- Cảnh tượng nữ sinh viên xấu số nằm vắt ngay trước mặt kính cứ ám ảnh anh mãi. Lần đó, suýt tý nữa thì anh xin nghỉ khỏi nghề. Sau lần đó, mỗi khi đi qua con đường này, anh lại rùng mình, cảm giác ớn lạnh chạy dọc xương sống.

“Mấy ai nhớ mình đâm chết bao nhiêu người”


Trước khi lên tàu, tôi được quản đốc Lưu Quang Khải gọi vào nói nhỏ, rằng lên tàu hỏi gì cũng được, nhưng cấm hỏi những chuyện... xúi quẩy liên quan đến tai nạn. Bởi, cánh lái tàu mê tín lắm, ngại nhắc đến những chuyện đó trước mỗi chuyến đi.


“Mà hỏi làm gì về chuyện đó chứ. Đời lái tàu, mấy ai nhớ nổi mình từng đâm chết bao nhiêu người, gây ra bao nhiêu vụ tai nạn” – câu nói của quản đốc Khải làm tôi hình dung được phần nào cái khắc nghiệt của nghề, mà trước đó, tôi từng suy nghĩ là hết sức đơn giản này.


Những giọt mồ hôi lăn dài trên trán người công nhân kỹ thuật trong quá trình kiểm tra lại tàu trước khi khởi hành. Mức độ an toàn, thông số kỹ thuật phải được bảo đảm 100%. Ảnh: Duy Tuấn
 

Gần 50 tuổi, từng là tài 3 (tay nghề cao nhất trong lái tàu), quản đốc Khải bảo rằng đến bây giờ, anh không thể nhớ nổi mình đã gây bao nhiêu vụ tai nạn, đâm chết bao nhiêu người. Dường như, với cánh lái tàu, chuyện gây tai nạn đã trở thành một nỗi ám ảnh thật sự. Vì vậy, tốt nhất là nên học cách quên đi, đừng để những ám ảnh đó trở thành nỗi sợ hãi mỗi khi lên ca bin.


Quản đốc phan xưởng vận dụng, Xí nghiệp đầu máy Hà Nội Lưu Quang Khải: Đời lái tàu, mấy ai nhớ nổi mình từng đâm chết bao nhiêu người, gây ra bao nhiêu vụ tai nạn. Ảnh: Duy Tuấn
 
“Nói là quên, nhưng nào có quên được. Có những vụ tai nạn, mà đến bây giờ, nó vẫn còn ám ảnh đến tôi. Có lẽ, đến lúc chết tôi cũng không thể nào quên được” -  anh Khải thở dài, buồn buồn nói.

Anh Khải kể, có lần lái tàu từ Hải Phòng về Hà Nội thì gặp phải tai nạn. Vào cua, tàu đang đi chậm, khoảng 40km/h thì bất ngờ lái phụ hét toáng lên: Có người. Vội vàng kéo tay hãm nhưng chẳng kịp nữa, hai nữ sinh cứ vậy tạt ngay trước mũi tàu. Lúc mở mắt ra, anh thấy trước ca bin mình một nữ sinh nằm vắt ngay trước két nước, máu chảy từng dòng xuống mặt kính. Một lúc sau tàu dừng, anh hốt hoảng gỡ thi thể sinh viên xấu số đang mắc kẹt trước mặt kính. Máu chảy ướt đẫm cả bộ quần áo màu xanh nước biển.

Ký biên bản kiểm tra an toàn trước khi khởi hành. Ảnh: Hoàng Sang
 

Mất mấy tháng trời gần như không ngủ, anh mới định thần lại được. Cảnh tượng nữ sinh viên xấu số nằm vắt ngay trước mặt kính cứ ám ảnh anh mãi. Lần đó, suýt tý nữa thì anh xin nghỉ khỏi nghề. Sau lần đó, mỗi khi đi qua con đường này, anh lại rùng mình, cảm giác ớn lạnh chạy dọc xương sống.

Đời tài xế không bằng anh xe ôm

Trong đầu máy, một già, một trẻ đang lúi húi kiểm tra lại mọi thứ trước khi đưa tàu ra khỏi kho. Người già cỡ hơn 50 tuổi, tóc hoa râm, đôi mắt thâm quầng, nước da xám xịt tên Nguyễn Ngọc Tuấn - tài xế chính mấy chục năm nay (mà chúng tôi đã đề cập trong bài trước). Người trẻ độ 30 tuổi, mặt lấm tấm mồ hôi đang dùng đèn pin để sửa lại hệ thống gạt nước tên Nguyễn Văn Vang – tài xế phụ.

