Quyết định của Trung Quốc khi hoạt động giàn khoan là hành động khiêu khích và vô ích đối với nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói.

{keywords}
Giàn khoan CNOOC 981. Ảnh: THX

Hãng Reuters đưa tin, tại Washington, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói với báo giới: "Với lịch sử căng thẳng gần đây trên Biển Đông, quyết định của Trung Quốc khi hoạt động giàn khoan ở vùng tranh chấp là hành động khiêu khích và vô ích đối với nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”.

"Những diễn biến này chỉ ra rằng, các bên tranh chấp cần thiết phải làm rõ tuyên bố chủ quyền của mình phù hợp với luật pháp quốc tế, và đạt được một thỏa thuận… về những hoạt động được cho phép ở khu vực tranh chấp”, bà Psaki nhấn mạnh.

Ông Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương cho hay, Mỹ đang theo dõi các diễn biến ở Biển Đông và thúc giục các bên thận trọng. "Chúng tôi tin rằng, điều quan trọng là mỗi bên cần thận trọng và kiềm chế”, ông nói trong chuyến thăm Hong Kong. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ dự kiến đến Hà Nội hôm nay.

"Kinh tế toàn cầu quá mong manh và sự ổn định khu vực là điều sống còn chứ không phải các lợi ích kinh tế ngắn hạn”, ông Russel nhấn mạnh.

Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền bao trùm hầu hết Biển Đông, bất chấp những quốc gia khác cũng khẳng định chủ quyền trong vùng biển. Ngoài Biển Đông, nước này cũng có tranh chấp lãnh thổ với Nhật ở Hoa Đông. Căng thẳng khu vực leo thang làm dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra xung đột.

Giàn khoan 981 của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) trị giá 1 tỉ USD. Đây là giàn khoan nước sâu độc lập đầu tiên do một công ty Trung Quốc quản lý. Giàn khoan này dài 114m, rộng 90m, cao 137,8m và nặng 31.000 tấn.

Với kích cỡ bằng một sân bóng chuẩn, giàn khoan này có khả năng hoạt động ngoài khơi ở độ sâu tối đa 3.000m và khoan khoảng 12.000m chiều dài. Được trang bị thiết bị hiện đại cùng hệ thống định vị toàn cầu, CNOOC 981 có thể chịu được những rung chấn do bão lớn gây ra.

Theo giới phân tích, việc Trung Quốc tăng cường hoạt động khai thác dầu khí trên Biển Đông được xem như một mũi tên bắn vào nhiều đích, trong đó mục tiêu quan trọng nhất là muốn khẳng định chủ quyền 80% diện tích biển tại đây.

Ngoài ra, nỗ lực thăm dò khai thác các tài nguyên biển, đặc biệt là năng lượng cũng là một mục tiêu quan trọng khi nền công nghiệp của Trung Quốc đang trên đà phát triển mạnh.

Thái An