- Hơn 40 năm sau chiến tranh, vùng đất lửa Quảng Trị vẫn chưa bình yên bởi những vật liệu nổ còn sót lại.

Bộ Công an thông tin ban đầu về vụ nổ Văn Phú

Mỗi năm, trên địa bàn Quảng Trị vẫn xảy ra rất nhiều vụ tai nạn từ bom mìn do sự chủ quan của người dân. Vẫn có những người đang mưu sinh bằng cách “chơi” với tử thần mà không lường trước hậu quả.

Thâm niên 'chơi' với tử thần

Giữa lòng thị trấn Ái Tử (TX Quảng Trị), hỏi đến nhà ông Quang - bà Bé chuyên buôn bán phế liệu dường như ai cũng biết.

Đại lý thu gom phế liệu của ông bà nổi tiếng là điểm buôn bán những hiện vật cũ từ chiến tranh như bom, mìn, đạn, pháo… Trong đó, có những “thương vụ” khi nhắc lại, chủ đại lý cũng phải “nổi da gà”.

 {keywords}

Vỏ của một quả bom đại nằm gọn trong kho phế liệu của ông Quang

Bà Bé (47 tuổi) cho biết: Trước khi trở thành bà chủ của đại lý thu mua phế liệu lớn nhất nhì thị trấn Ái Tử, bà từng là dân trong nghề khi gần chục năm rong ruổi khắp các địa phương để thu mua phế liệu. Ban đầu, các hiện vật chiến tranh như bom, mìn, đạn pháo… luôn là tâm điểm lùng sục của giới con buôn.

“Có những lúc chúng tôi phát hiện cả mấy chục quả đạn lộ thiên nằm rải rác quanh khu vực kho đạn cũ phía Tây tỉnh Quảng Trị. Chúng tôi lao vào giành giật nhau từng quả đạn, kê lên đá để đập lấy phần nhôm về bán phế liệu. Khi về nhập cho đại lý, họ bảo đạn còn nguyên thuốc, kíp và chưa phát nổ, khi đó mặt mấy chị em đi buôn từ vui mừng bỗng tím tái” - bà Bé nhớ lại.

{keywords}

Ẩn dưới những bao phế liệu trong nhà kho của đại lý giữa lòng thị trấn là vô số vỏ bom, đạn còn sót lại từ thời chiến tranh

Cũng như vợ, trước khi trở thành đại lý phế liệu, ông Quang từng có nhiều năm “chinh chiến” trong nghề rà phá bom mìn.

Theo ông, nói “rà phá bom mìn” cho oai chứ thực ra là đi dò kim loại, chủ yếu là các hiện vật chiến tranh còn sót lại để bán sắt vụn.

“Nghề đi buôn phế liệu, đặc biệt là từ vũ khí còn sót lại thời chiến tranh giống như đang chơi với tử thần, không phải ai cũng dám làm. Tuy nhiên, vì miếng cơm manh áo, nhiều người phải chấp nhận.

Một số người thu gom được vật liệu chiến tranh như đạn pháo, bom, mìn… đưa đến bán cho tôi. Nhiều người còn mang đến cả những quả đạn còn nguyên thuốc, kíp nổ mà không hề hay biết. Bằng kinh nghiệm trong nghề, tôi phải phân loại rồi báo cơ quan chức năng chứ cũng không dám đụng vào” - ông cho biết.

Nửa tháng nằm viện vì mua nhầm đạn pháo

“Người ta nói sinh nghề tử nghiệp không sai. Số vợ tôi vẫn còn may mắn, suýt chết vì đạn pháo trong một lần đi thu gom phế liệu” - ông Quang nhớ lại, giọng còn run sợ.

{keywords}

Bà Bé (áo đỏ) cho biết nhiều lần gia đình bà hoảng hồn vì một số người đưa “thần chết” đến bán cho đại lý của bà

Hôm ấy, bà Bé về vùng Cửa Việt (huyện Vĩnh Linh) để mua phế liệu. Người dân ở đây nói các bao phế liệu chủ yếu là sắt, thép, vật dụng cũ của tàu đánh cá nên vợ chồng ông Quang không kiểm tra kỹ…

“Khi vợ tôi vừa chuyển bao phế liệu từ trên xe xuống đất thì bất ngờ một quả đạn pháo lẫn trong bao phế liệu phát nổ làm mọi người hoảng loạn” - ông Quang nhớ lại.

Do sức ép của quả đạn pháo, bà Bé bị bỏng phần da vùng đùi, phải vào bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu, chữa trị hơn nửa tháng.

Gần 20 năm trôi qua, gia đình ông Quang đã nhiều lần phải hốt hoảng vì con buôn đem “thần chết” đến “gõ cửa” nhà mình.

Đầu tháng 3 này, kiểm tra đống phế liệu của một phụ nữ trong vùng mang đến, vợ chồng ông Quang hốt hoảng phát hiện một quả đạn pháo còn nguyên đầu đạn, chưa nổ. Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, chủ đại lý vừa yêu cầu mọi người tránh xa để bảo đảm an toàn, vừa gọi điện thông báo cơ quan chức năng đến thu gom, xử lý.

Theo Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, từ sau 1975, Quảng Trị có hơn 2.600 người chết và 4.250 người bị thương do bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh.

Một cán bộ thuộc Trung tâm rà phá bom mìn (tổ Dự án phục hồi môi trường và khắc phục hậu quả chiến tranh) cho biết nguyên nhân của các vụ tai nạn do bom, mìn, ngoài sự hiểu biết hạn chế, còn là sự thiếu ý thức, chủ quan của người dân khi tiếp cận với các vật liệu nổ.

Bài, ảnh: Quang Thành