Biết chúng tôi có định áp tàu một chuyến, tài xế chính đưa bàn tay dính đầy dầu mỡ, quệt vội mồ hôi rồi cười giòn: “Ừ, đi một lần, thử cái cảm giác mạnh khi ngồi trên đầu tàu để hiểu phần nào về cuộc sống của cánh lái tàu này. Nhưng, chỉ hiểu được một phần nhỏ thôi nhé, đừng mong hiểu hết. Bởi, có sống với cái nghề này cả cuộc đời, may ra mới hiểu hết về nghề của chúng tôi”.

Dứt lời, tài Tuấn vỗ đen đét vào vai tôi, bày tay vẫn còn nguyên vết dầu máy: “Mà này, phải đi hết cung đường, không được bỏ cuộc giữa chừng đâu nhé. Mấy năm trước, đã từng có mấy nhà báo nữ, đi được một đoạn đường rồi chịu không nổi, xin xuống ngay ga gần nhất”.

Một chuyến đi người lái tàu thường phải đối mặt với rất nhiều áp lực, chỉ khi rời ghế nóng mà không xẩy ra tai nạn, đảm bảo đúng giờ, tiết kiệm nhiên liệu thì họ mới an tâm được. Ảnh: Hoàng Sang

Tài xế Tuấn bảo rằng, tài phụ và tài chính phải có mặt trước 2 tiếng đồng hồ trước giờ tàu chạy để kiểm tra lại máy trước khi khởi hành. Nào là thử bơm gió, thử hãm phanh, thử còi….Thử nguội chán rồi thử nóng. Chỉ đến khi không phát hiện bất cứ một sự cố nào, đầu tàu mới được phép rời kho để đến ga lắp vào đoàn tàu. Tất cả phải đảm bảo các thông số kỹ thuật 100%.

Tranh thủ lúc tàu chưa chạy, tôi lân la hỏi chuyện tài xế Tuấn về cuộc đời của cánh lái tàu. Anh dí dỏm: “Cánh lái tàu chúng tôi thường tự hào về nghề, rằng: giá cả leo thang nhưng được cái lương lái tàu ổn định. Mấy chục năm rồi lương vẫn thế!”.

Anh Tuấn bảo, vì đặc thù của nghề nghiệp nên quy trình đào tạo để trở thành một tài xế chính cực kỳ khắc nghiệt. Ngoài việc phải có sức khỏe, không mắc các bệnh về tim mạch, để trở thành lái chính phải mất tới 9 năm mài đũng quần ở vi trí tài phụ. Sau các cuộc sát hạch gắt gao, tài phụ phải đảm bảo hàng chục ngàn km an toàn mới được thi trở thành lái chính.

Nhẩm tính, để trở thành tài xế chính, tài phụ phải trải qua gần 40 ngàn km an toàn. Ngoài ra, không được vi phạm các nội quy đề ra đối với lái tàu. Mà cái nội quy đối với lái tàu, theo như lời quản đốc Khải thì cực kỳ khắt khe như kỷ luật quân đội: trước lúc lên đầu máy, tài xế phải đến cơ quan, nghỉ ngơi hoàn toàn 6 tiếng; trước giờ tàu chạy 2 tiếng, phải có mặt tại đầu máy để kiểm tra các thông số kỹ thuật, nghiêm cấm uống rượu bia trước khi lên tàu…

Tàu chạy dưới mái hiên nhà dân, trên vỉa hè (Hà Nội) - một đặc điểm "chẳng giống ai" của ngành đường sắt Việt Nam. Ảnh: Duy Tuấn
 

Khắt khe là vậy, nhưng đời sống lái tàu thì quá thấp. Mỗi chuyến tàu từ Hà Nội vào Vinh, tài chính được trả hơn 100 ngàn. Đấy là phải chạy đúng giờ, tiết kiệm nhiên liệu, và đảm bảo an toàn. Còn nếu chạy chậm giờ thì sẽ bị phạt.

“Có chuyến tàu hàng, chạy quãng đường từ Hà Nội lên Thái Nguyên, tài xế chỉ được trả 70 ngàn đồng, chưa bằng một cuốc xe ôm. Ngày trước, thời còn bao cấp, lương của tài xế tàu hỏa còn nuôi được cả nhà. Còn giờ thì…” – anh Tuấn thở dài. Vậy nên, mới có chuyện cánh tài xế thường đùa nhau rằng: “Lái tàu, lái lợn, lái xe. Cả 3 nghề ấy chẳng nên theo nghề nào”.

Thu nhập thấp, áp lực công việc lớn cộng thêm những ám ảnh về các vụ tai nạn nên nhiều lần, những tài xế như anh Tuấn, anh Khải đã nghĩ đến bỏ nghề. Nghĩ là như vậy nhưng rút cuộc, các anh đều không thể. Mới ở nhà mấy hôm đã thấy nhớ, nhớ quay quắt, nhớ đến nao lòng.

Hoàng Sang – Duy Tuấn

(còn nữa)