Chúng tôi có mặt ở cả 2 đầu cầu Ghềnh vào những giờ phút cuối cùng trước khi thông xe. Trên công trường, nhiều công nhân đang cố gắng hoàn thành các công đoạn còn lại. Ở phía đầu cầu mé phường Bửu Hòa, có ít nhất 3 cần cẩu đang tập trung để gác nhịp cuối cùng, hoàn thành cầu mới sau 3 tháng thi công...

Một thế kỷ, một cây cầu

Cầu Ghềnh trước đây là cầu dành cho đường sắt bắt ngang qua sông Đồng Nai, nối 2 bờ phường Bửu Hòa và xã Hiệp Hòa (TP. Biên Hòa, Đồng Nai) tại lý trình 1699+680 của tuyến đường sắt Bắc - Nam. Cầu do người Pháp xây dựng vào năm 1901 và hoàn thành 3 năm sau đó.

{keywords}
Cầu Ghềnh trước khi sập
{keywords}
Tại thời điểm bị sà làn đâm sập

Bước đầu, cầu Ghềnh ngoài nhiệm vụ nối tuyến đường sắt thông suốt còn giúp cho xe cộ qua lại thông thương. Cầu có hai làn nhỏ hai bên dành cho xe 2 bánh và xe 4 bánh, cơ giới đi chung với đường sắt giữa cầu.

Trong ký ức của người dân Cù lao Phố, sự hiện diện của cầu Ghềnh đã giúp cho giao thông, giao thương của người dân giữa Sài Gòn và Biên Hòa dễ dàng hơn. Hình ảnh cầu Ghềnh trong hơn 100 năm qua đã in sâu vào tâm khảm người dân Biên Hòa.

Sau 1975, Biên Hòa phát triển và gia tăng dân số. Bên cạnh đó, mật độ giao thông qua cầu ngày càng đông đúc, cầu Ghềnh trở nên chật chội vì phải dùng chung giữa đường sắt và đường bộ. Mỗi ngày có hàng ngàn lượt xe cộ qua lại cầu Ghềnh khiến cho cây cầu càng trở nên quá tải và nhiều hiểm nguy rình rập.

Ông Mai Phúc, (67 tuổi) một người dân sống gần cầu phía phường Bửu Hòa kể lại : "Xe quá đông nên 2 làn xe máy ở 2 bên cầu không đủ sức chứa khiến nhiều người phải liều mình đi vào giữa cầu một cách vô trật tự. Trong khi đó, mỗi khi lượng xe hơi lên cầu dồn dập đã gây ra tình trạng nghẽn cục bộ. Nói chung, đã đến lúc cầu Ghềnh không thể gánh thêm nhiệm vụ cho đường bộ nữa. Vậy mà, cả chính quyền TP. Biên Hòa lẫn ngành đường sắt chưa tìm ra được một giải pháp nào tối ưu. Mãi cho đến ngày 6/2/2011 một tai nạn giữa tàu hỏa và xe hơi xảy ra ngay trên cầu làm nhiều người thương vong" ...

Đúng như lời ông Phúc kể lại, đêm hôm ấy, đoàn tàu Thống Nhất mang số hiệu SE2 chạy hướng Sài Gòn - Hà Nội khi qua cầu đã đâm phải sáu xe hơi làm 2 người chết và 22 người bị thương. Một đầu máy xe lửa và 6 xe hơi bị hư hỏng nặng.

Tai nạn xảy ra ngay trên cầu Ghềnh đã khiến cho các giới chức có thẩm quyền nhìn lại vấn đề. Từ đó, các phương tiện giao thông đường bộ không còn được phép lưu thông chung với đường sắt trên cầu Ghềnh. Phương án xây dựng một cầu đường bộ nằm cách cầu Ghềnh khoảng 900m về phía hạ nguồn đã được đại diện Cục Đường sắt VN, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai thống nhất lựa chọn và được triển khai vào năm 2012.

{keywords}

Cầu Đồng Nai Lớn - cầu Ghềnh mới. Ảnh: Đinh Tuấn 

Tai nạn này như một lời cảnh báo. Ngày 20/3/2016, một chiếc sà lan lưu thông trên sông Đồng Nai đã va vào trụ cầu, chấm dứt sự có mặt của cây cầu trong hơn 1 thế kỷ tồn tại.

Vẫn còn những nỗi lo...cầu trăm tuổi 

Với kinh phí gần 300 tỉ đồng, đơn vị thi công là TCT Cienco 1 ròng rã và miệt mài làm việc trong suốt 3 tháng để đến hôm nay, cầu Ghềnh mới đã thông tàu.

Cầu Ghềnh mới khác với cầu cũ, chỉ còn 3 nhịp, mỗi nhịp dài 75 m, cao 13 m, được làm từ 260 tấn thép nhập khẩu từ nước ngoài. 3 nhịp dầm cầu này với những thanh đường ray được 3 đơn vị thi công lắp ráp cùng lúc. Cầu sẽ được đặt tên lại là cầu Đồng Nai Lớn. Tuy nhiên, cầu Ghềnh, hay cầu Gành vẫn luôn là một cái tên quen thuộc với người dân nơi đây.

Như vậy, sau 3 tháng gián đoạn, phải trung chuyển hành khách và hàng hóa từ ga Dĩ An đến ga Biên Hòa bằng đường bộ, cầu Đồng Nai Lớn đã tái lập giao thông trên tuyến đường sắt Bắc - Nam. Đó cũng là một niềm vui của nhiều người. Thế nhưng, trong một lần trò chuyện với một cán bộ ngành đường sắt - yêu cầu không nêu tên - vị này đã trăn trở rất nhiều về những bất cập của ngành.

Theo vị cán bộ này, trong khi ngành hàng không có phương án chuyển sân bay về Long Thành, các bến xe Miền Đông, Miền Tây ra ngoại thành thì ga Sài Gòn vẫn cứ tồn tại tại Hòa Hưng. Đoạn đường sắt xuyên qua TP.HCM không phải ngắn, qua nhiều cây cầu tuổi thọ có thể còn cao hơn cầu Ghềnh và những chắn dân sinh đầy bất trắc.

{keywords}

Cầu Bình Lợi (TPHCM) do độ tĩnh không thông thuyền thấp, nên xảy ra nhiều vụ sà lan đội cầu 

Đã xảy ra hàng chục vụ xà lan, tàu thuyền đội cầu Bình Lợi trong nhiều năm qua. Đã có hàng trăm tai nạn đường sắt ngang qua các khu dân cư đông đúc. Sự cố sập cầu Ghềnh sẽ không là duy nhất và những thảm họa về đường sắt là những điều mà những nhà hoạch định phải nhìn thấy được...

Chỉ mong, ga Sài Gòn sẽ được chuyển ra ngoại thành, có thể là ga Sóng Thần hay Dĩ An để những chắn ngang qua các con đường trong thành phố khỏi kẹt xe mỗi lần tàu đi qua. Để hành khách khỏi phập phòng lo sợ mỗi khi tàu vượt qua những cây cầu thế kỷ. Và cuối cùng, để cho những chuyến tàu được an toàn đi và đến các sân ga...

Trần Chánh Nghĩa