- Bỏ Hội đồng nhân dân (HĐND) thì ai sẽ là người đại diện cho nhân dân thực hiện quyền làm chủ, ai giám sát chính quyền quận, huyện? - ĐB Huỳnh Nghĩa đặt câu hỏi về chế định chính quyền địa phương.

Chưa công bằng

Tại phiên thảo luận sáng 3/6 về dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Trưởng đoàn ĐBQH Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa đặt câu hỏi: Điều 6 dự thảo quy định "nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND và thông qua các cơ quan khác của nhà nước", nghĩa là có nhiều việc nhân dân không thực hiện quyền làm chủ của mình mà thông qua người đại diện.

Nếu bỏ HĐND thì ai sẽ là người đại diện cho nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình, ai giám sát UBND và chính quyền các quận huyện?

{keywords}

ĐBQH Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa: Không thể căn cứ một số nơi HĐND làm không tốt để nâng quan điểm, xóa bỏ luôn một hệ thống cơ quan đại diện của nhân dân. Ảnh: Minh Thăng

 

"Bản thân HĐND và đại biểu HĐND tỉnh cũng chưa thực hiện hết chức năng giám sát của chính quyền cấp tỉnh theo luật định mà còn cáng đáng thêm chức năng giám sát chính quyền quận huyện thì liệu có kham nổi không? Rõ ràng về mặt thực tế và cả lý luận hiện nay chưa thể hóa giải được vấn đề này" - ông nói.

Ông cũng bác bỏ ý kiến cho rằng bỏ HĐND thì giảm hẳn tham nhũng.

"Vậy hỏi từ trước tới nay đã xử lý bao nhiêu trường hợp HĐND tham nhũng? Trong khi đó cái mất lớn nhất thì không được báo cáo như quyền làm chủ ở cơ sở của nhân dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng do HĐND cấp tỉnh, thành, đại biểu dù nỗ lực nhưng sức có hạn, không thể lắng nghe hết nguyện vọng của nhân dân đối với chính quyền. Một bộ phận người dân không biết kêu ai khi bị oan sai, chèn ép từ hoạt động của cơ quan công quyền, đó là việc lớn nhất của HĐND chưa được đánh giá một cách công bằng" - ông nói.

Dân như nước...

Theo ông Huỳnh Nghĩa, cũng cần nhìn nhận thẳng thắn có một số nơi hoạt động của HĐND còn mang tính hình thức, cầm chừng, thiếu hiệu lực, hiệu quả. Nguyên nhân do các cấp tổ chức thiếu cơ chế hoạt động và chưa hội đủ các điều kiện cần thiết để HĐND phát huy vai trò, chức năng của mình.

"Bên cạnh đó không loại trừ do "cơ cấu" thường trực HĐND không đủ mạnh, không tương xứng với chức năng và vị trí một cơ quan thường trực HĐND. Từ đó dẫn đến tâm lý ngại va chạm, do bị ràng buộc về mặt nào đó, không dám thể hiện quan điểm của mình trước cái đúng, cái sai, dễ tùy các cơ quan chính quyền kiểu dĩ hòa vi quý. Đây chính là điểm trước mắt cần nghiên cứu rút kinh nghiệm bổ sung vào luật" - ĐB kiến nghị.

Ông nhấn mạnh nếu cơ quan giám sát mà không đứng về phía nhân dân, không dám bênh vực, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân thì ai sẽ làm việc này? Nếu người dân bị chèn ép, bị oan sai mà không biết kêu ai thì tất yếu sẽ làm mất niềm tin của nhân dân vào chế độ ưu việt của chúng ta.

"Theo tôi, hiện tượng này chỉ là cá biệt, còn đa số HĐND đều hoạt động tốt, là chỗ dựa đáng tin cậy của nhân dân. Vấn đề quan trọng là chúng ta không thể căn cứ một số nơi HĐND làm không tốt để nâng quan điểm, xóa bỏ luôn một hệ thống cơ quan đại diện của nhân dân trong cả nước, điều này rất nguy hiểm, mất dân chủ, mất lòng dân. Dân như nước, đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân, dễ dẫn đến hậu quả khôn lường".

ĐB kiến nghị Quốc hội cần thận trọng, lắng nghe dư luận để quyết định quyết sách phù hợp, trên cơ sở đó cần lựa chọn phương án tối ưu về chế định chính quyền địa phương. Ông cũng thiết tha đề nghị Quốc hội cần tính toán sớm, tổng kết việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường ở 10 tỉnh, thành và lắng nghe nhiều chiều, kể cả tỉnh, thành không thí điểm. Từ đó có kết luận "chính xác, khách quan, trung thực".

Tránh “mặc một áo” cho tất cả vùng miền

Trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng 3/6, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đánh giá : "Nhược điểm của chính quyền địa phương trong mấy chục năm qua là bệnh bình quân chủ nghĩa, dàn trải, như một cái áo mà mặc cho tất cả các vùng miền dẫn đến hiệu quả quản lý nhà nước không cao, không bảo đảm.

Trong Hiến pháp có quy định về chính quyền địa phương nhưng chúng ta cũng tránh chuyện trói buộc những sửa đổi, cải cách hợp lý hóa.

Tôi đề nghị Hiến pháp không nên quá cứng để tạo điều kiện, giúp cho sau này có muốn thay đổi mô hình chính quyền địa phương thì cũng không cần phải thay đổi Hiến pháp nữa.

Việc xây dựng chính quyền địa phương phải đặt hiệu quả lên hàng đầu; phải tổ chức làm sao bảo đảm cao nhất quyền dân chủ của dân, quyền lợi của dân, quyền giám sát của dân đối với chính quyền.

Bỏ HĐND huyện, quận, phường phải đồng bộ với cải cách hành chính, làm sao cho dịch vụ hành chính, dịch vụ công nhanh nhạy, thuận lợi hơn cho người dân.

Linh Thư (ghi)