy ý kiến toàn dân.

>> Sửa luật Đất đai: Thu hẹp quyền nhà nước

Thảo luận tại kỳ họp Quốc hội cuối năm ngoái, dự thảo luật Đất đai sửa đổi có những điểm còn nhiều ý kiến khác nhau như cơ chế định giá đất, cơ chế và các trường hợp thu hồi đất...

Theo dự thảo mới nhất vừa trình Thường vụ QH ngày 15/1, một số quyền của Nhà nước đã được thu hẹp, ví dụ: bỏ quy định về quyền của Nhà nước được ưu tiên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua tài sản gắn liền với đất; thu hẹp các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội...

Ảnh minh họa: Minh Thăng
Sửa đổi luật Đất đai 2003 là một yêu cầu cấp bách khi mà nhiều quy định trong luật đã trở nên bất cập trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay, biến đất đai thành vấn đề chiếm tới 70% các khiếu nại, tố cáo của công dân.

Theo kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo sửa đổi luật Đất đai, đối tượng lấy ý kiến gồm: HĐND, UBND các cấp; các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp; tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác; các doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, học viện, trường đại học; các tầng lớp nhân dân.

Người dân có thể góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi đến cơ quan, tổ chức được phân công lấy ý kiến nhân dân, thư gửi qua đường bưu điện không phải dán tem; thảo luận tại các hội nghị, hội thảo theo khu vực và theo từng vùng; góp ý kiến thông qua cổng, trang thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai; HĐND và UBND các tỉnh, thành; cũng như qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Kế hoạch do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký yêu cầu các báo cáo kết quả đóng góp ý kiến của các cơ quan, tổ chức, UBND các tỉnh, thành phải gửi về Bộ Tài nguyên - Môi trường trước ngày 5/4.

Bộ Tài nguyên - Môi trường gửi UB Thường vụ QH dự thảo luật Đất đai (sửa đổi) đã được chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến nhân dân trước ngày 10/5.

Theo Cổng TTĐT Chính phủ