Việc bỏ phiếu chọn ra được những đại biểu xứng đáng là vô cùng quan trọng.

Phó Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha: Quyền lợi của cử tri

Tham gia xây dựng chính quyền nói chung, trong đó có bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND là quyền lợi của mỗi cử tri.

{keywords}

Các đại biểu được bầu của các cơ quan quyền lực nhà nước từ trung ương đến địa phương sẽ thay mặt người dân quyết định các vấn đề về đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng, đặc biệt là các chủ trương, chính sách, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội nhằm phục vụ cho chính lợi ích của người dân.

Nếu cử tri thờ ơ hoặc để người khác bầu thay là đã từ chối một trong những quyền rất quan trọng đã được hiến định và luật định, sẽ ảnh hưởng phần nào đến kết quả cuộc bầu cử và ảnh hưởng đến chính quyền lợi của cử tri ấy.

Để cuộc bầu cử được diễn ra công khai, minh bạch, kết quả bầu cử khách quan, chính xác như mong muốn của cử tri, luật Bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND đã quy định rất rõ về nguyên tắc và trình tự bỏ phiếu, việc kiểm phiếu, khiếu nại, tố cáo về kiểm phiếu...

Những quy định đó đã thể hiện đầy đủ sự công khai, minh bạch, khách quan, dân chủ, công bằng.

Theo luật, thành viên Tổ bầu cử là những người đại diện cho cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và những người đại diện cho cử tri ở địa phương với số lượng từ 11 đến 21 người.

Với thành phần như vậy sẽ đảm bảo cho việc bỏ phiếu, kiểm phiếu được khách quan, dân chủ, công bằng. Việc giám sát quá trình bầu cử cũng như việc kiểm phiếu cũng được quy định cụ thể trong luật Bầu cử.

Người dân và các cơ quan báo chí trong quá trình theo dõi, giám sát việc bầu cử, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật về bầu cử thì báo cho Ủy ban bầu cử địa phương để xem xét giải quyết theo thẩm quyền.

Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn các vấn đề văn hoá xã hội, MTTQ VN Nguyễn Túc: Phát huy quyền làm chủ của mình

Đây là cuộc bầu cử đầu tiên sau khi chúng ta có Hiến pháp mới 2013. Hiến pháp mới thể hiện cương lĩnh của Đảng trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH được sửa đổi bổ sung 2011.

{keywords}

Tinh thần cơ bản của cương lĩnh, đó là tất cả vì nhân dân, vì con người. Đại hội 12 của Đảng cũng nêu rõ phải đảm bảo toàn bộ quyền lực của nhà nước thuộc về nhân dân và của nhân dân.

Vì vậy, tinh thần lớn nhất của bầu cử QH kỳ này chính là phát huy cao độ quyền làm chủ của nhân dân để nhân dân thực sự làm chủ đất nước.

Qua giám sát chuẩn bị bầu cử khắp nơi như Hòa Bình, Sơn La, một số quận huyện tại Hà Nội, tôi thấy rõ trong các cuộc gặp gỡ lãnh đạo và cử tri, tinh thần đó đã được quán triệt tuy ở những mức độ khác nhau.

Ngoài ra, ý thức của dân về vấn đề quyền lợi của mình trong bầu cử không phải ai cũng nhận thức được, chuyện bầu hộ, bầu thay diễn ra ở mức độ khác nhau. Việc này tôi nghĩ cần phải được ngăn chặn và giải quyết kịp thời trong yêu cầu mới của cuộc bầu cử kỳ này.

Cái mà tôi lo lắng nhất là vẫn có ý kiến cho rằng cuộc bầu cử này cũng như các kỳ trước. Đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí còn hạn chế hơn so với miền xuôi, nếu không tuyên truyền vận động đến nơi, đến chốn, không hướng dẫn cụ thể, rất dễ có tình trạng người ta đồng ý bầu ông này, bà kia nhưng lại gạch chính tên người mà họ chọn.

Trong quá trình bầu cử, ngoài bộ phận thực hiện công tác bầu cử đã được nhà nước, TƯ và địa phương giao trách nhiệm, tôi nghĩ cần có sự hiện diện của tổ chức quần chúng ở những địa điểm bầu cử. Đó là đại diện của Mặt trận, người cao tuổi, cựu chiến binh , phụ nữ… để giám sát.

Trong tình hình hiện nay có giám sát nhà nước rồi nhưng có một số người có ý đồ không tốt, bịa chuyện, vu cáo… thì cần có những người công tâm đại diện cho các tầng lớp nhân dân chứng kiến để bác bỏ những thông tin vu cáo. Như vậy kết quả bầu mới đảm bảo khách quan, trung thực như cử tri mong muốn.

GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số & các vấn đề xã hội: Bỏ phiếu để bầu QH trí tuệ

Việc bỏ phiếu chọn ra được những đại biểu xứng đáng để có một QH trí tuệ, QH có trách nhiệm với đất nước là vô cùng quan trọng và có ý nghĩa đặc biệt.

{keywords}

Tôi ưu tiên chọn những người có năng lực về luật pháp, khả năng hoạch định, xây dựng chính sách pháp luật, năng lực dám giám sát một cách mạnh mẽ. Bây giờ ĐBQH có quyền giám sát rồi, nhưng có mạnh dạn để thực hiện giám sát hay không lại là việc khác.

QH đã ý thức được vai trò của mình cũng như vai trò của các ĐBQH, chất lượng hoạt động ngày càng tốt lên, nhưng tôi vẫn băn khoăn vì thường chỉ tốt lên thường ở cuối nhiệm kỳ khi ĐB mạnh mẽ hơn, thẳng thắn, quyết liệt hơn.

Nếu QH lần này, ngay năm đầu cũng được như năm cuối của QH khoá 13 để bắt nhịp, tiếp nối được khí thế của QH khoá trước thì rất tốt.

Nếu các ĐBQH, ĐB HĐND giải quyết và quan tâm đến những vấn đề nóng bỏng của người dân thì tôi tin đây sẽ là ngày hội lớn của người dân, toàn dân sẽ rất háo hức.

Nghệ sĩ ưu tú Chí Trung, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ: Nghiên cứu kỹ các ứng viên

Tôi đã trải qua nhiều đợt bầu cử, khi nào tôi cũng thấy vô cùng quan trọng. Ngay từ ngày trẻ, tôi đã rất xúc động khi cầm tờ phiếu trên tay thả vào thùng phiếu.

{keywords}

Nhưng đúng ngày bầu cử 22/5 tới, đoàn tôi có buổi biểu diễn tại TP Vinh, Nghệ An nên toàn bộ anh em chúng tôi sẽ bỏ phiếu tại đó thay vì bầu cử tại Hà Nội.

Trước khi bầu tôi cũng phải nghiên cứu kỹ các ứng viên đến thuộc cả tên họ. Quyền công dân của mình, mình phải chọn chứ.

Tôi sẽ ưu tiên bầu những người trẻ, có năng lực, cách tân, đổi mới.

T.Hạnh - T.Hằng - H.Nhì - T.Tình