- Việt Nam và LB Nga có thể tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh biển, hải quân và cảnh sát biển hai nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực mà Nga có thế mạnh như đóng tàu, sản xuất trang bị.

Từ năm 2001, khi quan hệ Việt - Nga được nâng tầm thành “quan hệ đối tác chiến lược” và “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” (2006) đến nay, quan hệ quốc phòng hai nước thực sự bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ.

Trong quan hệ quốc phòng song phương, bên cạnh việc đẩy mạnh trao đổi các đoàn thăm viếng lẫn nhau (bao gồm cả đoàn cấp cao), hai bên đã xây dựng và duy trì các cơ chế tham vấn, trao đổi bao gồm: Cơ chế Đối thoại Chiến lược Quốc phòng cấp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; cơ chế tham vấn, trao đổi giữa các cơ quan nghiên cứu học thuật…

Thông qua các cơ chế này, hai bên có cơ hội để trao đổi quan điểm về tình hình an ninh thế giới, khu vực và các vấn đề cùng quan tâm, hoạt động giao lưu hợp tác quốc phòng giữa hai nước; đồng thời bàn biện pháp cụ thể thúc đẩy quan hệ quốc phòng song phương lên tầm cao mới.

Từ năm 2008 đến 2013, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hai nước Việt Nam và Liên bang Nga đã tiến hành 4 chuyến thăm chính thức cấp cao đến hai nước, là dấu ấn quan trọng, khẳng định mối quan hệ đối tác chiến lược về quốc phòng giữa hai nước.

Bên cạnh đó, chế Đối thoại Chiến lược Quốc phòng cấp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng giữa Việt Nam và Liên bang Nga có thể được coi là minh chứng sinh động của quan hệ chiến lược; mối quan tâm chung của hai nước về an ninh, hòa bình, chiến tranh, xung đột; sự hỗ trợ, hợp tác lẫn nhau để củng cố hòa bình, ổn định của mỗi nước, góp phần duy trì môi trường hòa bình, an ninh và phát triển thịnh vượng của khu vực.

Thông qua kênh đối thoại chiến lược quốc phòng, quân đội hai nước đã xây dựng được sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau, tạo ra động lực mới để phát triển mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai quân đội.

Từ năm 2013, Bộ Quốc phòng hai nước đã thống nhất xây dựng cơ chế Đối thoại Chiến lược Quốc phòng cấp Thứ trưởng. Đây là cơ chế hợp tác cao nhất về quốc phòng của tất cả quốc gia trên thế giới về trao đổi chiến lược.

Bên cạnh đó, hai bên đang nỗ lực triển khai nhiều nội dung hợp tác trên các lĩnh vực đào tạo, trao đổi giữa các quân, binh chủng, quân y, gìn giữ hòa bình và nghiên cứu khoa học...

Nga từng bước nối lại việc cung cấp học bổng cho học viên quân sự Việt Nam và nhận các học viên Việt Nam theo học nhiều chuyên ngành kỹ thuật quân sự khác nhau…Đặc biệt, hợp tác về công nghiệp quốc phòng hai nước đang phát triển với nhiều thuận lợi. Việt Nam đã ký hợp đồng mua một số loại vũ khí trang bị hiện đại của Nga...

{keywords}

Tàu ngầm Kilo đầu tiên Việt Nam mua của Nga. Ảnh: Vostock

Cùng với đẩy mạnh hợp tác quốc phòng song phương, trong thời gian qua, Việt Nam và Liên bang Nga còn tăng cường quan hệ quốc phòng trong các khuôn khổ đa phương. Hai bên đã tăng cường phối hợp tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, Diễn dàn khu vực ASEAN (ARF), ASEAN+ và Cấp cao Đông Á (EAS)...

Đặc biệt, hai bên đã tích cực triển khai các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên thế giới.

Tăng cường hợp tác lĩnh vực an ninh biển

Để hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Liên bang Nga phát triển tương xứng với tiềm năng và phù hợp với khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện, trong thời gian tới, hai nước cần nỗ lực hơn nữa, tăng cường và phát triển quan hệ quốc phòng lên tầm cao mới, phù hợp với quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đã xác lập, nhất là việc bổ sung nhiều nội dung hợp tác quốc phòng mang tính thiết thực hơn nữa.

Quan hệ quốc phòng giữa hai nước cần được triển khai đồng bộ trên cả ba lĩnh vực: Chiến lược quốc phòng; hợp tác kỹ thuật quân sự và trao đổi hợp tác giữa các quân, binh chủng.

Hai bên cần tiếp tục đẩy mạnh việc trao đổi đoàn cấp cao, nhất là trao đổi đoàn giữa các quân, binh chủng; mở rộng cơ chế hợp tác dưới nhiều hình thức linh hoạt nhằm tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa quân đội hai nước.

Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh biển, giữa hải quân và cảnh sát biển hai nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực mà Liên bang Nga có thế mạnh như đóng tàu, sản xuất trang bị.

Đẩy mạnh hợp tác đào tạo về công nghệ và an ninh mạng. Việt Nam mong muốn Liên bang Nga tăng số lượng các suất học bổng đào tạo dài hạn cho các sĩ quan Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, an ninh mạng, thiết kế chế tạo tàu biển, phi công, kỹ sư hàng không…

Tích cực triển khai hợp tác trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.

Việt Nam hoan nghênh sự hợp tác của Nga trong chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ tài chính hoặc trang thiết bị trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hoá học sau chiến tranh (hình thức hợp tác có thể thông qua cơ chế song phương hoặc thông qua đối tác thứ ba mà hai bên thống nhất).

Việt Nam cũng mong muốn thúc đẩy hợp tác với Liên bang Nga trong lĩnh vực quân y nhằm trao đổi kinh nghiệm bảo đảm quân y dã chiến cấp chiến thuật - chiến dịch, cũng như bảo đảm quân y cho các đơn vị chuyên ngành.

Đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Đây là một nội dung mới đối với Việt Nam. Tuy nhiên, được sự giúp đỡ và hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế, Việt Nam đã từng bước triển khai và đã đạt được một số kết quả trong lĩnh vực này.

Trên cơ sở Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc sắp ký kết, hy vọng hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong lĩnh vực này, nhất là trong trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đào tạo... sẽ được tăng cường.

Hai nước cần tiếp tục phối hợp tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Đặc biệt, hai bên cần ủng hộ lập trường của nhau trên các diễn đàn đa phương về các vấn đề cùng quan tâm, trên cơ sở lợi ích quốc gia của mỗi nước, cũng như các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên thế giới.

Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ ADMM+. Hiện nay, Liên bang Nga và Thái Lan đồng chủ trì Nhóm làm việc về quân y; Việt Nam và Ấn Độ đồng chủ trì Nhóm làm việc về Hành động mìn nhân đạo, do đó, trong thời gian tới, hai nước cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau và với các nước khác, nhằm đưa ADMM+ trở thành cơ chế hợp tác hiệu quả và thực chất hơn.

Kết quả đạt được trong hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Liên bang Nga là nền tảng vững chắc để hai nước tiếp tục vun đắp tình hữu nghị giữa hai dân tộc, phát triển mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước trong thời gian tới, vì sự phát triển phồn vinh của hai nước, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Đức Hải

Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng