- Tại họp báo về công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử chiều nay, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết mọi việc đã sẵn sàng để hơn 69 triệu cử tri đi bầu ngày 22/5 tới.

Ông Phúc cho biết cả nước có 91.400 tổ bầu cử với 69.265.810 cử tri. Tất cả các ứng cử viên đã được tổ chức vận động bầu cử, việc vận động bầu cử kết thúc vào 7h sáng 21/5, tức 24h trước giờ bầu cử.

Thông tin về tình hình đơn thư khiếu nại, ông cho biết, có nhiều đơn thư không liên quan, nặc danh, không rõ ràng, trùng lặp, lợi dụng bầu cử để khiếu kiện những vấn đề đã được giải quyết trước đó.

{keywords}
Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc

"UB bầu cử các địa phương đã xem xét trả lời hết các đơn thư khiếu nại, đến hôm nay chưa nhận thêm đơn thư nào không đồng ý với các kết luận của địa phương. Việc giải quyết đơn thư khiếu nại ngừng 10 ngày trước ngày bầu cử", ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.

Ông cũng cho biết đã thực hiện tốt công tác kịp thời đấu tranh ngăn chặn những hành vi gây rối, phá hoại cuộc bầu cử.

Tính đến ngày 20/5, việc bầu cử sớm đã được tổ chức tại nhiều khu vực ở 17 tỉnh, là những khu vực ven biển, hải đảo, địa bàn đi lại khó khăn, có nhiều người dân và cán bộ làm việc trên biển trong ngày bầu cử.

Trong ngày bầu cử, các địa điểm bỏ phiếu sẽ mở cửa từ 7h sáng đến 7h tối, tùy nơi có thể bỏ phiếu sớm hơn nhưng không trước 5h sáng, và muộn hơn nhưng không sau 9h tối.

Sau khi hoàn thành bỏ phiếu, chậm nhất 20 ngày sau, các địa phương gửi kết quả về Hội đồng bầu cử quốc gia để tổng hợp lập danh sách những người trúng cử, xác nhận tư cách của họ để báo cáo tại kỳ họp đầu tiên QH khóa 14.

{keywords}
Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn (phải). Ảnh: Chung Hoàng

Tại họp báo, VietNamNet đặt câu hỏi về kiến nghị của Ủy ban bầu cử TP.HCM liên hệ các nhà mạng để nhắn tin cho cử tri đi bầu với nội dung lịch sự, ngắn gọn, nhẹ nhàng, mang tính vận động, động viên tuyên truyền.

Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn cũng cho biết chưa nhận được thông tin này từ Hội đồng bầu cử quốc gia.

"Nếu có kiến nghị như vậy, Hội đồng bầu cử quốc gia sẵn sàng yêu cầu các nhà mạng nhắn tin vận động cử tri đi bầu cử theo quyền và nghĩa vụ của công dân trong Hiến pháp", Bộ trưởng nói.

Báo Tuổi trẻ đặt câu hỏi về tình trạng bầu hộ, bầu thay, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc nhận định hành vi bầu hộ, bầu thay là không đúng, cần khắc phục bằng cách tuyên tuyền để người dân hiểu đây là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân đối với Nhà nước và xã hội.

"Mình đi bầu theo ý chí của mình. Để người khác bầu thay thì họ sẽ bầu theo ý chí của họ", ông Phúc nói.

Với những nơi tổ chức bầu cử sớm, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định không khí tốt, vui vẻ, tỉ lệ cử tri đi bầu đạt 100%.

Ông Trần Văn Túy, Trưởng Ban Công tác đại biểu, ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia, trả lời câu hỏi, xác nhận đến nay, tất cả các ứng cử viên ĐBQH được công bố đều có đủ tiêu chuẩn, và chưa nhận được phản hồi nào của cử tri đối với các ứng cử viên.

"Hãy tin tưởng sự sàng lọc, nhận xét, đánh giá theo quy trình chặt chẽ của Ủy ban bầu cử các cấp và Hội đồng bầu cử quốc gia", ông Túy nói.

Báo VnEconomy chú ý đến thông tin tất cả các ứng cử viên ĐBQH đều đủ tiêu chuẩn và việc bầu cử sẽ công bằng, không phân biệt chức quyền.

"Nhưng qua theo dõi ở đơn vị bầu cử số 2 tỉnh Yên Bái, trong 5 ứng cử viên có một ủy viên Bộ Chính trị, một thành ủy viên và 3 nông dân cùng sinh những năm 1990 và ở cùng thôn, cùng xã. Nếu cả ba người nông dân này trúng cử, ông nhận định thế nào về việc QH có 500 ĐB mà có 3 người cùng thôn, cùng xã", là câu hỏi cho ông Trần Văn Túy.

Ông Trần Văn Túy khẳng định việc công bố và lập danh sách các ứng cử viên là theo một quy trình chặt chẽ, do các cơ quan địa phương, hiệp thương lựa chọn. Tuy nhiên, phải hiểu là QH ta mang tính đại diện, tính cơ cấu, thành phần, giới, dân tộc...

"Cho nên những ứng cử viên là tiêu biểu có các giới, thành phần. Việc lựa chọn là của cử tri", ông Túy nói.

Báo Diễn đàn doanh nghiệp đặt vấn đề nếu có nơi khuyến khích cử tri đi bầu cử bằng cách sau khi bỏ phiếu sẽ được tặng tiền, quà, thì có phải là vi phạm pháp luật.

Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định đi bầu cử là quyền, nghĩa vụ của công dân, chứ không phải để nhận chi phí.

Trong kinh phí tổ chức bầu cử cũng không có khoản nào cho việc này, luật cũng cấm hành vi này. Từ trước đến nay ở VN không có chuyện đó.Báo Tuổi trẻ đặt câu hỏi về những lời hứa của các ứng cử viên khi vận động bầu cử và cơ chế nào để giám sát việc thực hiện các lời hứa này. Ông Nguyễn Hạnh Phúc ghi nhận đó là cam kết trước cử tri của các ứng cử viên nếu trúng cử, chính cử tri sẽ là người theo dõi, giám sát.

"Sau này khi đi tiếp xúc cử tri, họ sẽ phải báo cáo những việc mình đã làm. Cử tri bây giờ có nhiều kênh thông tin để theo dõi", ông Phúc nói.

Chung Hoàng