Sau khi nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Nghi đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi đến tìm gặp bà ở thôn Phương Quất, xã Lạc Long, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Rất nhiều người dân ở đây sẵn sàng kể các câu chuyện về khả năng ngoại cảm của bà Nghi, phần nhiều trong đó vẫn chưa thể lý giải bằng khoa học. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn thuật lại một phần, ngõ hầu làm tư liệu để các chuyên gia về tiềm năng con người nghiên cứu thêm.

Tìm nhà bà Nghi cũng không khó vì bà đã quá nổi tiếng, đến huyện Kinh Môn hỏi không ai là không biết. Chuyện bà biết chữa bệnh, đến đáp ứng nhiều mong mỏi của con người, từ tìm mộ, đến xây dựng hạnh phúc, làm giàu… mọi người đều tỏ tường.

Tuy nhiên, không may cho chúng tôi là đến nhà bà đúng ngày bà không tiếp khách và không được chứng kiến cảnh khách tứ phương nườm nượp tới diện kiến bà như nhiều lời đồn.

Tìm đến nhà anh trưởng thôn Nguyễn Văn Cường, cách nhà bà Nghi không xa, chúng tôi mới được anh cho biết bà Nghi chỉ ở nhà từ mùng ngày mùng 1 và 15 âm lịch, còn đa phần thời gian còn lại bà lên Hà Nội làm việc tại Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng (UIA).

Bà Nguyễn Thị Nghi (trái) vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng.

Trở lại câu chuyện, anh Cường cho biết: “Nhà bà Nghi mỗi hôm mùng 1 và hôm rằm là rất đông người từ các nơi tới nhờ bà tìm mộ, chữa bệnh, giải hạn... Không kể xe máy, có ngày phải có tới 20 chiếc ô tô sang trọng đỗ dọc từ cổng nhà bà, làm chật cứng lối đi vào làng”.

Là người trước đây từng làm xây dựng cho bà Nghi, anh Cường cũng cho biết: “Bà Nghi là người dễ gần, có tấm lòng hảo tâm với làng xã. Bà vừa đóng góp xây dựng khu quần thể đình làng, giếng nước, nhà thổ thần trị giá 20 tỷ đồng”.

Anh trưởng thôn cũng kể cái hồi dân trong thôn nghe tin bà Nghi có khả năng đặc biệt, ai cũng tới xem, một phần vì tò mò. Anh cũng là một trong số những người tò mò muốn đến xem thực hư ra sao.

Chính tận mắt anh chứng kiến bà Nghi xem cho nhiều gia đình có người thân gặp nạn hay chữa bệnh cho nhiều người điên. Theo anh Cường được biết, hiện có 20 người ở nơi khác được chữa vẫn theo bà, còn trong thôn có hai người cũng đang được bà điều trị nhưng vẫn chưa khỏi. Trong thôn làng có nhiều người tìm được mộ nhờ sự giúp đỡ của bà Nghi.

Nói xong câu chuyện, anh Cường dẫn chúng tôi sang nhà bà Nghi qua lối cổng phụ. Thực tế, cổng phụ của trong ngõ nhỏ mới là lối đi chính vào ngôi biệt thự của bà Nghi, còn cổng lớn thường khóa. Bên trong khuôn viên khá khang trang, dù bà Nghi không có nhà nhưng ở sân trước vẫn tấp nập người qua lại.

Nhà bà Nghi luôn có khoảng 20 đệ tử thay phiên nhau giúp mọi việc khi bà vắng nhà. Các đệ tử của bà cho hay bà Nghi dặn khi bà không có nhà thì không được tiếp khách, nhưng thấy anh trưởng thôn dẫn chúng tôi đến nên họ cũng có vẻ thoải mái hơn.

Mọi người đến cầu cúng được hướng dẫn các thủ tục rất cụ thể.

