Nhiều cán bộ của Trung tâm Hỗ trợ Xã hội TP.HCM cấu kết với người ngoài thành một đường dây tinh vi để giải cứu những người đang thuộc diện quản lý tại đây.

Từ vụ cho bảo lãnh người đầy nghi vấn

Theo đó ngày 30/11 nguồn tin từ Cục CSĐT tội phạm về TTXH (C45B) Bộ công an phía Nam cho hay, cơ quan này đang mở rộng điều tra những tiêu cực xảy ra tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM (gọi tắt là Trung tâm - trực thuộc sở Lao động – Thương Binh và Xã hội TP.HCM) đóng tại đường Bình Lợi, P.13, Q.Bình Thạnh.

Liên quan đến vụ việc này cơ quan công an đang tạm giữ hình sự đối với 4 người có liên quan gồm: Nguyễn Thanh Tâm, Nguyễn Tấn Thành (đều là nhân viên bảo vệ của Trung tâm), Nguyễn Thọ Minh Cường (là chủ quán cà phê Kim Khánh, trên đường Bình Lợi, P.13, Q.Bình Thạnh – đối diện với Trung tâm) và Dương Hữu Thành (là cựu nhân viên của Trung tâm, hiện làm nghề tự do).


Ngoài ra cơ quan công an mời lên làm việc với 3 người gồm: Nguyễn Mạnh Thông, Võ Minh Quang và Phan Ngọc Anh, đều là trưởng hoặc phó phòng nghiệp vụ của Trung Tâm.
 

Trung tâm Hỗ trợ Xã hội TP.HCM chuyên tiếp nhận quản lý trẻ em, người già lang thang cơ nhỡ

Theo thông tin ban đầu, vụ án bắt đầu từ ngày 25/10, Trung tâm tiếp nhận Kha Thị Kim P (SN 1965 ngụ TP.Vĩnh Long) từ công an P.9, Q.5 đưa vào, vì tlang thang, không giấy tờ. Ngày 28/10, bà Lê Thị H tìm đến Trung tâm xin bảo lãnh P về. Tuy nhiên vì bà Hoa không là thân nhân cũng không ngụ cùng địa chỉ với P nên cán bộ phòng Hồ sơ đã giải thích cho bà này rõ.

Ngày 1/11 bà Hoa tiếp tục đến xin bảo lãnh bà P nhưng cũng bị cán bộ Trung tâm từ chối. Nhưng cuối ngày ông Nguyễn Mạnh Thông (Trưởng phòng Quản lý Giáo dục – Hồ sơ) gọi riêng một nhân viên ra yêu cầu viết giấy đề xuất bảo lãnh đối với trường hợp của bà P, để tổ xét duyệt và cuối cùng bà P được bảo lãnh cho về.

Do thấy có biểu hiện tiêu cực nên 1 nhân viên phòng Hồ sơ đã báo cáo vụ việc với Giám đốc Trung tâm, là ông Nguyễn Trung Trực.

Sau đó, ông Trực đóng vai là thân nhân của 1 trại viên, liên hệ với bà Hoa từ số điện thoại mà nhân viên phòng hồ sơ ghi lại. Bà Hoa thú nhận với ông Trực là để bảo lãnh P phải mất 16 triệu đồng để giao cho một người tự xưng là cán bộ của Trung tâm. Trước nghi án tiêu cực ông Trực đã báo cáo Sở lao Động – Thương binh và Xã hội TP.HCM. Sở này đã phối hợp cùng Cục C45B Bộ công an vào cuộc.

Phanh phui đường dây giải cứu người một cách tinh vi

Ngày 26/11, một thân nhân của trại viên Nguyễn Thị Thúy H (SN 1993) đã tìm cách móc nối với một số đối tượng trong và ngoài trung tâm để giải cứu cho thiếu nữ này ra khỏi trung tâm. Các đối tượng đặt vấn đề sẽ giúp đỡ với tiền công là 17 triệu đồng, lúc này thân nhân của H đã giao trước 3 triệu đồng tiền cọc cho Nguyễn Thanh Tâm (là nhân viên bảo vệ Trung tâm)
 
Chiều 30/11 ông Quách Văn Na tìm đến tố cáo cán bộ tại Trung tâm lừa lấy của ông 15 triệu đồng.

14h chiều 27/11, thân nhân của trại viên H đến một điểm hẹn ở quán cà phê tại gần Trung tâm giao số tiến 14 triệu đồng còn lại cho Nguyễn Thanh Tâm và Nguyễn Tấn Thành (đều là bảo vệ của Trung tâm). Cuộc giao dịch đang diễn ra thì trinh sát C45B đã ập vào bắt quả tang tại chỗ

Từ lời khai của các đối tượng bị bắt giữ, đêm 27/11 và ngày 28/11 cục C45B đã bắt khẩn cấp Tâm, Thành và 2 đối tượng ngoài xã hội là Cường (là chủ quán cà phê Kim Khánh) và Dương Hữu Thành. Mời lên lạm việc với 3 cán bộ nhân viên của Trung tâm là: Nguyễn Mạnh Thông, Võ Minh Quang và Phan Ngọc Anh. Việc khám xét nhà ở, nơi làm việc của các nghi can trên cũng được tiền hành trong khoảng thời gian trên.

