- Hội đồng Hiến pháp nên được đổi tên thành Tòa án Hiến pháp và phải được ra phán quyết chứ không chỉ nêu kiến nghị chung chung - các thành viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam góp ý cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.


Dự thảo sửa đổi Hiến pháp bổ sung thêm một chương mới về Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước. Theo đó, “Hội đồng Hiến pháp kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật” và có chức năng “kiến nghị Quốc hội xem xét lại các văn bản quy phạm pháp luật của mình khi phát hiện có vi phạm Hiến pháp” và “yêu cầu Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ QH, Chính phủ… sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật…”.

Thảo luận tại hội nghị UB TƯ MTTQ Việt Nam ngày 19/2, nhiều ý kiến đề xuất ban biên tập sửa đổi Hiến pháp nên mạnh dạn đổi tên Hội đồng Hiến pháp thành Tòa án Hiến pháp (hoặc bảo hiến) và trao cho cơ quan này nhiều quyền năng thực chất hơn.

Thẩm quyền 'với' tới đâu

Nguyên Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam Phạm Xuân Hằng phân tích, đây là thiết chế mới, lần đầu tiên xuất hiện trong Hiến pháp nước ta với ý nghĩa là cơ quan kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước, bảo đảm sự đúng đắn và thượng tôn Hiến pháp. Quy định này đã tiệm cận cơ chế phân công quyền lực và kiểm soát quyền lực trong nhà nước pháp quyền mà các nước đã có từ nhiều thế kỷ qua.

Tuy nhiên, dự thảo sửa đổi chỉ quy định thẩm quyền “kiến nghị” của Hội đồng Hiến pháp chứ không có thẩm quyền “phán quyết” đối với các luật, văn bản pháp quy và quyết định không phù hợp với Hiến pháp của các cơ quan nhà nước. Mà nếu chỉ dừng ở kiểm tra rồi kiến nghị thì thực chất, đây chỉ là cơ quan tư vấn của QH, chưa phải là thiết chế kiểm soát quyền lực, không có khả năng bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp.

Ông Hằng đề xuất đổi tên thành “Hội đồng bảo hiến”, có thẩm quyền phán quyết đối với các luật, văn bản và quyết định không phù hợp với Hiến pháp của tất cả các cơ quan nhà nước.

Ông Nguyễn Lang: Hội đồng Hiến pháp phải có chức năng phán quyết

Nguyên Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam Lê Truyền cũng đề xuất, Hội đồng Hiến pháp phải có vị thế độc lập, được trao quyền hẳn hoi chứ không chỉ thuần túy đóng vai tư vấn.

GS Nguyễn Lang phân tích kỹ hơn, cho dù có tên Hội đồng Hiến pháp, Tòa án Hiến pháp hay bất cứ tên gì thì phải dựa trên tinh thần cơ quan này phải có chức năng phán quyết chứ không phải nêu kiến nghị chung chung.

“Còn nếu chỉ giao chức năng kiến nghị thì Hội đồng Hiến pháp sẽ kiến nghị tới đâu, với ai để giải quyết vấn đề. Chả lẽ lại kiến nghị với QH, mà QH thì cứ nửa năm mới họp một lần. Chuyện sai, chuyện vi hiến cứ để cho kéo dài cả nửa năm đợi tới kỳ họp QH mới sửa hay sao”, GS Nguyễn Lang nói.

Ông Nguyễn Thành Long cũng đặt vấn đề, nên xác định xem thẩm quyền của Hội đồng Hiến pháp có thể “với” được tới đâu. “Chứ như dự thảo hiện nay thì Hội đồng Hiến pháp cũng chỉ giống như một cơ quan thuộc QH mà thôi”, ông Long góp ý.

GS.TS Nguyễn Duy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội và nhân văn cũng nêu vấn đề, cùng với việc trao thêm thực quyền thì nên mạnh dạn đổi tên cơ quan này thành Tòa án Hiến pháp để có đủ sức mạnh cần thiết.

Sở hữu đất đai

Cũng tại hội nghị, nhiều đại biểu bày tỏ quan điểm về quyền con người, vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và đặc biệt chuyện sở hữu đất đai.

Theo ông Nguyễn Tiến Võ, đã đến lúc Hiến pháp không thể né tránh câu chuyện tư hữu về đất đai mà cần có cái nhìn thỏa đáng đáp ứng đòi hỏi thực tế. Bởi 20 trước, khi soạn Hiến pháp 1992, Chủ tịch QH Lê Quang Đạo cũng đã từng xới lên vấn đề này nhưng rồi mọi chuyện vẫn không được đề cập đến. Trong lần sửa Hiến pháp này cần có sự nghiên cứu điều chỉnh nghiêm túc để bổ sung cho kịp thời, nếu không sẽ lại phải đợi thêm 20 năm nữa.

Ông Nguyễn Tiến Võ: Cần có cái nhìn thỏa đáng về sở hữu đất đai

“Góp ý sửa Hiến pháp lần này là một cuộc phản biện khổng lồ trước các thành viên Ban biên tập cũng như các nhà lãnh đạo đất nước. Đề nghị phải xem xét câu chuyện quyền sở hữu về đất đai một cách nghiêm túc để đưa ra một quan điểm đúng đắn và chính xác nhất”, ông Võ đề xuất.

Tất cả ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ được chuyển đến Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Lê Nhung - Ảnh: Minh Thăng