- Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng QH Vũ Mão cho hay ông tâm đắc với điều 54 dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, nhìn nhận công bằng vai trò của tất cả các thành phần kinh tế - coi đây là sự thay đổi mạnh nhất của dự thảo.

Bình đẳng

Trong phần tham luận tiếp theo về sửa đổi Hiến pháp 1992, ông Vũ Mão đặc biệt lưu ý điều 54. Điều này được sửa đổi, bổ sung từ các điều 15, 16, 19, 20, 21 và 25. Theo đó, dự thảo quy định:

"Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật".

Như thế, hướng sửa đổi này bỏ quy định “thành phần kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế”.

"Tôi rất hoan nghênh. Việc thay đổi này là thể hiện quan điểm, tư duy mới về kinh tế đã đề cập trong nghị quyết Trung ương 6. Nếu Hiến pháp lần này thực hiện được thì sẽ tạo những thay đổi mang tính đột phá, thậm chí hơn cả Cương lĩnh Đại hội 11 đưa ra. Quy định này làm cho tất cả các thành phần kinh tế bình đẳng với nhau và cùng phát triển" - ông cho hay.

Các thành phần kinh tế bình đẳng, cạnh tranh theo pháp luật. Ảnh: Bình Minh

Cũng liên quan vấn đề trên, có câu hỏi đặt ra liệu có phải việc xác định thành phần kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế trước đây đã tạo ra hệ quả thực trạng hoạt động của khối DNNN với nhiều tồn tại và cả nhức nhối như hiện nay?

Ông Vũ Mão cho rằng, thực ra, nói cho công bằng, cũng không nên đổ dồn toàn bộ cho quy định như thế. Những tồn tại quá nặng nề như hiện nay, một phần không nhỏ còn do điều hành.

"Nếu cứ làm thẳng thắn, làm một cách trong sáng, khách quan, không vụ lợi thì cũng không đến mức làm “đứa con cưng” hư hỏng, gây thiệt hại cho nền kinh tế đến mức như vừa rồi. Tôi muốn nhắc lại: Chuyển từ nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN là một quá trình gian khổ đau đớn. Tôi mừng vì có nhận thức mới và mong rằng ở nhiều nội dung quan trọng khác trong Hiến pháp cũng có những đổi mới về tư duy" - ông nói.

Ông bày tỏ tâm đắc về điều 54, thể hiện sự "thay đổi mạnh nhất trong dự thảo Hiến pháp".

"Tại điều 54, dự thảo Hiến pháp mới đã viết gọn lại và thể hiện khá rõ vấn đề bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, phù hợp với thực tiễn. Thực tế vừa qua, các thành phần kinh tế khác ngoài quốc doanh tuy chưa được tạo điều kiện một cách đầy đủ mà đã phát huy tương đối tốt, đem lại thêm của cải cho xã hội, cho ngân sách nhà nước. Mặc khác, việc “cưng chiều” thành phần kinh tế nhà nước thái quá, đặc biệt các tập đoàn kinh tế, dẫn đến tình trạng “xin cho”, tham nhũng, thua lỗ, “cha chung không ai khóc”, “vơ vét cá nhân”… Tôi rất đồng tình, rất thích sửa đổi ở điều này. Nó thể hiện tư duy đổi mới" - ông cho hay.

Vai trò Chủ tịch nước

Điều 93 của dự thảo bổ sung, mở rộng quyền Chủ tịch nước.

Theo ông Vũ Mão, việc quy định Chủ tịch nước phong hàm sỹ quan cấp tướng thay vì quy định phong hàm sỹ quan cấp cao trong các lực lượng vũ trang nhân dân như hiện hành là chấp nhận được. Ông cũng tán thành việc quy định Chủ tịch nước có quyền tham gia các phiên họp của Chính phủ và khi cần thiết, Chủ tịch nước yêu cầu Chính phủ họp bàn về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước.

Nhưng theo ông, viết như dự thảo thì nội dung điều luật này không rõ. Nếu chủ tịch nước yêu cầu Chính phủ họp nhưng ai chủ trì cuộc họp này? Ở đây cần nêu rõ là Chủ tịch nước chủ trì phiên họp.

Nhưng ông không đồng ý với quy định "Căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố tình trạng khẩn cấp; trong trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội không thể họp được, công bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương".

"Quy định như vậy không hợp lý vì hiện nay Thường vụ Quốc hội đã hoạt động chuyên trách, chỉ có hơn 15 thành viên, thường xuyên có mặt ở Hà Nội, cớ gì không tổ chức họp được. Một vấn đề khác, Hiến pháp năm 1992 quy định nhiệm vụ quyền hạn Chủ tịch nước có 12 khoản nhưng dự thảo mới gộp lại thành 6 khoản mà mỗi khoản lại “ôm đồm” quá...".

Theo ông, những sửa đổi, bổ sung này không cơ bản vì bản chất của Chủ tịch nước là làm sao phải tạo được thực quyền. Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia, người cao nhất, thống lĩnh lực lượng vũ trang, nhưng với thể chế chính trị của nước ta, Tổng bí thư là người có quyền lực cao nhất vì theo điều 4 của Hiến pháp. Hơn nữa Tổng bí thư lại là Bí thư Quân ủy Trung ương.

Thực tế ở nước ta, thời kỳ Bác Hồ còn sống, Người là Chủ tịch Đảng, đồng thời là Chủ tịch nước. Đó là sự hóa thân của Đảng vào Nhà nước, rất tuyệt vời.

"Cớ sao nay ta không làm như vậy. Là người lâu năm trong cuộc, tôi hiểu vấn đề này, nhưng bây giờ là lúc chín muồi để ta thực hiện điều ấy. Còn nếu băn khoăn, ta hãy tổ chức lấy ý kiến nhân dân, và tốt nhất là trưng cầu dân ý để cho nhân dân thể hiện ý chí và nguyện vọng của mình. Theo tôi, điều quan trọng nhất về vai trò của Chủ tịch nước là cần có quy định để triển khai theo mô hình Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước".

Điều 15 của dự thảo Hiến pháp sửa đổi quy định: "Ở nước CHXHCN Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được Nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng”.

Ông Vũ Mão cho rằng, việc bổ sung mới ở điều 15 "hình như chưa ổn". Điều 15 cũ chỉ có một khoản, điều 15 mới chia làm 2 khoản. Khoản 1 cơ bản giữ nội dung của điều 15 cũ, nhưng thêm khoản 2 là: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng”, khiến người đọc có cảm giác bị siết chặt hơn.

"Tôi đề nghị xem xét lại điều 15 của dự thảo. Theo tôi, điều này không cần thiết, dễ gây hiểu lầm".

Tá Lâm (ghi)