- Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam, phân tích vai trò của những ý kiến khác biệt trong việc các nước ASEAN cùng nhau giải quyết các vấn đề.

Trao đổi với báo chí hôm nay, Thứ trưởng Lê Hoài Trung chia sẻ quan điểm về một trong những thách thức lớn của ASEAN là duy trì đoàn kết và thống nhất trong việc giải quyết các vấn đề, trong đó đau đầu nhất là các tranh chấp trên Biển Đông.

Thời gian vừa qua, không thể lờ đi thực tế là một số nước không trực tiếp liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông, trước là Campuchia và gần đây là Lào, có những phát ngôn và suy nghĩ khác với suy nghĩ chung của ASEAN từ trước đến nay.

 

{keywords}
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam. Ảnh: Việt Anh

Ông Lê Hoài Trung nhấn mạnh trước hết phải khẳng định những nhận thức chung của ASEAN về Biển Đông, về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh và hợp tác ở Biển Đông, mối liên hệ của nó với hòa bình, an ninh và hợp tác ở Đông Nam Á, về các biện pháp thúc đẩy hợp tác, và cùng với đó là các biện pháp giải quyết hòa bình tranh chấp.

"Đó là điều rất quan trọng, rằng ASEAN cùng đánh giá đây là việc chung và nhất trí về một số nguyên tắc. Thử hình dung có những tranh chấp giữa các quốc gia trong khu vực mà tổ chức khu vực lại không quan tâm thì chuyện sẽ khác", Thứ trưởng Ngoại giao nói.

Theo ông, vai trò của ASEAN thể hiện ở nhiều cơ chế và biện pháp cụ thể, như là diễn đàn để cùng trao đổi tìm biện pháp, các cơ chế hợp tác giữa quân đội, cảnh sát, lực lượng thực thi pháp luật, Tuyên bố chung về cách ứng xử (DOC) và tới đây là Bộ quy tắc ứng xử (COC). Đó là những việc ASEAN đã làm được mà ta phải ghi nhận.

"Đúng là có những ý kiến khác biệt nhất định trong những thông tin đưa ra bên ngoài. Nhưng chúng ta và ASEAN đều mong muốn các nước nhìn nhận việc giải quyết hòa bình các tranh chấp này là vì lợi ích chung và thực hiện theo những gì mà ASEAN đã nhất trí với nhau", ông Lê Hoài Trung phân tích.

"Chính vì còn có những khác biệt như vậy trong và ngoài ASEAN, chúng ta càng cần có cơ chế ASEAN, bên cạnh các cơ chế song phương, để cùng nhau trao đổi. Như một bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã nói, rằng ở một khía cạnh nào đó, nguyên tắc đồng thuận mà các nước ASEAN đã nhất trí, có những ý nghĩa quan trọng. Nó nhằm nâng các nước dần có cùng nhận thức chung và đánh giá chung về tình hình".

Theo ông, các nước phải xác định lợi ích của mình khi đứng ngoài ASEAN và khi đứng trong ASEAN. Ông dẫn lời một bộ trưởng Ngoại giao ASEAN trong cuộc họp vừa qua đã nói rằng "những gì làm không đúng đều phải trả giá".

Thứ trưởng Ngoại giao cũng chỉ ra ASEAN là một tổ chức liên chính phủ, tham gia tự nguyện của các quốc gia thành viên. Các nước Đông Nam Á tham gia ASEAN trước hết vì lợi ích của mình, và lợi ích chung cơ bản phù hợp với lợi ích riêng. Họ cũng có các nghĩa vụ của mình. Đã ngồi cùng nhau là có lợi ích, cũng có trách nhiệm.

"Cuối cùng, các nước phải xác định được lợi ích của mình. Còn ASEAN, trong các văn kiện, đã xác định lợi ích chung là giữ gìn hòa bình, an ninh và hợp tác ở Biển Đông, vì điều này liên quan đến cả khu vực, từng quốc gia", ông Lê Hoài Trung nói.

Nhắc lại lịch sử những năm 1960 - 1970, Đông Nam Á đã từng có xung đột, đối đầu giữa các nước, có ảnh hưởng rất lớn, Thứ trưởng cho rằng giờ đây ASEAN đang  có cơ hội rất lớn, trong đó có việc xây dựng Cộng đồng, để ngăn xung đột, đối đầu và căng thẳng. Đó là các lợi ích chung, các nước có nghĩa vụ đóng góp vào lập trường chung đó.

Các đối tác của ASEAN cũng nhất trí về lợi ích lâu dài khi ASEAN đoàn kết, vững mạnh. Một ASEAN chia rẽ, không ổn định, sẽ làm suy yếu, ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực.

"Nếu ASEAN chia rẽ, trong tình hình phức tạp hiện nay, các quốc gia thành viên sẽ phải lựa chọn các đối tác khác. Sức mạnh đoàn kết của ASEAN giúp tăng vị thế của từng nước, độc lập và có tiếng nói tự quyết, giảm bớt sự lệ thuộc vào bên ngoài. Khi các nước phải tìm sự hỗ trợ khác, nước này đi với đối tác này, nước kia đi với đối tác khác, vì không dựa được vào ASEAN, thì chính các nước ASEAN sẽ căng thẳng, đối đầu với nhau", ông Lê Hoài Trung nhấn mạnh.

Chung Hoàng (ghi)