- Ngày 25/12, ông Đinh La Thăng Bí thư Thành ủy TP.HCM cùng đoàn công tác của Thành ủy đã có buổi làm việc tại huyện Cần Giờ về tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, trên địa bàn có 2,7 ngàn hộ nuôi trồng thủy sản trong đó chủ yếu là nuôi tôm.

{keywords}

Ông Đinh La Thăng khảo sát mô hình nuôi tôm, yến của ông Trần Minh Hòa một điển hình nông dân sản xuất giỏi tại xã Lý Nhơn

Cũng theo ông Dũng, do điều kiện thổ nhưỡng nhiễm phèn, mặn nên diện tích trồng lúa chủ yếu là luân canh tôm – lúa, mùa mưa trồng lúa còn mùa nắng nuôi tôm. Vì vậy nên năng xuất, thu nhập thấp. Còn nghề nuôi chim yến trên địa bàn hiện nay chưa được quy hoạch vùng nuôi nên khó quản lý. Chăn nuôi nhỏ lẻ, chủ yếu là quy mô hộ gia đình.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở công thương cho biết, hằng năm sản lượng muối huyện Cần Giờ sản xuất được khoảng 94.000 tấn nhưng chỉ tiêu thụ được khoảng 45.000 tấn.

Nghe đến đây ông Thăng đặt câu hỏi cho Sở Công thương: “Những tỉnh sản xuất nhiều thì tại sao người ta bán được còn TP.HCM lại không bán được?”. Đại diện Sở Công thương cho biết nguyên nhân do muối Cần Giờ không đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu, chỉ tiêu thụ trên địa bàn TP.

Sau đó ông Thăng nhận định: “giá thành của muối gấp đôi giá bán thì người dân không thể nào thoát nghèo nếu làm nghề này”.

Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng đặt bài toán cho các sở, ngành: “Yến dễ nuôi, rủi ro thấp, lợi nhuận cao. Cho vay 300-400 triệu để mỗi hộ có một nhà nuôi yến được không?”.

Khi được hỏi, ông Trần Minh Hòa một điển hình nông dân sản xuất giỏi tại xã Lý Nhơn có thu nhập 2-3 tỉ đồng mỗi năm từ nuôi tôm, nuôi yến cho rằng “Hỗ trợ nhà yến cho các hộ nông dân như vậy thì quá ngon”.

Ông Hòa nói thêm hiện giá yến từ 19-20 triệu đồng/kg, một tháng tổng chi phí điện, nước chỉ 500-600.000 đồng/nhà mà đầu ra của yến thì không phải lo vì có bao nhiêu bán bấy nhiêu, thậm chí không đủ để bán.

Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM cho rằng việc chuyển đổi sản xuất là bắt buộc vì làm muối không hiệu quả.

“Thà dùng tiền hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo hơn là hỗ trợ qua việc mua muối mà người dân không có thu nhập” – lời bí thư Thăng.

Ông yêu cầu các sở, ngành phải tập trung mọi nguồn lực để lo cho Cần Giờ, không thể để một thành phố lớn mà lại có một huyện người dân quá khó khăn.

“Nhà nước phải lo thị trường, con giống, xây dựng thương hiệu, cấp điện, nước...Sở Công thương không lo được thị trường cho người làm muối, sự quan tâm của các sở, ngành như vậy là chưa được. Phải bỏ tư duy ngồi ở sở chờ người dân, phải xuống hỏi xem người dân cần gì”, ông Thăng chỉ đạo và cho rằng việc trước mắt cần làm ngay là xây dựng thương hiệu sản phẩm, làm sao để sản phẩm đặc trưng của Cần Giờ như cá dứa lên sạp của Saigon Co.op. Có như vậy thì người nông dân Cần Giờ mới giàu lên được.

Mặt khác, phải có đề án ngay để hỗ trợ người nông dân nuôi yến, hình thành các vùng sản xuất tập trung nuôi tôm, nuôi yến thì mới thu hút được doanh nghiệp tham gia.

Việt Đông