Cũng theo các đệ tử của bà Nghi, trước ít khách thập phương đến thì còn được diện kiến trực tiếp bà Nghi, nhưng giờ ngày càng đông nên có muốn gặp trực tiếp bà Nghi cũng không được. Tùy vào trường hợp mới được gặp trực tiếp bà.

Ông Tăng Bá Sách, người làm công việc lưu giữ và phát sổ Phúc Tâm Đức - nơi người đến cầu ghi mong ước, đã lôi ra một chồng sổ cho chúng tôi xem. Bên ngoài sổ là tên tuổi, địa chỉ và số điện thoại của người cần giúp đỡ như muốn chữa bệnh, tìm mộ, cai nghiện, muốn có con vì hiếm muộn..., bên trong là ghi nguyện vọng cần cầu xin, lời người âm. Những ai đạt được mong ước thì viết vào trang cuối quyển sổ lời cảm ơn.

Thấy một số người giúp việc trong nhà bà Nghi có vẻ không hài lòng về sự xuất hiện của chúng tôi nên chúng tôi cũng xin hẹn hôm sau sẽ tới tìm hiểu thêm.
Ông Tăng Bá Sách.

Để nắm thêm thông tin về công việc của bà Nghi trong thôn xã, chúng tôi đã tới gặp ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lạc Long. Ông Quang cho biết: “Bà Nghi là người có nhiều đóng ghóp cho địa phương. Mới đây bà đã đóng góp xây dựng một ngôi nhà tình nghĩa trị giá 70 triệu đồng và tặng 26 xuất quà cho người tàn tật trị giá 40 triệu đồng”.

“Việc bà Nghi tìm được mộ liệt sĩ và góp công tu tạo các di tích văn hóa đã được công nhận và được Thủ tướng Chính phủ trao Bằng khen, còn việc bà chữa bệnh xã cũng không nắm rõ vì việc đó cũng chưa được ghi nhận. Nước ta mới chỉ cấp phép cho cơ sở y tế khám chữa bệnh và đông y gia truyền. Khả năng của bà Nghi còn phải để cho các nhà nghiên cứu tìm hiểu”.
Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lạc Long.

Để tìm hiểm thêm về khả năng của bà Nghi, chúng tôi đã tìm đến Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người (NCTNCN) và được cung cấp một số tài liệu về khả năng của các nhà ngoại cảm, trong đó có cả bà Nguyễn Thị Nghi. Theo nhóm nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm NCTNCN, bà Nghi là một nhà ngoại cảm hội tụ nhiều khả năng đặc biệt như chữa bệnh, tìm mộ...

Năm 2005, nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm NCTNCN đã có sự khảo sát bước đầu về những người có khả năng đặc biệt. Bà Nguyễn Thị Nghi là một trong những nhà ngoại cảm được khảo sát lần đó. Năm 2010, Trung tâm đi sâu nghiên cứu về khả năng của bà Nghi và bước đầu lý giải nguyên nhân. Bà Nghi hiện là cán bộ triển khai ứng dụng của Trung tâm.

Theo tài liệu của Trung tâm, nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Nghi đã tìm được hàng ngàn mộ liệt sĩ và giúp tìm được rất nhiều ngôi mộ tổ của các dòng họ, trong đó có những ngôi mộ hàng trăm năm. Bà Nghi đã giúp xây dựng, tôn tạo nhiều đình, chùa, miếu mạo, tôn tạo lại những di tích lịch sử thiêng liêng. Gần đây nhất, bà Nghi đã giúp khảo sát, xây dựng lại đền thờ Ngài Lý Nhật Quang, con trai Lý Thái Tổ.

Bà Nghi được Bộ Văn hóa tặng Bằng khen về thành tích xây dựng, tôn tạo các công trình văn hóa lịch sử, được Bộ LĐ-TB-XH trao tặng Bằng khen vì tìm được nhiều mộ liệt sĩ...

