- Một đường dây phá rừng qui mô lớn có tổ chức cần được nhanh chóng điều tra để đưa ra ánh sáng. Không loại trừ một số cán bộ biến chất tiếp tay cho lâm tặc.

Chiều tối qua, sau khi kiểm tra hiện trường vụ phá rừng pơ mu tại khu vực biên giới cửa khẩu Nam Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, đây là vụ phá rừng có tổ chức, vi phạm pháp luật rõ ràng, công khai. Điều này cũng thể hiện rõ sự quản lý lỏng lẻo và những bất cập trong công tác phối hợp của các cơ quan liên quan tại khu vực biên giới.

{keywords}

Phó chủ tịch Lê Trí Thanh họp với cơ quan chức năng sau khi kiểm tra hiện trường vụ phá rừng vào chiều tối 20/7.

“Phải làm rõ trách nhiệm, xử lý đến cùng đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Luật pháp không có bất kỳ vùng cấm cho bất cứ ai vi phạm. Cho dù đó là những cán bộ có trách nhiệm” - ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh.

Theo thượng tá Nguyễn Trung, Phó Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh Quảng Nam, ngay khi nhận được tin báo, đã cử lực lượng trinh sát bám sát địa bàn và phát hiện khu vực vùng đệm biên giới Việt - Lào có nhà kho chứa khoảng 20m3 gỗ pơ-mu.

{keywords}

{keywords}

Hình ảnh hiện trường khẳng định có một đường dây phá rừng qui mô lớn

Đến trưa 19/7, điều tra viên làm việc với lực lượng biên phòng để vào khu vực kiểm tra nhưng không được sự đồng ý.

Sáng 20/7, khi đoàn công tác do Phó Chủ tịch Lê Trí Thanh dẫn đầu đến khu vực kiểm tra nhà kho được xác định là chứa gỗ khai thác trái phép thì số gỗ đã không còn. Hiện trường để lại là dấu tích của bánh xe vận chuyển số gỗ đi tẩu tán.

{keywords}

Phó chủ tịch Lê Trí Thanh (ảnh phải) trao đổi với cơ quan chức năng về việc điều tra làm rõ các đối tượng phá rừng

Lực lượng công an đã làm việc với phía Lào thì được biết nhà kho trên tuy nằm trên địa phận Lào nhưng của người Việt Nam thuê. Cả số gỗ trên cũng của người Việt. Tại một xưởng cưa gần đó cũng có rất nhiều gỗ pơ mu. Phía Lào nhận định nhiều khả năng số gỗ trên vừa được vận chuyển sang.

Ông Đỗ Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung khẳng định, có một đường dây phá rừng qui mô lớn. Trách nhiệm thuộc về Ban quản lý để rừng bị tàn phá. Nhưng theo ông Tuấn đây là khu vực do Biên phòng quản lý, thuộc khu vực bất khả xâm phạm nên lực lượng kiểm lâm muốn vào phải xin phép Bộ đội Biên phòng rất khó khăn.

Nhiều đối tượng đã bị triệu tập 

Qua kiểm đếm và thu giữ tại hiện trường cơ quan chức năng đã thu giữ hơn 900 phách gỗ thành phẩm các loại được cho là gỗ pơ mu có tổng khối lượng hơn 43m3. Tuy nhiên theo nhận định của lực lượng điều tra công an Quảng Nam, chỉ tính riêng 60 gốc pơ mu bị đốn hạ tại hiện trường, lượng gỗ phải lên đến 100m3. Đó là chưa kể hàng chục gốc cây pơ mu bị cưa gốc chưa ngã.

{keywords}

“Nếu mở rộng khu vực để kiểm tra chắc chắn số gỗ khai thác tại khu vực này sẽ lớn gấp nhiều lần. Hiện chúng tôi đang phối hợp với cơ quan chức năng mở rộng điều tra” - một cán bộ điều tra đề nghị không nêu tên cho biết.

{keywords}

Một gốc pơ mu bị rỗng ruột lâm tặc chê không khai thác

Theo nguồn tin từ cơ quan chức năng Quảng Nam, một đường dây phá rừng tại khu vực biên giới đã lộ diện. Để phục vụ cho công tác điều tra, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang đã bị đình chỉ công tác. Ngoài ra còn có 2 cán bộ lãnh đạo tại khu vực biên giới đã được cơ quan chức năng triệu tập.

Ngoài ra, hàng chục đối tượng lâm tặc được cơ quan chức năng nghi vấn cũng được triệu tập lấy lời khai ban đầu và giám sát chặt chẽ.

{keywords}

Phó Chủ tịch Lê Trí Thanh khẳng định, việc bóc gỡ và sớm đưa ra ánh sáng đường dây bảo kê và các đối tượng phá rừng tại khu vực biên giới cửa khẩu Nam Giang cần phải có thời gian.

“Chúng tôi sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương điều tra và sẽ sớm có kết quả để pháp luật xử lý. Cho dù dó là cán bộ hay dân thường nếu vi phạm”.

Vũ Trung