Để đảm bảo mục tiêu EVN bán điện trực tiếp tới tất cả khách hàng theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính đang đề xuất cơ chế điều chuyển toàn bộ các công trình điện được đầu tư từ ngân sách Nhà nước sang cho ngành điện quản lý.

Nội dung này được thể hiện rõ tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng về việc chuyển giao các công trình điện có nguồn gốc đầu tư từ ngân sách nhà nước cho ngành điện quản lý, hiện đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi.

{keywords}

Các công trình điện ở đây bao gồm toàn bộ hệ thống đường dây, trạm biến áp.... được xây dựng, đầu tư từ các nguồn vốn như trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Chính quyền địa phương, vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ; vốn từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp; vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước; vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh hay vốn vay được bảo đảm bằng tài sản của Nhà nước.

Cùng đó, đây là các công trình đang thuộc quyền quản lý của nhiều cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

Về quy trình chuyển, Bộ Tài chính đề xuất cơ chế, các cơ quan, tổ chức hiện đang quản lý các công trình điện báo cáo danh mục công trình lên các cơ quan cấp trên, báo cáo Bộ, cơ quan Trung ương, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trên cơ sở này, các bộ, cơ quan trung ương và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố sẽ là cơ quan đề nghị việc điều chuyển công trình điện tới các tổng công ty điên lực phụ trách địa bàn. Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ ban hành các quyết định về việc điều chuyển này, theo đúng chức năng nhiệm vụ quản lý tài sản Nhà nước.

Trong quá trình điều chuyển, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) và các cơ quan, tổ chức phải phối hợp để kiểm kê, xác định giá trị tài sản đảm bảo phù hợp giá thị trường, đồng thời điều chuyển theo hình thức tăng, giảm vốn Nhà nước và không hoàn vốn.

Trên thực tế, liên quan đến công tác này, chương trình bàn giao lưới điện phân phối đặc biệt là lưới điện trung hạ áp nông thôn trên cả nước cho EVN trực tiếp quản lý đã được thực hiện từ năm 2000. Chủ trương này đã được thông qua từ kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá X năm 1988 với một Nghị quyết riêng về quy chế ngành điện trực tiếp quản lý lưới điện nông thôn.

Năm 2012, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 854 yêu cầu thời hạn đến năm 2015 EVN phải bán trực tiếp điện đến tất cả các khách hàng. Điều này cũng đồng nghĩa, các hệ thống lưới điện phân phối phải trực thuộc quyền quản lý của ngành điện.

Trong 15 năm qua, EVN phải tiếp nhận toàn bộ lưới điện trung áp nông thôn; lưới điện của các nông lâm trường, lưới điện thuộc lĩnh vực thủy nông quốc doanh và lưới điện của các đơn vị quân đội...

Khối lượng tài sản lưới điện rất lớn với gần 35.000 km đường dây trung áp 6-35 kV, khoảng 100.000 km đường dây hạ áp 0,4 kV, trên 47.000 TBA phân phối. Đồng thời, EVN tiếp nhận dần dần lưới điện hạ áp nông thôn theo nhu cầu và tự nguyện giữa các bên liên qua.

Tính đến năm 2015, EVN đã hoàn trả vốn cho các hợp tác xã, các bên huy động của dân, vốn vay ngân hàng... lưới điện trung áp nông thôn trước ngày 28/02/1999 với số tiền gần 800 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn còn nhiều địa phương vẫn chưa bàn giao hệ thống lưới điện cho ngành điện quản lý.

Phạm Huyền