- Có hay không nhiều loại thuốc trúng thầu (năm 2013) vào Bệnh viện Chợ Rẫy giá cao hơn nhiều lần so với các bệnh viện khác, thậm chí thuốc chưa có số đăng ký cũng được ưu ái cho trúng thầu?

Giá cao, chưa có số đăng ký đã trúng thầu?

Ngày 15/10, TS – BS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM đã chính thức lên tiếng sau khi dư luận những ngày qua cho rằng có "bất thường" sau đợt đấu thầu thuốc năm 2013 tại bệnh viện này. 

Các thông tin này cho rằng, một số loại thuốc trúng thầu vào Bệnh viện Chợ Rẫy cùng nồng độ, hàm lượng, cơ sở sản xuất và cùng chỉ định điều trị có giá cao hơn từ 5% - 10% so với các bệnh viện tuyến trung ương, và cao gấp nhiều lần ở các bệnh viện tuyến quận huyện gây lãng phí nhiều tỷ đồng.

Chẳng hạn một loại thuốc cùng hoạt chất Hydroxyurea 500mg, loại 10 vỉ x 10 viên của Công ty Haupt Pharma Amareg (Đức) sản xuất, do Công ty TNHH Dược phẩm Việt - Pháp trúng thầu nhưng giá trúng thầu vào Bệnh viện Chợ Rẫy là 105.000 đồng/hộp, trong khi trúng thầu vào Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương 100.000 đồng/hộp.

{keywords}
Để đánh giá giá thuốc trúng thầu cao hay thấp cần dựa vào 4 tiêu chí. Ảnh: VNN.

Sự chênh lệch giá thuốc trúng thầu của Bệnh viện Chợ Rẫy so với các bệnh viện tuyến quận/huyện còn chênh lệch nhiều hơn thế. Ví dụ: thuốc Esomeprazole Sodium 40mg của Ấn Độ do Công ty Dược Vĩnh Phúc trúng thầu vào Bệnh viện Chợ Rẫy có giá 8.500 đồng trong khi Sở Y tế Quảng Ninh mua chỉ hơn 4.300 đồng (chênh lệch gần gấp đôi); thuốc Ciprpfloxaci của Việt Nam sản xuất có hàm lượng 400mg/200ml trúng thầu Bệnh viện Chợ Rẫy giá 95.000 đồng trong khi trúng thầu ở Đồng Nai (hàm lượng 200mg/100ml) chỉ hơn 17.000 đồng.

Ngoài ra, còn có ba loại thuốc dự thầu chưa có giấy phép đăng ký vẫn được duyệt. Đó là thuốc Cevirflo Infusion 400mg/250 ml VD-19017-13; thuốc Loviza 750mg infusion VD-19022-13 và Solmiran VD-19023-13 đều của Công ty Dược phẩm Pharbaco tham gia dự thầu. Mãi đến ngày 19/6, cả 3 loại thuốc trên mới được cấp phép.

Cao hay thấp phải dựa trên 4 yếu tố

Trước thông tin trên, TS Nguyễn Trường Sơn nhận định: "Đây là thông tin không sai nhưng chưa đầy đủ nên thiếu chính xác".

“Đầu tiên, để so sánh về giá thuốc trúng thầu cao hay thấp phải căn cứ trên 4 yếu tố: hợp chất, hàm lượng, nhà sản xuất và nhà thầu. Còn chuyện kết quả đấu thầu của Bệnh viện Chợ Rẫy với kết quả đấu thầu của bệnh viện khác và hội đồng đấu thầu khác có giá không giống nhau, đó là một thực tế hoàn toàn khách quan.”, TS Sơn nói.

Có thể hiểu, khi hội đồng thầu khác nhau thì cũng khác nhau về chủ đầu tư và khác luôn cả về hồ sơ mời thầu, quy mô gói thầu, thời điểm tổ chức đấu thầu. Chính những yếu tố này làm cho giá trúng thầu của một loại thuốc giữa các hội đồng thầu không đồng nhất. Còn nếu các loại thuốc hoàn toàn giống nhau mà cùng một nhà thầu mà có sự chênh lệch cao về giá thì phải xem xét lại.

“Nếu muốn có giá thuốc đồng nhất ở các bệnh viện cùng một quốc gia hay một khu vực thì chỉ có cách đấu giá quốc gia hay tổ chức đấu thầu tập trung.”, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay.

