- Một điều đặc biệt ở đây là các hộ gia đình trong bản đều là anh em ruột thịt của nhau, trưởng bản là bố, là ông nội, ông ngoại của con cháu trong bản.

Từ TP Đồng Hới, vượt hơn 80km, sau đó đi bộ thêm gần 2 tiếng đồng hồ đường rừng chúng tôi đã đến được với bản Đoòng, xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Đây là bản người dân tộc Vân Kiều nằm sâu trong vùng lõi vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.

Đại gia đình lập thành bản

Từ đường Hồ Chí Minh nhánh tây, men theo con đường mòn nhỏ, vượt qua những con dốc cao dựng đứng, đá tai mèo trơn tuột rồi men theo dòng suối, cứ đi sâu vào lõi vườn quốc gia, chúng tôi đên với bản Đoòng.

Bản nằm trên một mô đất khá bằng phẳng, gần với hang Én và cửa trước của hang Sơn Đoòng. Cả bản có chưa đến mười nếp nhà lúp xúp dựa vào vách núi.


{keywords}
Những ngôi nhà ở bản Đoòng

Trò chuyện với chúng tôi trưởng bản Nguyễn Sỹ Trắc (hay còn gọi là bố Tòa) cho biết, năm 1992, có 4 hộ gia đình đến đây sống rồi lập thành bản. Khoảng 6 năm sau, từ 4 hộ tăng lên thành 29 hộ.

Nhưng vì cuộc sống khó khăn, bà con có ruộng nhưng ruộng không có nước để sản xuất, việc đi lại cũng vô cùng khó khăn nên nhiều hộ trong bản lần lượt bỏ đi tìm vùng đất mới.

Hiện nay cả bản chỉ còn vỏn vẹn 7 hộ với 29 nhân khẩu. Một điều đặc biệt ở đây là cả 7 hộ trong bản đều là anh em ruột trong một gia đình.

“Nhiều hộ bỏ đi nơi khác nhưng gia đình tôi thì không muốn đi đâu cả, chúng tôi sông quen với nơi này rồi. Hiện nay tôi làm trưởng bản, 5 hộ trong bản đều là con đẻ của tôi, hộ thứ 6 là cháu gọi tôi bằng chú”, bố Tòa nói.

{keywords}
Bố Tòa đang nói chuyện về bản

Vì là anh em ruột thịt của nhau nên con cháu trong bản khi đến tuổi lập gia đình thì phải ra ngoài tìm. Con gái theo chồng thì thôi chứ con trai có thể đưa vợ quay về bản sinh sống.

Vì không trồng được lúa nước nên cuộc sống ở đây gặp rất nhiều khó khăn, ngoài việc trỉa lúa nếp, bà con còn trồng sắn, đậu và nuôi gia cầm để làm lương thực.

Bản bốn không

Sở dĩ nói bản bốn không vì ở đây không có sóng điện thoại, không có điện lưới quốc gia, nước sạch và trạm y tế.

Còn đi chợ là một điều khá xa xỉ với dân bản, phải cả tháng trời họ mới ra khỏi bản để xuống chợ mua những thứ cần thiết cho cuộc sống, trẻ em ở đây cũng ít khi được ra ngoài vì đường đi lại không có, phải cắt rừng, lội suối. Mùa này sên, vắt lại bám đầy cây nên đi lại không phải dễ dàng gì.

{keywords}
Trẻ em bản Đoòng

Chúng tôi vào đến bản thì đã trưa, mấy cô con dâu của bố Tòa đang đi tuốt lúa trên rẫy, những bao lúa nếp là thành quả của mấy tháng trời và là thực phẩm trong những tháng tiếp theo.

Lúa không đủ ăn, sắn và rau quanh vườn cũng trở thành thực phẩm chính. Mấy năm trở lại đây, bản mới có người ra người vào, nhất là từ khi người ta phát hiện ra hang Sơn Đoòng, những đoàn khách du lịch khám phá nếu muốn đến hang đều phải đi qua bản, vì hiện tại thì đó là con đường duy nhất.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Phạm Xuân Huyền, phó phụ trách trạm kiểm lâm Km40, VQGPN – KB cho biết, những hộ dân ở đây đa số chuyển từ xã Trường Sơn qua.

Mặc dù cuộc sống còn rất khó khăn nhưng dân bản rất biết bảo vệ rừng và không đốt rừng làm nương rẫy. Vì dân bản đã thực hiện cam kết không đốt phá rừng với ngành kiểm lâm.

“Chúng tôi cũng đã tuyên truyền cho bà con hiểu cách ứng xử với khách du lịch khi họ đi qua bản để vào hang Én và hang Sơn Đoòng”, ông Huyền nói thêm.

Khi biết sắp sửa có dự án làm cáp treo, mẹ Hồ Thị Hòa (58 tuổi – vợ bố Tòa) nói: “Mẹ không muốn làm cáp treo mô, mẹ muốn nhà nước làm đường cho bản thôi”.

Hiện nay, nếu trong bản có người đau ốm bà con vẫn tự chữa bằng lá cây rừng, nặng thì mới đưa ra trạm xá xã. Trẻ em cũng đã có lớp học, nhưng cái sự học của con em nơi đây còn vất vả, khi mà một cái bảng phải chia ba...

Hải Sâm