Tờ China Business Journal cho hay, Bộ trưởng Đường sắt Trung Quốc Lưu Chí Quân đã nhận hối lộ tới 2,5% tổng ngân sách một số dự án đường sắt cao tốc để ưu ái cho các nhà thầu “biết điều”.

Theo một nguồn tin thân cận với Ủy ban Thanh tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI), việc Bộ trưởng Lưu Chí Quân bị kỷ luật không phải là sự bất ngờ, các nhà điều tra đã đưa Lưu vào “vòng ngắm” từ năm trước.

Lưu Chí Quân bị cách chức vì "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng". Ảnh: Reuters

Nguồn tin trên cho biết, quyết định của CCDI trong việc cách chức Lưu khỏi vị trí Bí thư đảng ủy Bộ Đường sắt do nghi ngờ ông này “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng” có dính líu tới hai vụ việc đang được điều tra với sự tham gia của nhiều cá nhân.

Đầu tiên, đó là một nữ doanh nhân tỉnh Sơn Tây, cũng là nhà hoạt động từ thiện có tiếng, Đinh Thư Miêu - người mà theo thông tin của Tạp chí Kinh doanh Tài Tín.

Trường hợp khác là Lạc Kim Bảo, nguyên chủ tịch Tập đoàn Vận chuyển container đường sắt Trung Quốc và công ty Cung ứng container Thiết Long Đường sắt Trung Quốc.

Khi CCDI phát hiện ra trường hợp của Lạc Kim Bảo, hàng loạt vấn đề tham nhũng nghiêm trọng trong lĩnh vực đường sắt cao tốc - bao gồm can thiệp và thực thi trái phép trong khoản “lại quả” nhiều hợp đồng, cố tình nhận hối lộ - đã bị bóc trần. Một nguồn tin thân cận với Bộ Đường sắt cho hay, trường hợp của Lưu Chí Quân đã làm rung chuyển cả hệ thống.

Theo một nhân vật trong ngành khai khoáng Sơn Tây, Đinh Thư Miêu lần đầu tiên được giới thiệu với Lạc Kim Bảo vào năm 1998 khi ông làm bí thư đảng bộ chi nhánh Lâm Phần của Cục Đường sắt Bắc Kinh. Cũng theo nguồn tin này, thông qua Lạc, Đinh lần đầu tiên đã tiếp xúc với Lưu Chí Quân năm 2000 khi ấy ngồi ghế Thứ trưởng Đường sắt.

Một báo cáo được xuất bản trên trang tiếng Anh, tạp chí Tài Tín ngày 28/1 cho hay, nữ doanh nhân họ Đinh 55 tuổi đã gây dựng tài sản từ một công ty vận chuyển, chuyên chở than tại tỉnh Sơn Tây từ cuối những năm 1980. Đinh Thư Miêu còn là thành viên hội nghị Hiệp thương Chính trị nhân dân Trung Quốc tỉnh Sơn Tây, cũng đã tạo dựng một đế chế kinh doanh đáng nể và nuôi dưỡng những mối liên kết chính trị cấp cao.

Một công ty cho tới năm 2007 vẫn không hề được biết tới, với trụ sở văn phòng vẻn vẹn 48m2 cùng giá thuê chưa đến 600 nhân dân tệ/tháng. Nhưng năm 2008, sau khi được bán cho Đinh Thư Miêu, công ty này đã có bước phát triển nhảy vọt, liên tiếp giành được hợp đồng cung cấp rào chắn ồn cho nhiều tuyến đường sắt cao tốc quan trọng của Trung Quốc như Bắc Kinh - Thiên Tân (tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của nước này), tuyến Vũ Hán - Quảng Châu, tuyến Quảng Châu - Hong Kong…

Bộ Đường sắt Trung Quốc cũng ra quyết định tăng phần đầu tư cho rào chắn ồn của các dự án đường sắt cao tốc thêm 15%, từ 530 tỷ lên 610 tỷ nhân dân tệ. Theo tạp chí Tài Tín, công ty của Đinh Thư Miêu còn đồng sở hữu cả tập đoàn thiết bị đường sắt Zhibo Lucchini, vốn được ưu ái độc quyền cung cấp bánh xe và dịch vụ sửa chữa cho các tàu cao tốc. Ngoài ra, theo một số phương tiện truyền thông Trung Quốc, Đinh Thư Miêu còn độc quyền lĩnh vực quảng cáo tại các nhà ga ở Bắc Kinh và nhiều thành phố lớn khác…

Tờ China Business Journal cho biết, Bộ trưởng Lưu Chí Quân, 58 tuổi, đã nhận hối lộ tới 2,5% tổng ngân sách của một số dự án đường sắt cao tốc để ưu ái cho các nhà thầu “biết điều”. Còn theo tờ China Times của Đài Loan, Lưu đã nhận hối lộ hơn 1 tỷ nhân dân tệ từ các nhà thầu.

Lưu Chí Quân nhậm chức Bộ trưởng Đường sắt của Trung Quốc vào năm 2003. Ngay sau đó, ông đã xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống đường sắt cao tốc của nước này với niềm tin sẽ vượt mặt hệ thống tàu cao tốc nổi tiếng của nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ.

Lưu sinh năm 1953 tại Hồ Bắc, vào Đảng năm 20 tuổi, tốt nghiệp trường Đảng ngành triết học năm 1998, sau đó làm giám đốc ngành đường sắt ở tỉnh Hà Nam và tỉnh Liêu Ninh trước khi về Bắc Kinh làm Bộ trưởng Đường sắt.

Một phân tích năm 2010 của ngân hàng Minsheng Trung Quốc do tạp chí Tài Tín đưa ra tuần này cho hay, số tiền nợ của Bộ Đường sắt tương đương với 56% giá trị tài sản và có thể lên tới 455 tỉ USD (hoặc 70% tài sản) vào năm 2020. Trong tháng cuối cùng ở cương vị Bộ trưởng, Lưu đã bắt đầu một chương trình gấp rút đối phó với tình trạng nợ đọng bằng cách bán cổ phần trong ngành đường sắt cho các nhà đầu tư như những ngân hàng quốc doanh lớn.

Bộ Đường sắt Trung Quốc có 2,5 triệu nhân viên. Tết Nguyên đán là dịp để lượng hành khách khổng lồ từ khắp nơi trong và ngoài nước tìm đường về nhà đoàn tụ cùng gia đình. Nhưng đây cũng là lúc nạn tham nhũng cửa quyền trong công nghiệp đường sắt bộc lộ rõ ràng nhất. Một lượng vé lớn được tuồn vào tay các phe vé, khiến nhiều người phải trả mức phí khá cao so với giá gốc để về nhà dịp tết truyền thống.

Báo cáo của Minsheng đánh giá, mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc có thể vẫn “thất bát” trong 20 năm tới. Đó là chưa kể giá vé - cao gấp nhiều lần vé tàu thông thường - khiến người dân phản ứng dữ dội.

Theo Tân Hoa xã, trong năm 2010, tổng cộng có 146.517 quan chức Trung Quốc bị phát hiện vi phạm kỷ luật, trong số này có 5.098 người là quan chức cấp huyện trở lên, và 804 người bị truy tố.

  • Thái An (tổng hợp)