Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng đội tàu hậu cần cũng như máy bay vận chuyển hạng nặng mà bấy lâu bị lãng quên. Động thái này nhằm thúc đẩy các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở vùng lãnh thổ tranh chấp.

Ảnh: wantchinatimes

Theo các nhà phân tích quốc phòng, những phương tiện vận chuyển hậu cần hạng nặng không khiến khu vực quá bất an so với việc trình diễn máy bay chiến đấu, tên lửa tầm xa hay tàu chiến hiện đại. Tuy nhiên, nó lại là nhân tố chủ chốt của quân đội Trung Quốc (PLA) trong suốt ba thập niên xây dựng và phát triển quân sự.

Các phương tiện hậu cần trên biển và trên không sẽ giúp cho lực lượng hải quân lớn thứ hai thế giới nay đạt tầm với địa chính trị rộng hơn, xa hơn, đồng thời thúc đẩy khả năng của PLA trong việc hỗ trợ quân đội ở những chiến trường xa.

Nhiều thông tin và hình ảnh đăng trên trang web quân sự Trung Quốc cho biết, các hãng đóng tàu nhà nước Trung Quốc năm trước đã khánh thành hai tàu hậu cần 903 (tàu tiếp vận) trọng tải 23.000 tấn. Các tàu này đang tiến hành chạy thử trên biển và có thể đưa vào lực lượng hải quân cuối năm nay.

Tháng trước, Trung Quốc cũng xác nhận rằng, PLA đã tiến hành bay thử lần đầu tiên loại máy bay vận tải hạng nặng Y-20 tại căn cứ không quân ở Tây An, Thiểm Tây. Truyền hình quốc gia Trung Quốc đăng tải hình ảnh máy bay Y-20 bốn động cơ - máy bay lớn nhất chế tạo tại Trung Quốc cất và hạ cánh. Loại máy bay này do tập đoàn Máy bay Tây An AVIC chế tạo, có tải trọng 66 tấn.

Tham vọng cường quốc

Việc sắp chuyển giao các tàu hậu cần và máy bay vận tải hạng nặng là một bằng chứng cho thấy tham vọng của Trung Quốc muốn trở thành cường quốc quân sự toàn cầu hàng đầu. Quốc gia châu Á này đang quyết tâm phá vỡ các ưu tiên an ninh truyền thống là phòng thủ biên giới quốc gia.

"Họ đang bắt đầu phát triển các khả năng để phô trương sức mạnh, không còn nghi ngờ gì về điều đó", Lý Nam - một chuyên gia về quân sự Trung Quốc cũng là giáo sư tại ĐH Hải quân Mỹ ở Newport, Rhode Island nói.

Tăng mạnh chi tiêu quân sự trong suốt ba thập niên qua đã cho phép Trung Quốc xây dựng lực lượng hải quân hiện đại, hiện tại đứng thứ hai thế giới sau Mỹ về mặt số liệu thô. Hải quân Trung Quốc giờ đây có khoảng 80 tàu chiến nổi bao gồm cả con tàu sân bay đầu tiên mang tên Liêu Ninh. Họ cũng triển khai hơn 50 tàu ngầm, 50 tàu đổ bộ và 80 tàu tấn công tên lửa (theo ước tính của Lầu Năm Góc).

Tuy nhiên, việc chế tạo các tàu tiếp vận, hậu cần tại các xưởng đóng tàu Trung Quốc vẫn còn tụt hậu so với số lượng tàu chiến. Trung Quốc chỉ có 5 tàu tiếp vận lớn để hỗ trợ cho một hạm đội đang tiến hành các cuộc tuần tra và tập trận ở xung quanh lãnh thổ tranh chấp tại Biển Đông và Hoa Đông. Trong khi đó, hải quân Trung Quốc đang triển khai ngày một nhiều ở Ấn Độ Dương, vịnh Aden và các vùng biển vùng sừng châu Phi.

Theo Lầu Năm Góc, Hải quân Mỹ có 34 tàu tiếp vận lớn, hỗ trợ cho khoảng 140 tàu chiến.

"Các tàu hậu cần sẽ không làm thay đổi bản chất hoạt động ở những vùng biển tranh chấp, nhưng sẽ có tác động lớn tới khả năng của hải quân Trung Quốc khi tiến hành hoạt động trên biển", Alessio Patalano, một chuyên gia quân sự Nhật Bản tại trường King's ở London nói.

Với Trung Quốc, việc bay thử máy bay Y-20 là dấu mốc quan trọng khi PLA tiếp tục thay đổi quân đội từ cồng kềnh sang gọn nhỏ, có khả năng thích nghi cơ động hơn. "Máy bay như thế là điều cần thiết nếu biết muốn chuyển nhiều người, nhiều thiết bị tới một nơi trong thời gian rất ngắn", Reuben Johnson, nhà phân tích quân sự ở Kiev - người nghiên cứu về chương trình Y-20 nhấn mạnh.

Báo chí Trung Quốc đưa tin, Y-20 có thể cất/hạ cánh trong điều kiện hạn chế và có khả năng vận tải hầu hết quân đội chiến đấu cũng như các phương tiện hỗ trợ. Các nhà phân tích quân sự cho rằng, giới hoạch định chính sách quân sự Trung Quốc đã rút ra bài học về tầm quan trọng của máy bay vận tải hạng nặng trong các chiến dịch gần đây của Mỹ và phương Tây khi phải chuyển quân đội và thiết bị tới các chiến trường xa xôi với lợi thế áp đảo.

Mỹ có khoảng 300 máy bay vận tải hạng nặng cùng hơn 400 máy bay vận tải hạng nhẹ. Rất nhiều trong số này có thể hoạt động trên địa hình gồ ghề, khó khăn. Một số nhà phân tích dự đoán, quân đội Trung Quốc có thể đặt hàng hàng trăm máy bay Y-20 trong thập niên tới.

Thái An (theo Reuters)