- Dịch chồng dịch, bệnh nhi các tỉnh đổ dồn về khiến Bệnh viện Nhi Đồng 1 đang gồng mình đối phó với tình trạng quá tải khủng khiếp nhất trong mười mấy năm qua.

Trẻ em nằm tràn hành lang, BV đông nhất 10 năm qua

Trong những ngày vừa qua, lượng bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 tăng kỷ lục. Nhiều bệnh nhi và người nhà phải chen chúc khám bệnh, nằm tràn hành lang chờ điều trị...   


Nhiều dịch bệnh tăng cùng lúc

Trưa ngày 5/10, bác sĩ Ngô Ngọc Quang Minh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM nhận định: “chưa bao giờ bệnh viện phải tiếp nhận lượng bệnh nhi tăng đột biến cùng lúc cả ở khu khám bệnh lẫn nội trú và nhiều chuyên khoa như thế.”

{keywords}
Bệnh nhi tại khoa sốt xuất huyết nằm tràn ra hành lang. Ảnh: Thanh Huyền.

Đầu tháng 9, bệnh viện này khám cho khoảng 2.500 bé/ngày, nay tăng thành 6.500 bé/ngày. Ngay cả lượng bệnh nhi nội trú cũng vọt lên. Chỉ tiêu của bệnh viện chỉ có 1.400 giường bệnh, nay phải tiếp nhận tới 2.100 bé (ngày thường dù đông cũng giao động ở mức 1.600 – 1.700 bé).

“Suốt mười mấy năm qua, chúng tôi chưa bao giờ thấy số bệnh nhi nội trú vượt trên 2.000 bé/ngày như thế.”, bác sĩ Minh nói.

{keywords}
Một giường tới 4 bé nằm ghép, thậm chí bệnh nhi mắc thêm võng vẫn không đủ chỗ nằm. Ảnh: Thanh Huyền.

Trẻ em tới Bệnh viện Nhi Đồng 1 điều trị tập trung chủ yếu ở các bệnh lý sốt xuất huyết, tay chân miệng (65% bệnh nhi ở tỉnh).

Chỉ từ đầu tháng 9 tới cuối tháng 9, các ca mắc bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng đã nhiều lên gấp đôi.

{keywords}
Không có chỗ nằm, người nhà bệnh nhi chui cả vào gầm giường. Ảnh: Thanh Huyền.

Trong tháng 9, Bệnh viện Nhi Đồng 1 ghi nhận 400 bệnh nhi sốt xuất huyết nằm viện (bình thường mỗi tuần chỉ có 25 – 30 ca). Trong số 400 bé nói trên, 120 bé bị sốt xuất huyết rất nặng, 3 ca vừa tử vong...

{keywords}
Hai mẹ con bệnh nhi trải chiếu nằm dưới gầm giường. Ảnh: Thanh Huyền.

Thống kê cho thấy tình trạng trẻ nhập viện do mắc tay chân miệng còn tăng mạnh hơn nữa. Trong tháng 9, Bệnh viện Nhi Đồng 1 điều trị cho gần 900 bé. Thông thường mỗi tuần bệnh viện chỉ có 80 – 90 ca tay chân miệng nội trú, nay là 310 ca.

{keywords}
Em bé nóng nực quấy khóc khiến người mẹ phải bồng trên tay vì không đủ chỗ nằm. Ảnh: Thanh Huyền.

Không chỉ tay chân miệng, sốt xuất huyết, các bệnh lý như hô hấp, sơ sinh tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 tăng từ tháng 8 tới nay vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Rất nhiều bệnh nhi bị viêm tiểu phế quản, viêm phổi phải nhập viện.

Bệnh viện căng mình đối phó

Tại Khoa Sốt xuất huyết, chị Nguyễn Thị Oanh, ngụ tại Đồng Nai cho biết, con gái mình nhập viện từ tuần trước. Một giường ghép tới 4 bé, quá chật chội, nóng nực nên mẹ con chị toàn vác chiếu ra hành lang, hoặc ra gốc cây dưới sân nằm.