Về quy trình tổ chức đấu thầu tại Bệnh viện Chợ Rẫy được TS Sơn mô tả: “Năm 2013 bệnh viện tổ chức đấu thầu 1 gói. Từ khâu mời thầu tới tiếp nhận, phê duyệt hồ sơ tới lúc có kết quả trúng thầu vẫn chưa phải đã hoàn tất. Sau khi công bố kết quả trúng thầu vẫn còn 1 giai đoạn 25 ngày. 10 ngày cho các nhà thầu kiến nghị và 15 ngày để rà soát, xử lý. Tới khi đó kết quả cuối cùng được chốt lại mới được đưa vào hợp đồng mua sắm.”

Theo vị đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy, những thông tin mà dư luận biết được mới chỉ là một giai đoạn của đợt tổ chức đấu thầu, nhưng kết quả đầy đủ sau khi điều chỉnh thì lại chưa được nhắc tới.

Cụ thể, ở khâu rà soát và xử lý khi có kết quả trúng thầu, Bệnh viện Chợ Rẫy phát hiện tới 100 loại thuốc cao hơn từ 5% - 10% so với giá đấu thầu tại Sở Y tế TP, tất cả những loại thuốc này đã được nhà thầu điều chỉnh lại về giá ngay sau đó.

Về thuốc cùng hoạt chất Hydroxyurea 500mg trong kết quả đấu thầu năm 2013 của bệnh viện có 2 tên thương mại trúng thầu là Hydroxyurea Medac 500mg (NSX: Haupt Pharma Amareg) và Hytinon 500mg (NSX: Korea United Pharm).

Với thuốc Hydroxyurea Medac 500mg, tra cứu theo kết quả đấu thầu bệnh viện tuyến trung ương năm 2013 chỉ trúng thầu tại Bệnh viện Chợ Rẫy (nhà thầu Việt Pháp) với giá 10.000 đồng/viên (số lượng 105.000 viên) và tại Bệnh viện Huyết học truyền máu trung ương giá 10.000 đồng/viên (số lượng 100.000 viên). Chứng tỏ không có sự khác nhau về giá giữa 2 hội đồng thầu.

Tiếp đến, thuốc Hytinon 500mg chỉ trúng thầu tại Bệnh viện Chợ Rẫy (nhà thầu Vy Gia) giá 3.200 đồng/viên (số lượng 139.000 viên), tại Viện huyết học truyền máu trung ương (nhà thầu Vi – intex) giá 3.100 đồng/viên (số lượng 500.000 viên) và tại Bệnh viện Trung ương Huế (nhà thầu Vy Gia) giá 3.290 đồng/viên (số lượng 30.000 viên). Chứng tỏ căn cứ theo 4 tiêu chí (hoạt chất, hàm lượng, nhà sản xuất và nhà thầu) thì giá trúng thầu thuốc này vào Bệnh viện Chợ Rẫy thấp hơn.

Còn về thuốc Esomeprazole Sodium 40mg của Ấn Độ do Công ty Dược Vĩnh Phúc trúng thầu vào Bệnh viện Chợ Rẫy đúng là được công nhận trúng thầu, nhưng sau đó, trong 10 ngày xử lý kết quả trúng thầu, hội đồng phát hiện sự không phù hợp về gốc muối của hoạt chất trên vỏ hộp với tài liệu trên trang web của Cục quản lý dược nên đã hủy kết quả đấu thầu.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc tại sao 3 loại thuốc chưa có số đăng ký vẫn trúng thầu, TS Sơn giải thích: “Không phải chỉ có 3 loại mà thực tế tới 30 loại thuốc. Phải hiểu rằng không phải những thuốc này không được cấp phép mà số đăng ký của họ hết hạn và đang trong quá trình làm đăng ký gia hạn. Khi nộp hồ sơ dự thầu, họ có giấy biên nhận của Cục quản lý Dược về việc đã tiếp nhận hồ sơ và đang chờ gia hạn số đăng ký. Hội đồng thầu họp ngày 1/6, chúng tôi gia hạn cho họ tới ngày 20/6 phải bổ sung đủ giấy phép lưu hành chính thức. Tuy nhiên tới hạn chỉ có 3 loại thuốc bổ sung kịp.”

Tiến độ cung ứng thuốc của Bệnh viện Chợ Rẫy bao gồm xây dựng kế hoạch, xin phê duyệt, tổ chức đấu thầu rộng rãi và ký hợp đồng cung ứng. Kế hoạch năm 2013 (thực chất là kế hoạch tháng 7/2013 – tháng 6/2014) có 1.588 mặt hàng thuốc được công nhận trúng thầu với trị giá 1.193 tỷ đồng.

Thanh Huyền