Trong tài liệu của Trung tâm còn lưu bức thư cảm ơn của ông Tạ Văn Bình, 56 tuổi, tại đường Trường Chinh, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Trong thư ông có viết: "...Một việc hết sức kỳ diệu là việc tìm mộ kỵ 9 đời của tôi. Cô chỉ ngồi ở Điện thờ, với hai đồng xu gieo xuống chiếc đĩa liên tục, cô đã vẽ sơ đồ mộ, trong tiểu mộ thế nào, sông ngòi đường xá... nơi phần mộ. Gia đình tôi đã tìm được mộ với đúng những dữ kiện mà cô miêu tả và vẽ".

Để có thể bước đầu lý giải về khả năng của bà Nghi, nhóm cán bộ khoa học đã phối hợp với một số chuyên gia trong lĩnh vực đo đạc năng lượng đến khảo sát trực tiếp về phong thủy, môi trường sống của bà. Kết quả cho thấy nơi bà sống và làm việc có năng lượng rất cao. Nhóm khảo sát đã kiểm nghiệm thì thấy chỉ có một số người có đủ năng lượng mới ngồi được nơi có năng lượng cao.

Tôi cũng được Trung tâm giới thiệu gặp Thư ký Hội đồng Khoa học của Trung tâm và có những trao đổi ngắn gọn về bà. Thư ký Hội đồng Khoa học (xin được giấu tên) cho biết một số thông tin về bà Nghi.

Theo người Thư ký này, bà Nguyễn Thị Nghi đã thực hiện ngoại cảm 27 năm nay. Lúc đầu, công việc của bà gặp khó khăn nhưng sau được nhiều người bết đến.

Bà Nguyễn Thị Nghi mới đây đã vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có nhiều công sức đóng góp cho việc tôn tạo di tích lịch sử văn hóa và tìm mộ liệt sĩ sau khi tỉnh Hải Dương đề nghị trao Bằng khen cho bà.
Bằng khen của Thủ tướng tặng bà Nghi.

Được biết, trong buổi nói chuyện tại một Hội thảo khoa học của Trung tâm NCTNCN, bà Nghi có giới thiệu bản thân sinh ra và lớn lên ở nông thôn, chỉ được học hết lớp 7 vì hoàn cảnh gia đình đông anh chị em.

Bà đã hai lần lập gia đình, hiện nay bà được hai đứa con, một trai một gái. Khi con gái vừa ra đời được 15 ngày thì cũng đồng thời nhận được tin chồng hy sinh, thế là bà trở thành vợ của hai liệt sĩ.

Sau khi chồng bà mất được 5 năm, vào năm 1986 bà bị một trận ốm nặng, bệnh viện đã trả về. Suốt mấy tháng trời bà chỉ uống được ít nước cháo. Đến tháng thứ tư bị nôn, từ đó bà chỉ còn uống được nước dừa, nước trà và nước giếng.

Ngoài ra không thể ăn hoặc uống bất cứ thứ gì khác vào người, người bà gầy xọp, yếu đến nỗi không tự ngồi dây được, phải có người nâng đỡ.

Sang tháng thứ năm, một hôm đang nằm ở giường, không hiểu một sức mạnh ở đâu tiếp vào người, tự nhiên bà bật dậy và nhảy lên cái xà nhà ngay đầu giường cao chừng 2m và ngồi trên đó. Từ đó bà bắt đầu tụng kinh niệm Phật.

Khi tìm mộ, chỉ cần cho bà biết tên người mất, ngày mất, bà chỉ ngồi ở nhà gieo tiền xu xuống đĩa là có thể nhìn thấy rõ hiện trường, sơ đồ đường đi và hiện trạng của ngôi mộ đó nằm ở đâu, đồ vật xung quanh ngôi mộ ra sao.

Bà đã không nhớ rõ đã giúp cho bao nhiêu người, chỉ biết mọi người đến với bà ngày một đông thêm. Đã có rất nhiều người viết thư cảm ơn và hài lòng với việc làm của bà.

(Theo Đất Việt)