- Phó Ban Nội chính TƯ Nguyễn Doãn Khánh chỉ ra: Pháp luật hình sự VN hiện chỉ quy định "của hối lộ" là tiền hoặc các lợi ích vật chất. Trong khi với thế giới, "của hối lộ" có thể là bất kỳ loại lợi ích hữu hình hoặc vô hình nào.

Ban Nội chính TƯ hôm nay tổ chức hội thảo tham vấn hoàn thiện các quy định về hối lộ trong sửa đổi bộ luật Hình sự 1999. Phó Ban Nguyễn Doãn Khánh trao đổi với báo chí bên lề:

- Với việc sửa bộ luật Hình sự lần này, theo ông đâu có thể là những đột phá để trong đối phó với tội hối lộ để có thể chống tham nhũng hiệu quả hơn?

Một là mở rộng chủ thể. Trong vụ việc liên quan đến đường sắt vừa rồi, đối tượng nhận hối lộ là trong nước nhưng đưa hối lộ là ở nước ngoài.

Hợp tác công tư cũng đang mở rộng ngày càng lớn, thậm chí xuyên quốc gia, lĩnh vực tư đang ngày càng liên kết chặt chẽ và tác động mạnh mẽ đến kinh tế nhà nước, nếu không chống tham nhũng ở lĩnh vực tư sẽ tạo khoảng trống.

{keywords}
Ông Nguyễn Doãn Khánh: Kể cả các dịch vụ tình dục cũng được xem như một loại lợi ích phi vật chất đưa ra để hối lộ cho quan chức

Hai là trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, tuy là vấn đề mới nhưng rất được quan tâm. Hiện ta cá thể hóa trách nhiệm đối với cá nhân mà trong nhiều trường hợp lọt tội phạm về trách nhiệm.

Ví dụ ở các doanh nghiệp, giám đốc có thể là người trong doanh nghiệp hoặc được thuê. Khi họ đem tiền đi hối lộ để đem lại lợi ích cho doanh nghiệp mà chỉ xử lý trách nhiệm của người trực tiếp thực hiện hành vi, còn những người hậu thuẫn và có quyết định tập thể hẳn hoi lại không xác định trách nhiệm, sẽ để lọt.

Ba là mở rộng khái niệm "của hối lộ". Ta hiện chỉ cấu thành vật chất đối với nhóm tội tham nhũng nên bắt buộc phải có hành vi và hậu quả là thiệt hại về vật chất. Nhưng trên thực tế có nhiều lợi ích khác không thua kém vật chất.

Đó là những lợi ích về tinh thần như chạy thành tích, khen thưởng, danh hiệu, thậm chí các lợi ích khác nhạy cảm khác.

- Trong một xã hội trọng tình nghĩa như VN, việc luật hóa những lợi ích tinh thần đó có thể gặp khó khăn không?

Luật pháp quốc tế rất rạch ròi giữa quà biếu và hối lộ, cả về mặt giá trị và hình thức. Nhưng VN thì chưa rạch ròi. Nếu trọng tình cảm thì tài sản chỉ có ý nghĩa tượng trưng. Nhưng khi giá trị của tài sản được đưa cho những người có nghĩa vụ quyền hạn không còn nằm trong giới hạn khuôn khổ thể hiện tình cảm thì sẽ chuyển hóa thành tài sản hối lộ. Cần luật hóa những điều này để có cơ sở xử lý.

Có một khía cạnh rất mới mà các chuyên gia nêu lên là kể cả các dịch vụ tình dục cũng được xem như một loại lợi ích phi vật chất đưa ra để hối lộ cho quan chức. Tình trạng này chắc chắn là có ở VN, đã có nhiều truyện ngắn phản ánh thực trạng này.

Miễn tội người đưa hối lộ sẽ bỏ lọt tội phạm

- Có ý kiến đề xuất miễn trách nhiệm hình sự đối với người đưa hối lộ để khuyến khích tố cáo tham nhũng, ông có ý kiến thế nào?

Hối lộ có cả hai mặt, cung và cầu, không có người đưa hối lộ thì cũng không có người nhận hối lộ. Hai tội này về mặt tính chất mức độ nguy hiểm, tác hại đối với sự lành mạnh của hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước, đội ngũ công chức cũng như để đảm bảo những vấn đề lớn liên quan đến an ninh quốc gia, là như nhau. Những hành vi đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì phải quy định trong luật.

{keywords}
Hội thảo tham vấn hoàn thiện các quy định về hối lộ trong sửa đổi bộ luật Hình sự 1999 do Ban Nội chính TƯ và UNDP VN tổ chức

Để khuyết khích việc tố cáo tham nhũng thì ta cá thể hóa chính sách về xử lý đối với loại tội này. Những trường hợp đưa hối lộ bình thường mà miễn trách nhiệm hình sự thì sẽ bỏ lọt tội phạm. Còn những người đưa hối lộ sau này lập công, chủ động trình báo, khai báo thì sẽ có chính sách mà cao nhất là miễn trách nhiệm hình sự.

- Quan điểm của ông thế nào về việc nộp tiền thay thế hình phạt tù như một biện pháp để thu hồi tài sản tham nhũng?

Sự hạn chế trong thu hồi tài sản tham nhũng chắc chắn phải đặt ra khi sửa bộ luật Hình sự, nhất là khi mở rộng đến trách nhiệm pháp nhân. Trước đây ta thường coi hình phạt về kinh tế là hình phạt bổ sung, nhưng đối với tội phạm tham nhũng, ngoài hình phạt tù thì kinh tế là một hình phạt quan trọng để khắc phục thiệt hại.

Hiện ta quy định tù có thời hạn chỉ 30 năm trong khi thế giới có thể là mấy trăm năm, với căn cứ quy đổi từ phạt tù sang phạt tiền. Mức phạt tù càng cao, giá trị về tiền người phạm tội phải nộp lại cho ngân sách càng lớn, cả về nghĩa thu hồi và nghĩa hình phạt.

Áp dụng biện pháp này, nếu ta mở rộng chủ thể, chủ yếu sẽ là tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực tư, các pháp nhân là doanh nghiệp, hoạt động thuần túy về kinh tế mà không tác động nhiều đến hoạt động lành mạnh của các cơ quan hành chính và đội ngũ cán bộ.

Chung Hoàng