HTML clipboard

- Chỉ trong vòng 2 ngày, bão Haiyan đã mạnh từ cấp 8 lên cấp 17 (là cấp cuối cùng của mức cảnh báo bão, cấp độ mạnh nhất trong bảng cấp gió quy định của Uỷ ban bão quốc tế). Dự báo vùng đất liền bị bão quét vào sớm nhất là Quảng Ngãi đến Thừa Thiên Huế.

Bán kính bão rộng 400-500km

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, thời điểm bão quét vào đất liền khu vực Quảng Ngãi - Thừa Thiên Huế được dự báo trong khoảng 4-10 giờ ngày 10/11. Sau đó bão có khả năng đi dọc các tỉnh Quảng Trị - Nghệ An.

{keywords}
Siêu bão Haiyan (dấu chấm đen là mắt bão) đạt cực đại chỉ trong vòng 2 ngày (Ảnh: NCHMF)

Với phạm vi bán kính ảnh hưởng của bão rất rộng tới 400 - 500km, cơn bão này sẽ gây ảnh hưởng trên diện rất rộng lớn. Các tỉnh có gió mạnh từ cấp 12 đến cấp 15 được xác định gồm Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình và các đảo ven bờ Lý Sơn, Cồn Cỏ, Hòn Ngư.

Lo ngại siêu bão Haiyan sẽ ảnh hưởng tới các chuyến bay tại khu vực Trung Bộ, Vietnam Airlines ra thông báo đề nghị hành khách có kế hoạch đi/đến các sân bay Đồng Hới (Quảng Bình), Huế, Đà Nẵng, Chu Lai (Quảng Nam), Quy Nhơn (Bình Định), Tuy Hòa (Phú Yên), Cam Ranh (Nha Trang) trong ngày 10/11 thường xuyên cập nhật tình hình bão nhằm chủ động trong việc điều chỉnh lịch trình đi lại.

Các tỉnh có gió mạnh từ cấp 8 – 12: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.

Từ chiều mai (9/11) ở các tỉnh từ Hà Tĩnh - Khánh Hòa sẽ có mưa to đến rất to, sau đó vùng mưa to sẽ lan dần ra phía Bắc. Lượng mưa cả đợt ước tính từ 300 - 500mm, có nơi trên 600mm.

Khu vực ven biển và các đảo thuộc các tỉnh Nghệ An - Quảng Ngãi, cần đề phòng nước dâng kết hợp với triều cường cao từ 4-6m. Sóng biển 5-8m, vùng gần tâm bão trên 10m.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nhận định đây là cơn bão có cường độ mạnh nhất lịch sử từng vào biển Đông và có khả năng trở thành cơn bão có cường độ mạnh nhất lịch sử đổ bộ vào đất liền nước ta.

Lúc đổ bộ bão vẫn mạnh cấp 14, 15, giật cấp 17

Theo bản tin mới nhất, phát lúc 17h30 của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương thì lúc 4 giờ chiều nay (8/11), siêu bão Haiyan nằm trên vùng biển phía Đông khu vực miền Trung Philippin.

{keywords}
Diễn biến cơn bão lúc 4 giờ chiều nay (Ảnh: NCHMF)

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 16 (tức là từ 184 đến 201 km một giờ), giật trên cấp 17. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 35km.

Như vậy khoảng tối nay (8/11), bão sẽ đi vào phía Đông Nam biển Đông.

Đến 16 giờ ngày 10/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,1 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Trung Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 183 km một giờ), giật trên cấp 17.

Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Bắc, đi dọc các tỉnh ven biển Trung Bộ, mỗi giờ đi được khoảng 20km.

Lũ chồng lũ, nhiều hồ chứa yếu

Hiện nay, miền Trung và Tây Nguyên đang trải qua một đợt lũ lớn. Lũ chưa qua nhưng do ảnh hưởng của bão Haiyan, từ 10/11, các sông từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện một đợt lũ mới.

{keywords}
Thủy điện Hương Điền (Thừa Thiên Huế) xả lũ (Ảnh: Nguyễn Phương)

Theo tổng hợp từ báo cáo của các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Định thì hiện nay có 114 hồ chứa có hiện trạng yếu cần lưu ý về an toàn trong mùa mưa bão, trong đó nhiều hồ có đập bị thấm mạnh, tràn xả lũ bị vỡ lở xuống cấp. Các tỉnh Tây Nguyên và Tổng công ty Cà phê có 51 hồ chứa có hiện trạng yếu, trong đó nhiều hồ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão.