Còn tại Khoa Nhiễm của bệnh viện, anh Nguyễn Văn Hoàng, có con 2 tuổi đang điều trị tay chân miệng nói:"4 - 5 bé/giường. Đó còn chưa kể mỗi bé phải có thêm mẹ hoặc ba chăm sóc. Chúng tôi toàn ứng biến bằng cách chỗ nào trống thì mắc võng, không thì ra hành lang nằm. Đông thế này, ra hành lang nằm thoải mái hơn ở trong phòng."

Trước thực trạng quá tải, bác sĩ Lê Bích Liên, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho rằng, tình hình dịch chồng dịch, hơn thế các gia đình sinh ít con, nên tâm lý lo lắng quá mức, muốn con hưởng sự chăm sóc y tế tốt nhất (dù nhiều bệnh có thể điều trị tại bệnh viện tuyến dưới) là nguyên nhân gây ra quá tải đột biến.

{keywords}
Quá ngột ngạt, mệt mỏi, người mẹ này bế con ra hành lang đứng. Ảnh: Thanh Huyền.

{keywords}
Bệnh viện cải tạo, cơi nới thêm 150 giường ở hành lang vẫn như...muối bỏ bể. Ảnh: Thanh Huyền.

“Chúng tôi đã tăng cường thêm mỗi ngày từ 5 – 10 bàn khám ở khu khám bệnh. Ngay cả vào giờ nghỉ trưa từ 11h30 – 12 h30, bệnh viện huy động các điều dưỡng, bác sĩ làm thêm để giải quyết số bệnh nhi còn lại từ sáng. Nhờ thế, dù vào giờ nghỉ trưa nhưng khu khám bệnh vẫn luôn có 7 bàn khám làm việc”, bác sĩ Liên nói.

{keywords}
Khu khám theo yêu cầu đang xây dựng để góp phần giảm tải. Ảnh: Thanh Huyền.

Bên cạnh đó, bệnh viện cũng che chắn, cải tạo tại hành lang, lắp quạt, bố trí thêm được 150 giường so với năm 2014. Tại Phòng cấp cứu, đang từ 8 giường lưu bệnh cũng được nâng lên thành 20 giường.

Về các giải pháp giảm tải lâu dài, bền vững, bác sĩ Liên chia sẻ: “bệnh viện Nhi Đồng 1 đang mở rộng cơ sở hạ tầng, xây dựng phòng khám theo yêu cầu chất lượng cao, liên kết với các bệnh viện vệ tinh tại Long An, Cần Thơ, Cà Mau, Vĩnh Long (chuyển giao kỹ thuật, luôn có 6 bác sĩ của bệnh viện mình thường trưc), tiến tới các bệnh lý mãn tính như chạy thận, thở máy (nhưng ổn định) bệnh nhân không cần phải lên TP.HCM nữa".

{keywords}
Bác sĩ Liên, PGĐ Bệnh viện Nhi Đồng 1 kêu gọi người dân không nên đổ xô về bệnh viện tuyến trên để tránh lây truyền chéo. Ảnh: Thanh Huyền.

Tuy nhiên, bác sĩ Liên nhìn nhận, sự quá tải đột biến vào một thời điểm như hiện nay kéo theo nhiều hệ lụy mà không thể xử lý trong một sớm một chiều: “các nhân viên y tế bị áp lực lớn. Không chỉ bệnh nhân nhẹ mà rất nhiều ca bệnh nặng gia tăng. Chăm sóc một bệnh nhân nặng đòi hỏi tiêu tốn về nhân lưc gấp 5 lần một ca bệnh bình thường. Chúng tôi luôn phải động viên các y, bác sĩ cố gắng để hạn chế không xảy ra sơ suất. Dù mệt, căng thẳng nhưng phải giữ thái độ cư xử đúng mực với thân, bệnh nhi như tiêu chí Bộ Y tế đề ra.”

Vị Phó giám đốc bệnh viện khuyến cáo phụ huynh hãy chung tay với ngành y tế: giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, quan tâm tới vệ sinh và dinh dưỡng của con cái để trẻ có thể trạng tốt, sức đề kháng cao với bệnh tật. Với những bệnh lý đơn giản, có thể điều trị tại bệnh viện địa phương, nếu dồn hết về bệnh viện tuyến trên sẽ quá tải. Mật độ bệnh nhi đông nghẹt như vậy, nguy cơ lây truyền chéo là khó tránh.

Thanh Huyền