- Có khi anh chẳng biết chi bộ, tổ dân phố... là ai. Không quan hệ với bà con, nên khi đưa ra hội nghị cử tri nơi cư trú mức tín nhiệm dưới 50%.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đã bước vào giai đoạn các cơ quan, tổ chức đơn vị tiến hành các thủ tục giới thiệu người đại diện tham gia ứng cử, đồng thời những người có ý định tự ứng cử chuẩn bị hồ sơ ứng cử.

Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha cho biết:

Hiện chưa có báo cáo tổng hợp về người tự ứng cử. Hồ sơ tự ứng cử thì đã có sẵn trên website QH, hoặc có thể lấy tại Sở Nội vụ - cơ quan thường trực của ủy ban bầu cử cấp tỉnh. Hồ sơ, thủ tục rất thuận lợi thôi. Cái chính là người tự ứng cử nên cân nhắc, đối chiếu với những tiêu chuẩn quy định trong luật Bầu cử đại biểu QH, đại biểu HĐND.

Đến lúc này, thông tin từ Hà Nội là đã có hơn 10 hồ sơ tự ứng cử. Các tỉnh, thành khác chưa có con số cụ thể, nhưng nhiều nơi báo là có người tới tìm hiểu thủ tục.

Thủ tục với người tự ứng cử rất thoáng

- Có lo ngại rằng người tự ứng có phần thua thiệt vì không có người ủng hộ, chuẩn bị cho họ để tham gia ứng cử?

Tôi thì thấy thủ tục với người tự ứng cử rất “thoáng”.

Người ứng cử do các cơ quan, tổ chức giới thiệu thì ngay từ đầu đã “trầy vẩy”.

Trước khi vào vào danh sách sơ bộ, họ này phải trải qua ba bước: 1) lãnh đạo dự kiến người ứng cử, 2) tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác đánh giá tín nhiệm người đó, 3) hội nghị lãnh đạo mở rộng để giới thiệu. Có cơ quan, tổ chức được phân bổ một chỉ tiêu, trong bước này lại có hai người được giới thiệu. Như thế, họ phải qua vòng sơ loại, 2 chọn 1.

Còn người tự ứng cử thì không phải qua 3 bước kia mà nộp hồ sơ thẳng cho ủy ban bầu cử cấp tỉnh thông qua Sở Nội vụ. Sở Nội vụ thấy đủ điều kiện thì chuyển cho MTTQ cùng cấp để đưa vào danh sách hiệp thương sơ bộ.

Về cơ bản, người tự ứng cử chuẩn bị hồ sơ kỹ càng, đầy đủ thì không ai từ chối cả. Họ đều vào được danh sách sơ bộ hết, và chung danh sách với người được giới thiệu ứng cử.

- Vào danh sách sơ bộ ở hiệp thương lần hai có thể dễ dàng. Nhưng có người tự ứng cử đã thất bại ở kỳ bầu cử trước cho rằng tới hiệp thương lần 3, mang tính quyết định để hình thành danh sách bầu cử chính thức, thì họ rất đơn độc, không có cơ hội tham dự để trình bày về mình?

Cả người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử đều không được tham dự cuộc hiệp thương.

Thành phần tham gia hiệp thương, như trung ương chẳng hạn, gồm các vị ủy viên Đoàn chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam và đại diện 46 tổ chức thành viên. Ở tỉnh thì gồm Ban Thường trực UB MTTQ tỉnh và đại diện các tổ chức thành viên...

- Nhưng người được giới thiệu ứng cử thì đứng sau họ có cả tổ chức, đơn vị nơi công tác và kể cả cấp ủy nữa. Còn người tự ứng cử thì làm gì có ai hậu thuẫn trong quá trình hiệp thương ấy?

Không. MTTQ không được phép cho rằng người này được cơ quan, tổ chức giới thiệu thì ưu tiên hơn người kia không được giới thiệu. Tinh thần chỉ đạo là như vậy - không được phân biệt giữa người được giới thiệu ứng cử với người tự ứng cử.

