- UBND xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đã yêu cầu bệnh viện Lao và Phổi Nghệ An dừng xả thải ra ruộng lúa, đồng thời kiểm tra y tế cho người dân.

Ngày 19/7, thông tin từ UBND xã Nghi Vạn cho biết, ngay sau sự việc người dân phát hiện bệnh viện xả thải ra ruộng lúa gây ảnh hưởng nghiêm trọng, UBND xã đã có buổi làm việc với lãnh đạo bệnh viện và các ban ngành liên quan.

{keywords}

Ống dẫn nước từ bệnh viện xả ra kênh nội đồng của người dân

Tại buổi làm việc, chính quyền xã Nghi Vạn đã yêu cầu ban giám đốc bệnh viện Lao và Phổi Nghệ An dừng ngay việc xả thải ra đồng ruộng trước khi có kết luận từ cơ quan chức năng và giấy phép xả thải. Ngoài ra, yêu cầu ban giám đốc bệnh viện tiến hành kiểm tra y tế cho tất cả hộ dân sống xung quanh khu vực xả thải.

Đại diện phòng TN&MT huyện Nghi Lộc cho biết, phòng đã có văn bản đề nghị Sở Y tế Nghệ An lấy mẫu nước thải bệnh viện xả ra ngoài để kiểm tra.

Liên quan đến việc ông Nguyễn Văn Trí - Xóm trưởng xóm 6 tự ý đào mương, đặt cống dẫn nước sau ống xả thải của bệnh viện, Chủ tịch UBND xã Nghi Vạn Thái Doãn Sỹ nhận hoàn toàn trách nhiệm trong việc quản lý, điều hành để xóm trưởng gây nên vụ việc.

Thượng tá Nguyễn Trọng Tuệ - Trưởng Công an huyện Nghi Lộc cũng cho biết, ngay khi sự việc xảy ra, cơ quan Công an đã cử cán bộ đến hiện trường kiểm tra, nếu có dấu hiệu phạm tội sẽ tiến hành xử lý theo qui định pháp luật.

Trước đó VietNamNet đã đưa tin, ngày 15/7, hàng chục hộ dân xã Nghi Vạn đã tập trung ngăn chặn việc ông Nguyễn Văn Trí tự ý đào mương, lắp cống ngầm được cho là dẫn nước thải bệnh viện ra đồng ruộng.

Theo Nghị định số 142/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản

Trường hợp vi phạm quy định về hồ chứa, xả nước thải trái phép vào nguồn nước có thể bị phạt đến 250 triệu đồng đối với cá nhân và 500 triệu đồng đối với tổ chức.

Cụ thể, hành vi xả nước thải có chứa chất độc hại, chất phóng xạ vào nguồn nước của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với lưu lượng nước thải không vượt quá 5m3/ngày đêm sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng.

Trường hợp xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép sẽ bị phạt từ 30-250 triệu đồng. Trong đó, mức phạt cao nhất từ 220-250 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên. Mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vi xả nước thải nuôi trồng thủy sản vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 300.000 m3/ngày đêm.

Mức phạt nêu trên được áp dụng đối với cá nhân. Riêng trường hợp tổ chức vi phạm, mức phạt sẽ tăng gấp đôi.

Văn Bình