Đó là giải đáp của Đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ trong chuyên mục Góc nhìn thẳng.


Nhà báo Ngân Phương: Xin kính chào quý vị khán giả của chuyên mục góc nhìn thẳng. Hà Nội vừa xảy ra một vụ hỏa hoạn lớn tại chung cư cao tầng HH4 Linh Đàm, vụ hỏa hoạn tuy chưa xảy ra thiệt hại về người nhưng đã đặt ra một vấn đề lớn. Các tòa nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều nhưng các thiết bị phòng cháy chữa cháy lại chỉ can thiệp được đến tầng 18 của các tòa nhà. Chuyên mục góc nhìn thẳng có cuộc trao đổi với đại tá Đoàn Hữu Thắng – Phó cục trưởng Cục cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ.

Xin cảm ơn ông đã tham dự chương trình với chúng tôi. Thưa ông, hiện nay các thiết bị PCCC chỉ can thiệp được đến tầng 18 của các tòa nhà cao tầng, vậy tại sao các tòa nhà cao tầng đến 30 tầng, thậm chí 70 tầng vẫn được xây dựng ngày càng nhiều?

Đại tá Đoàn Hữu Thắng: Thứ nhất, ở Việt Nam chúng ta có xe thang cao nhất là 72m được trang bị ở TP. HCM mấy chục năm nay rồi. Đến bây giờ chiếc thang đó bị sự cố cho nên không đưa vào sử dụng nữa, chúng tôi đang sửa chữa. Còn lại là trang bị cho các địa phương, được khoảng hơn một nửa các địa phương có xe thang vươn tới được cao nhất là 56m. Đối với các tòa nhà trên tầm với của xe thang như vậy thì theo quy định của luật pháp, tự công trình phải thiết kế hệ thống PCCC thoát nạn để đảm bảo khi có sự cố cháy xảy ra thì có thể sử dụng các hệ thống tự dập tắt được.

Thứ hai nữa, con người sinh sống ở các tòa nhà cao như thế, khi vào cầu thang thoát nạn là đủ điều kiện để thoát nạn xuống dưới đất an toàn. Hiện nay ở Việt Nam, các tòa nhà cao tầng, các chủ đầu tư rồi trách nhiệm của cơ quan quản lý cũng phải phê duyệt và kiểm tra rất kỹ đối với công trình đó.

Nếu xảy ra hỏa hoạn mà thiệt hại nặng về người và tài sản, nhất là đối với những hộ dân sống ở trên tầng 18 thì trách nhiệm của cơ quan quản lý cũng như trách nhiệm của chủ đầu tư cụ thể là như thế nào?

Đại tá Đoàn Hữu Thắng: Nói về khâu trách nhiệm, ở đây chúng ta phải nói đến trách nhiệm đầu tiên là của chủ đầu tư. Bởi luật PCCC quy định rất rõ về trách nhiệm của chủ đầu tư đối với việc từ khi lập hồ sơ thiết kế cho đến quá trình thi công, kiểm tra, nghiệm thu, khi nào đủ các điều kiện mới được phép cho người vào hoặc cho công trình ấy đi vào sử dụng. Rồi cũng phải đủ điều kiện thì các bên liên quan như bên xây dựng mới cấp phép xây dựng. Rồi cơ quan quản lý nhà nước về PCCC theo trách nhiệm được chính phủ giao là cơ quan cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ thì phải có trách nhiệm thẩm duyệt thiết kế kỹ thuật đối với hệ thống PCCC của công trình đó.

Từ những vụ hỏa hoạn đã xảy ra, ông có kiến nghị gì đối với công tác cấp phép xây dựng các tòa nhà cao tầng và có lời khuyên gì cho những người dân sống ở trong tòa nhà cao tầng như vậy không?

Đại tá Đoàn Hữu Thắng: Tôi nghĩ là có mấy vấn đề như thế này.Vấn đề thứ nhât là trách nhiệm của chủ đầu tư như ở phần trên tôi đã nói. Thứ nhất là phải tuân thủ theo quy định của pháp luật và chỉ được phép xây dựng khi đã được cấp phép. Chúng ta vẫn còn rất nhiều những nhà xây không phép hoặc những nhà xây vượt phép. Cái thứ hai nữa là nhiều hạng mục đã được phê duyệt nhưng không thực hiện hoặc chất lượng của công trình cũng chưa thật là đảm bảo. Hơn nữa khi đưa công trình vào xây dựng rồi thì trách nhiệm của cơ sở ấy là phải làm sao duy trì được hoạt động một cách thường xuyên với chất lượng tốt. Cũng phải nêu cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý như là bên xây dựng, bên cơ quan PCCC có sự phối hợp chặt chẽ với nhau để làm sao khi cấp phép xây dựng các công trình này thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, của luật xây dựng, của luật PCCC, của các tiêu chuẩn và quy chuẩn đã được áp dụng vào với công trình.

Đối với người dân sinh sống ở trong tòa nhà thì tôi xin có một vài những khuyến cáo như thế này:

Cái thứ nhất là phải nghiên cứu, mình sống ở các công trình hiện đại, các công trình cao tầng thì mình phải hiểu biết về nó, phải nắm được toàn bộ cái hệ thống PCCC và thoát nạn. Cái thứ hai nữa là phải có trách nhiệm bảo vệ cái công trình đấy khi có sự cố xảy ra, thông thường nguy hiểm nhất là khói thì mình phải hết sức bình tĩnh thoát nạn theo đúng với hướng dẫn của cơ quan cảnh sát PCCC cũng như là của cơ quan quản lý công trình.

Xin cảm ơn ông đã tham dự chương trình với chúng tôi. Cảm ơn quý vị khán giả đã theo dõi, hẹn gặp lại quý vị trong chuyên mục Góc nhìn thẳng số tiếp theo.

Báo VietNamNet