- Hiện không có cơ cấu riêng cho người tự ứng cử. MTTQ chủ trì công tác hiệp thương thì làm thế nào giữ công tâm, không để người tự ứng cử vì ngoài cơ cấu mà bị loại?

Với các quy định, hướng dẫn hiện hành, các địa phương phải giới thiệu số người ứng cử - gồm cả được giới thiệu và tự ứng cử - tối thiểu gấp đôi số đại biểu được bầu.

Tiếp đó đến hiệp thương lần thứ 3 - thống nhất được thì biểu quyết bằng tay, khó quá thì bỏ phiếu kín - lựa chọn để làm sao mỗi đơn vị bầu cử, nếu được bầu 3, phải có số dư ít nhất 2. Danh sách mở như thế thì chắc sẽ có mặt người tự ứng cử, chứ không phải vì ngoài cơ cấu mà loại ra.

Không nên tự ứng cử kiểu 'thử xem thế nào'

- Nhưng thực tế tỷ lệ người tự ứng cử vào được danh sách bầu cử chính thức rất thấp...

Tôi khuyến nghị người tự ứng cử cần thực sự nghiêm túc, chứ không nên làm theo kiểu thử xem thế nào. Anh nên cân nhắc thật kỹ xem có đủ tiêu chuẩn luật định không; nếu trúng cử thì có đủ điều kiện làm như mình đã hứa hay không.

Một vấn đề nữa là người tự ứng cử rất dễ trượt vì bản thân không gương mẫu tại nơi sinh sống. Có khi anh chẳng biết chi bộ, tổ dân phố, ban công tác mặt trận... là ai. Ra cửa lên xe, xuống cửa vào nhà, không quan hệ với bà con, nên khi đưa ra hội nghị cử tri nơi cư trú mức tín nhiệm dưới 50%.

Tín nhiệm thấp như thế là một căn cứ để hiệp thương lần 3 loại ra khỏi danh sách. MTTQ quan niệm đơn giản là anh và gia đình không gương mẫu, tín nhiệm thấp ở nơi cư trú thì không thể đại diện cho cử tri cả nước để tham gia QH được, thậm chí kể cả đại diện cho cử tri trong tỉnh với trường hợp bầu cử vào HĐND tỉnh.

- Hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú thực ra không thể mời tất cả cử tri được, mà chỉ có đại diện tham dự thôi. Vậy ai sẽ lựa chọn, mời đại diện ấy, và có gì đảm bảo những đại diện cử tri ấy đều khách quan khi nhận xét, đánh giá về người tự ứng cử?

Khi dự thảo quy định hướng dẫn công tác bầu cử, có ý kiến cho rằng ở những nơi trên 1.000 cử tri thì tổ chức nhiều hội nghị cử tri để lấy ý kiến về người ứng cử, rồi cộng kết quả lại xem mức độ tín nhiệm thế nào. Nhưng bàn đi bàn lại, thấy lấy ý kiến cử tri nơi cư trú không phải là cuộc bầu cử trước bầu cử chính thức. Cho nên chỉ cần mở hội nghị lấy ý kiến của những cử tri biết về ứng viên đó.

Bạn hỏi là “biết” theo kiểu thiếu thiện cảm? Tôi cho rằng không thể có chuyện cả làng cùng ghét ai đó. Còn tổ chức hội nghị cử tri mà định hướng giữ người này, loại người kia là phạm luật. MTTQ phải giám sát chặt chẽ cái đó.

- Có ai hỏi ý kiến ông để xin lời khuyên về việc tự ứng cử đại biểu QH, HĐND không?

Rất nhiều. Họ hỏi tôi có nên tự ứng cử không, tự ứng cử ở đâu, làm thế nào... Tôi đều trả lời như vậy.

Nghĩa Nhân