- Với các phạm nhân, viết thư “gửi lời xin lỗi” là để vơi nỗi lòng, để nhận được sự tha thứ, làm hành trang đi tiếp đến ngày mai.

Lời xin lỗi muộn màng


Mỗi lá thư được chính phạm nhân đọc vang trong hội trường cả trăm người ở trại giam Thủ Đức (Z30D thuộc Bộ công an) là những nỗi niềm khác nhau. Đã có những giọt nước mắt rơi xuống của chính người đọc thư – phạm nhân đang thụ án, người nhận thư và cả những người dự khán...

{keywords}
Mỗi lá thứ của phạm nhân gửi từ trại giam là lời hối lỗi.

Chứng kiến cuộc gặp gỡ của phạm nhân Trần Chinh – hiện đang chấp hành án 20 tù tội giết người và người nhà nạn nhân là bà Trần Thị Mỹ (Q.9, TP.HCM), nhiều người không khỏi xúc động. Lá thư được Chinh viết từ trại giam gửi đến gia đình bị hại được đọc trong tiếng nấc nghẹn ngào…

Là hàng xóm nhà với nhau, nhưng chỉ vì phút bốc đồng, Chinh đã tước đi mạng sống của chồng bà Mỹ, rồi sau đó là cuộc trốn chạy 15 năm. Chinh viết trong thư “Mỗi ngày trôi qua, tôi không thể quên được sự việc xảy ra hôm ấy.. có lúc tôi nghĩ tìm đến cái chết để tạ tội với chồng chị”. Từ quãng đời chạy trốn đó, Chinh lấy vợ sinh con....

Sau này, dù đã bồi thường và được gia đình bà Mỹ làm đơn bãi nại, nhưng đến khi bị bắt, bị tuyên án, Chinh mới ngớ người ra rằng “tôi nghĩ chị làm giấy bãi nại cho tôi là mọi việc đã xong rồi”..
{keywords}
Phạm nhân Trần Chinh với bà Nguyễn Thị Mỹ, người phụ nữ có chồng bị Chinh tước đi mạng sống.

Trong thư Chinh tự trách mình “17 năm trước tôi là thằng thanh niên mới lớn “rất bốc đồng và bộc phát””. Đọc đến đoạn cuối lá thư, giọng Chinh nghẹn ngào “Tôi không nói gì hơn là gửi lời xin lỗi đến chị và các cháu cũng như linh hồn anh ở nơi chín suối”.

Bà Mỹ đã khóc khi nghe lại chuyện của gần 20 năm trước, dù đã cố vùi sâu. Phát biểu tại hội trường, trước kẻ từng ra tay giết chồng mình, bà Mỹ nói: "Thôi thì quá khứ khép lại, chị sẽ tha thứ hết để em thanh thản làm lại cuộc đời”.

Hôm ấy bà Mỹ và Chinh ôm nhau nghẹn lời. Nước mắt 2 người cùng rơi...

Xin lỗi để bước tiếp đến tương lai

Trong lá thư gửi mẹ, phạm nhân Nguyễn Thị Hồng Loan cho biết hoàn cảnh của mình: khi đang là nữ sinh lớp 10, Loan học đòi theo chúng bạn ăn chơi rồi cùng anh ruột gây ra vụ án giết người xôn xao dư luận. Kết quả Loan trả giá cuộc đời bằng mức án 5 năm tù. 

Trong thư, Loan viết cho mẹ “Mỗi lần mẹ lên thăm con, nhìn khuôn mặt mẹ tiều tuỵ những nét nhăn đã nhiều hơn. Lòng con cảm thấy ăn hận và tự trách bản thân mình...Con xin mẹ hãy tha thứ cho con”.
{keywords}
Có 8.000 phạm nhân đang học tập, cải tạo tại trại giam Thủ Đức – trại giam lớn nhất nước

“Thời gian này sẽ là khoảng thời gian để con học tập và rèn luyện bản thân, cũng là một bài học cho con làm hành trang trên con đường bước đến tương lai phía trước” – những dòng tâm sự của Loan khiến mẹ phạm nhân này cảm động, nước mắt lưng tròng. Một số ít phạm nhân chọn viết gửi thư cho chính cán bộ trại giam, những người đã giúp họ làm lại cuộc đời.

Phạm nhân Trần Hoàng Sơn – thụ án 20 năm tù về tội “mua bán trái phép chất ma tuý” từng được con là phạm nhân “bất kham” nhất ở trại giam Tân Lập, tỉnh Phú Thọ. Dường như tuyệt vọng, chán chường Sơn liên tiếp vi phạm kỷ luật. Để rồi, Sơn bị “đày” vào tận trại giam Thủ Đức trong miền Nam này.

Nhưng nay Sơn đã khác. Sơn giải bày, có lần “ban Tư” (tức thượng tá Trần Quang Tư – phó giám thị trại giam Thủ Đức phụ trách phân trại số 4) vỗ vai tâm sự “Hãy cố gắng lên em. Hãy sống đúng như tuổi 47 của mình”. Lúc này Sơn suy nghĩ rằng “ban Tư” không đối đãi với mình như cán bộ - phạm nhân, mà là người anh em, người thầy.

Lúc này Sơn còn nhận được lá thư của cô con gái với lời nhắn nhủ “con mong bố trở về từng ngày, con sẽ kể cho bố những thành tích học tập của con...”.

Trong thư Sơn nhớ về tâm tư giai đoạn đó “không lẽ mình cứ thế này mãi, không có chỗ nào là nơi để mình dung thân”. Đây là sự thay đổi bước ngoặt, đưa Sơn trở thành con người khác.

Đoạn cuối thư, Sơn viết những lời chân thành gửi đến ban giám thị: “Xin nhận ở tôi lời biết ơn sâu sắc, xin chấp nhận lời hối lỗi sâu sắc từ sâu thẳm trái tim tôi để rồi những ngày còn lại, cho tôi cảm nhận được cuộc đời mình có nhiều ý nghĩa hơn”.

Ngồi trước mặt người mẹ Sơn và hàng trăm người khác, giám thị trại giam Thủ Đức, đại tá Trần Hữu Thông hứa sẽ làm hết khả năng để giúp Sơn chuyển về trại ở miền Bắc thi hành nốt khoảng án phạt còn lại.

Trong mỗi lá thư, mỗi dòng tâm sự ăn năn, hối hận từ đáy lòng của mỗi phạm nhân. Với họ đó là niềm tin hướng thiện, để bước tiếp cuộc đời còn lại.

Theo đại tá Trần Hữu Thông - giám thị trại giam Thủ Đức, đây là lần đầu tiên trại giam lớn nhất nước tổ chức cho phạm nhân viết thư với chủ đề “gửi lời xin lỗi”. Qua đó có 7.052 lá thư của phạm nhân, chiếm 89,2% trên tổng số phạm nhân đang thi hành án toàn trại.

Xem clip:

Đàm Đệ