Kết quả điều tra sơ bộ cho biết, đây là một đường dây tinh vi, nhằm lừa dối những người thiếu hiểu biết về pháp luật để ép thân nhân trại viên phải chung chi tiền cho số đối tượng này để chúng giả mạo hồ sơ, nhằm qua mặt ban giám đốc Trung tâm để “giải cứu” trại viên nhằm thu lợi bất chính. Theo ông Nguyễn Trung Trực “trước đây tại Trung tâm đã có biểu hiện tiêu cực nhưng chưa bắt quả tang được; đến nay mới có manh mối để phanh phui”.

Diễn biến mới là chiều 30/11 có thêm nạn nhân tìm đến Trung tâm và Cục C45B để tổ giác về hành vi của các đối tượng trên. Ông Quách Văn Na cho biết, em dâu của ông là bà Trương Thị Thủy (SN 1966, hành nghề bán vé số ở quê) có bế theo đứa cháu ngoại là Đặng Văn Thương (SN 2010) lên TP.HCM để chữa bệnh não úng thủy. Được biết mẹ cháu Thương bị bệnh tâm thần, còn cha ruột bỏ rơi Thương từ khi đứa trẻ này vừa lọt lòng.
 
Ông Phan Ngọc Anh – Trưởng phòng Phối hợp  Kiểm tra của Trung tâm Hỗ trợ Xã hội TP.HCM – trong một lần tiếp xúc với trai viên của Trung tâm
 

Vì hết tiền chữa trị cho cháu lại không có tiền về quê nên bà Thủy ẵm cháu đi lang thang bán vé số và xin ăn. Tuy nhiên đến ngày 5/11 hai bà cháu bị đưa vào Trung tâm. Tại đây bảo vệ Nguyễn Tấn Thành tiếp xúc, yêu cầu bà Thủy gọi điện cho người nhà mang 15 triệu đồng lên thì sẽ giải quyết cho về. Thậm chí từ số điện thoại bà Thủy cung cấp, Thành chủ động gọi 3 – 4 lần để yêu cầu chung chi.

Vì muốn người thân được về, gia đình ông Na phải cầm cố nhiều tài sản, vay mượn khắp nơi và 2 lần gặp Thành tại quán cà phê Trùng Dương, cách cổng Trung tâm khoảng 50m để giao đủ khoản tiền theo yêu cầu. Lúc này Thành hứa trong vòng 1 tuần, 2 bà cháu sẽ được về, tuy nhiên chờ hoài không thấy khi gia đình liên hệ thì Thành trình bày không làm được và sẽ hoàn trả lại tiền vào ngày 29/11.

Đến hẹn ông Na không liên lạc được với Thành, do đó chiều 30/11 ông này đến Trung tâm tố cáo hành vi của Thành thì mới hay Thành và đồng bọn vừa bị bắt giữ. Trong khi đó bà Thủy và cháu ngoại bị chuyển đến Trung tâm khác thuộc diện quản lý lâu dài.

Theo nhận định của Cục C45B Bộ công an, đường dây nói trên có thể đã lừa đảo rất nhiều nạn nhân. Do đó những ai là nạn nhân hãy đến Cục C45B Bộ công an (đường Nguyễn Trãi, Q.1) để trình báo, cung cấp thông tin phục vụ cho công tác mở rộng điều tra vụ án.
 

Ông Nguyễn Trung Trực – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xã hội TP.HCM -  cho biết: Trung tâm chuyên tiếp nhận, quản lý  những người lang thang cơ nhỡ, không giấy tờ tùy thân, phần nhiều là người già và trẻ em ăn xin. Trong 1 tháng, Trung tâm cho trại viên liên lạc với gia đình để bảo lãnh ra về.

Người đến xin bảo lãnh phải là có cùng hộ khẩu với trại viên, có CMND, có đơn xin bảo lãnh trại viên có xác nhận của chính quyền địa phương; còn trường hợp người đến bảo lãnh không có cùng địa chỉ với trại viên thì phải có giấy ủy quyền từ thân nhân cùng hộ khẩu với trại viên. 

Quá thời hạn 1 tháng mà trại viên không liên lạc được với gia đình để bảo lãnh thì trại viên đó bị Trung tâm chuyển đến những Trung tâm, trường trại khác để quản lý lâu dài.
 

 


•    Đàm Đệ