- Khu vực hồ Núi Cốc thuộc xóm Dốc Lầy, xã Phúc Xuân (TP Thái Nguyên) đang trở thành một công trường khổng lồ. Tỉnh lộ 270 dẫn vào khu du lịch lòng hồ, mỗi ngày tấp nập hàng trăm chuyến xe chở cát từ hồ Núi Cốc đi bán...

Cách cầu Khuân Năm vài trăm mét, xóm Dốc Lầy, xã Phúc Xuân mấy tháng nay trở thành một công trường khổng lồ.

Các phương tiện máy xúc, máy hút… tấp nập hoạt động. Những núi cát khổng lồ cứ vơi lại đầy, với hàng trăm xe tải cần cù vào “ăn hàng”.

{keywords}
Công trường "khai thác"cát ở xóm Dốc Lầy, xã Phúc Xuân

“Người ta làm cả ngày đêm. Mỗi ngày, có cả trăm chuyến xe chở cát đi. Một ngày họ thu cả tỷ đồng chứ chả ít” - chị H., một người dân xóm Dốc Lầy cho hay.

Khi được hỏi, có biết dự án nạo vét lòng hồ Núi Cốc hay không, rất nhiều người dân cho biết: “Chỉ biết có doanh nghiệp khai thác cát chứ không biết việc nạo vét, khơi thông luồng lạch, lòng hồ”.

Ngay cổng Khu du lịch Hồ Núi Cốc, vợ chồng anh H, chị K - chủ quán ăn phục vụ khách du lịch thật thà: Trước đây, người dân làm cát trái phép nhiều lắm. Cả trăm tàu cát, sên vòi cùng hút, chạy phành phạch cả ngày đêm, vài chục bãi tập kết cát sỏi mọc xung quanh lòng hồ. Nhưng mấy năm trước thì dẹp hết rồi. Giờ, một công ty khai thác hết, không cho ai vào.

Chủ một doanh nghiệp tư nhân chuyên cho thuê tàu du lịch - nhà nghỉ trên địa bàn cho biết: “Qua thời gian 50-60 năm bồi lắng, lòng hồ là một mỏ cát lớn. Hàng trăm người khai thác cát trái phép thời kỳ trước, dù làm chui nhủi và thời gian ngắn, cũng đã đổi đời cả. Giờ, họ cấp phép cho một doanh nghiệp rồi”.

Để phục vụ việc khai thác cát, doanh nghiệp đã thuê 35ha đất của người dân để làm bãi chứa cát sỏi. Một con đập được dựng lên ngăn một nhánh nhỏ sát tỉnh lộ 270 thành con lạch để đổ nước thải vào đó.

Tương phản với nước xanh veo của hồ núi Cốc, con lạch này nước vẩn màu canh hến, nhợt nhạt vì nước bùn thải.

{keywords}
Xe chở cát khai thác từ lòng hồ đưa đi tiêu thụ
Với công suất nạo vét từ 600.000 - hơn 858.000 m3/năm, lượng cát sỏi khai thác trong 5 năm đầu của doanh nghiệp này ước đạt hơn 3 triệu m3.

Báo cáo kết quả thẩm định dự án của công ty cổ phần Đầu tư BĐS và khoáng sản Đại Việt, doanh nghiệp này tính toán sẽ đạt mức doanh thu 898.252.800.000 đồng (gần 900 tỷ đồng). Chi phí xây dựng trên 15 tỷ; bồi thường giải phóng mặt bằng hơn 5,3 tỷ đồng, nộp ngân sách cho Thái Nguyên… gần 19 tỷ (18.998.748.000 đồng), DN “bỏ túi” hơn 800 tỷ.

Được ưu ái?

Với quy mô, trữ lượng khoáng sản tận thu (11 triệu m3 cát sỏi, trong đó chỉ có 1 triệu m3 bùn đất), lòng hồ Núi Cốc là một mỏ khoáng sản khổng lồ. Việc giao thực hiện dự án cho công ty Đại Việt chỉ trong vài tháng khiến dư luận đặt nhiều nghi vấn.

{keywords}
Thái Nguyên kỳ vọng, sau khi dự án hoán tất, hồ Núi Cốc sẽ trở lại vẻ thanh bình, yên ả, là một địa chỉ du lịch nhiều tiềm năng

Dưới tên gọi “nạo vét lòng hồ”, tỉnh Thái Nguyên đã cấp cho công ty Đại Việt một giấy phép khai thác khoáng sản mà không phải chấp hành những quy định của luật Khoáng sản, không phải chịu sự giám sát của cơ quan quản lý chuyên ngành.

Nếu tổ chức đấu thầu, chắc chắn dự án này sẽ mang về ngân sách cho Thái Nguyên hàng trăm tỉ đồng chứ không thể ở mức 19 tỉ đồng. Bởi lẽ, với hơn 10 triệu m3 cát, sỏi bồi lắng, doanh nghiệp chỉ cần… xúc lên là có lợi nhuận. Trữ lượng cát sỏi ấy dòng sông Công đã bồi đắp, tích lũy trên 40 năm, nếu đem so sánh với mỏ cát khác tại các dòng sông lớn hơn gấp nhiều lần.

Nhưng sự ưu ái của Thái Nguyên đối với Đại Việt chưa dừng lại ở đó. Được chỉ định triển khai dự án “nạo vét lòng hồ Núi Cốc và tận thu khoáng sản”, công ty này còn được tỉnh giao cho gần 70ha đất rải rác quanh khu du lịch Hồ Núi Cốc để làm nơi “tập kết cát, sỏi và làm bãi thải”, trong đó có 35ha thuộc vùng bán ngập, còn lại trên 24ha là đất các hộ dân đang quản lý và sử dụng.

Phần lớn diện tích được giao này đều thuộc địa bàn TP Thái Nguyên, là địa điểm đẹp gần khu du lịch, giáp đường nhựa, thuận lợi giao thông nhưng để có được mảnh đất này doanh nghiệp chỉ lên phương án đền bù, giải phóng mặt bằng ở mức 5,3 tỉ đồng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Tuấn thông tin: Doanh nghiệp đã hoàn thiện đầy đủ hồ sơ pháp lý dự án, trong đó có cả phần nội dung đánh giá tác động môi trường (ĐTM).

Trước đó, dưới cương vị Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, ông Tuấn cho hay: Nếu đây chỉ là dự án khai thác khoáng sản đơn thuần thì sẽ phải thực hiện đấu giá theo quy định.

“Sở TN-MT đã nêu ý kiến khi được lấy ý kiến thẩm tra dự án của công ty Đại Việt. Đây là dự án có ảnh hưởng lớn đến môi trường lòng hồ, nguồn nước cấp cho sản xuất, nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt của người dân vùng hạ du. Căn cứ NĐ số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 của Chính phủ, dự án thuộc trường hợp phải lập báo cáo ĐTM.

Dự án được UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT làm đầu mối. Sở TN-MT chỉ có vai trò góp ý kiến thẩm định” - ông Tuấn nói.

Kiên Trung