Tại cuộc họp trực tuyến do Thủ tướng Chính phủ chủ trì chiều 8/11 tại Hà Nội, Thủ tướng đã yêu cầu cả hệ thống chính trị phải có sự tập trung chỉ đạo cao nhất, quyết tâm cao nhất bằng tất cả các giải pháp với mục tiêu hạn chế thấp nhất các thiệt hại về tính mạng của nhân dân, giảm thấp nhất thiệt hại tài sản của nhân dân, Nhà nước.

Chính phủ đã cử Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát vào các địa phương miền Trung trực tiếp chỉ đạo công tác chống bão.

Quảng Nam: Tại cuộc họp khẩn chiều 8/11, Quảng Nam đã đưa ra nhiều phương án ứng phó trong đó di chuyển toàn bộ dân vùng ven biển, ven sông đến nơi an toàn. Đồng thời đề xuất triển khai ngay phương án đào hầm tránh bão nơi vùng cát ven biển để đối phó với siêu bão số 13.

Tuy nhiên, quan ngại nhất hiện nay là vùng núi Quảng Nam có mưa lớn, các hồ chứa thủy điện xả lũ đã khiến lũ các sông bắt đầu lên và có thể gây ngập vùng hạ du mà đặc biệt là khu vực đô thị cổ Hội An.

Theo chính quyền TP. Hội An, hơn 1 tháng nay bão liên tục đổ bộ vào Hội An và khu vực ven biển. Bên cạnh đó, nước lũ thượng nguồn đổ về gây ngập nhiều khu vực trong khu đô thị cổ. Do bị ngập nước lâu và kéo dài nên nhiều nhà cổ tại đây có nguy cơ xuống cấp.

"TP. Hội An đã triển khai khẩn cấp các phương án phòng chống. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là việc chèn chống một số nhà cổ bị xuống cấp. Còn có hàng trăm ngôi nhà cổ khác, liệu có chịu nổi với sức công phá của siêu báo số 13?" - ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND TP. Hội An trăn trở. 

HTML clipboard

Mức độ nguy hiểm của siêu bão:

Cấp bão số 5 (theo thang của Mỹ) : Tàn phá một cách thảm khốc. Bão Haiyan được xếp trong thang này.

Đối với người, gia súc và vật nuôi có nguy cơ rất cao bị thương hoặc tử vong do mảnh vỡ rơi hoặc bay xuống, ngay cả khi trong nhà cấp 4 hoặc nhà khung. Có thể phá hủy gần như hoàn toàn tất cả các nhà cấp 4, bất kể đã xây dựng bao nhiêu năm hoặc kết cấu tốt thế nào.

Một tỷ lệ cao của các nhà khung sắt hoặc khung bê tông sẽ bị phá hủy, với toàn bộ mái và tường sụp đổ. Phá hủy ghê gớm hơn nữa cho mái nhà, cửa sổ, và cửa ra vào. Số lượng lớn các mảnh vỡ do gió bay trong không khí cũng rất nguy hiểm.

Các mảnh vỡ do gió cuốn sẽ xảy ra cho hầu hết các cửa sổ không được bảo vệ cũng như nhiều cửa sổ được bảo vệ yếu. Thiệt hại đáng kể cho mái nhà của các tòa nhà lớn do mất che chắn. Sụp đổ hoàn toàn của nhiều tòa nhà khung kim loại lớn hơn có thể xảy ra. Bức tường gạch không có cốt thép có thể bị sụp, dẫn đến sự sụp đổ của tòa nhà.

Một tỷ lệ cao của các tòa nhà trong công nghiệp và các nhà cấp 3 và cấp 4 sẽ bị phá hủy. Hầu như tất cả các cửa sổ bị thổi bay ra va vào các tòa nhà cao tầng dẫn đến vỡ kính, gió thổi vào gây ra đổ tòa nhà.

Gần như tất cả biển quảng cáo, hàng rào, pano, áp phích bị phá hủy. Gần như tất cả các cây sẽ gãy hoặc bật gốc và cột điện bị đổ. Cây đổ và cột điện sẽ cô lập các khu dân cư. Mất điện sẽ kéo dài hàng tuần, liên lạc đình trệ, giao thông bị chia cắt và gián đoạn có thể cả tháng. Tình trạng thiếu nước lâu dài sẽ làm tăng khốn khó cho người dân. Phần lớn diện tích nhà sẽ không thể ở được trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng.


Cẩm Quyên - Vũ Trung