- Trên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài sẽ hình thành một siêu tổ hợp công trình trung tâm tài chính thương mại với tháp tài chính cao 108 tầng với biểu tượng hoa sen làm điểm nhấn chủ đạo cho khu vực phía Bắc sông Hồng.

Chiều nay, UBND TP Hà Nội đã công bố quy hoạch chi tiết xây dựng hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài, tỷ lệ 1/500, đoạn 1, đoạn 2 và đoạn 3 (đường Võ Nguyên Giáp) thuộc địa bàn huyện Đông Anh và Sóc Sơn.

{keywords}

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao đổi về quy hoạch chi tiết xây dựng hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, đây là tiền đề cho việc phát triển đô thị đồng bộ tại khu vực Bắc sông Hồng, đồng thời là cơ sở để xác định các dự án, kêu gọi các nhà đầu tư cùng tham gia, góp phần tạo dựng khu vực đô thị mới Bắc Sông Hồng, hình ảnh của Thủ đô hiện đại trong tương lai.

“TP Hà Nội mong tiếp tục nhận sự quan tâm hơn nữa trong việc tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng theo quy hoạch chi tiết được duyệt góp phần xây dựng tuyến đường Võ Nguyên Giáp và khu vực Bắc Sông Hồng thành khu vực đô thị kiểu mẫu, xây dựng hành ảnh đô thị hiện đại của Thủ đô trong tương lai”, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Quy hoạch chi tiết xây dựng hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài xác định tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp) là trục động lực phát triển kinh tế quan trọng của khu vực, nhằm liên kết phát triển tổ hợp hệ thống các trung tâm tài chính ngân hàng, trung tâm thương mại, khách sạn, bệnh viện cao cấp, công trình văn hóa, khu nhà ở chất lượng cao.

Theo quy hoạch đã được duyệt, tổng diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 1.810,1 ha trên tổng chiều dài tuyến đường khoảng 11,1km, gồm: đoạn 1 là 396,8ha, chiều dài khoảng 5km với dân số khoảng 6.535 người; đoạn 2 là 524,9ha, chiều dài khoảng 4km với dân số khoảng 20.291 người; đoạn 3 là 888,4ha, chiều dài khoảng 2,l km với dân số khoảng 70.012 người.

{keywords}

Trọng tâm của khu vực là tháp tài chính thương mại Phương Trạch, với chiều cao dự kiến tối đa khoảng 108 tầng

Về không gian kiến trúc, quy hoạch yêu cầu, chiều cao công trình thấp dần về phía sân bay Nội Bài và cao nhất là khu vực tháp tài chính thương mại Phương Trạch.

Cụ thể, đoạn 1 gồm các công trình có chiều cao tối đa khoảng 7 tầng; đoạn 2, các công trình có chiều cao tối đa khoảng 20 tầng; đoạn 3, các công trình có chiều cao tối đa lên tới 108 tầng.

Về phân vùng định hướng chính với không gian kiến trúc cảnh quan đô thị của từng đoạn, quy hoạch chỉ rõ, trên đoạn 1, cần tạo lập hình ảnh đô thị sinh thái, các công trình thấp tầng, kiến trúc hài hòa, xen lẫn với không gian cảnh quan cây xanh, mặt nước.

Ở đoạn 2, sẽ tạo lập hình ảnh đô thị mang tính hiện đại, sôi động, gắn với các hoạt động thương mại, dịch vụ; các cụm công công trình cao tầng kết hợp với các khoảng không gian mở tạo ra không gian đô thị hiện đại, sinh động.

Còn ở đoạn 3, sẽ tạo lập hình ảnh đô thị mang tính biểu tượng, đặc trưng với các công trình kiến trúc điểm nhấn, là không gian đô thị mới gắn với các hoạt động văn hóa.

Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài được lập trên ý tưởng “Rồng đuổi ngọc” tái hiện hình ảnh truyền thống Thăng Long - Hà Nội, xương sống là tuyến cao tốc từ sân bay về trung tâm thành phố, đầu Rồng quay về sông Hồng - Hồ Tây.

H.Nhì - Ảnh: P. Khanh