- Trong 4 Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng cảnh sát biển, BTL Vùng Cảnh sát biển 3 có địa bàn tác chiến quản lý và bảo vệ vùng biển của Tổ quốc rất quan trọng: từ Cù Lao Xanh, tỉnh Bình Định đến bờ Bắc cửa Định An, tỉnh Trà Vinh bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1.

VietNamNet trò chuyện với Chính ủy BTL Vùng Cảnh sát biển 3 - Đại tá Đỗ Hồng Đó ngay tại đơn vị đóng quân của BTL - thành phố biển Vũng Tàu và nơi trò chuyện ngay trên con tàu 8001 - tàu CSB hiện đại nhất Đông Nam Á.

Vùng biển rộng, phức tạp

Thưa Đại tá Đỗ Hồng Đó, trong địa bàn hoạt động của BTL Vùng Cảnh sát biển 3, có thể hình dung tính chất phức tạp, nhiệm vụ khó khăn của từng khu vực, từng điểm các anh đang tác nghiệp như thế nào, ý tôi muốn hỏi đặc thù vùng trực tiếp tác nghiệp của BTL Vùng Cảnh sát biển 3?

Cảnh sát biển thực hiện các chức năng quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và  bảo đảm việc chấp hành pháp luật của VN cũng như các điều ước quốc tế mà VN là thành viên trên tất cả các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa XHCN VN.

Vùng biển rộng lớn mà chúng tôi được giao quản lý bao gồm cả khu vực biển quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1. Vùng biển này thường xuyên có diễn biến hết sức phức tạp như sóng gió, giông bão dẫn đến những tai nạn trên biển, tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền, đánh bắt trộm hải sản, phá hoại các hoạt động kinh tế biển của chúng ta.

Đây là vùng biển có đường hàng hải quốc tế đi qua nên lưu lượng tàu thuyền cũng rất lớn, va chạm tai nạn cũng thường xuyên.

Một vùng biển tiếp giáp với nhiều nước nên việc buôn lậu, gian lận thương mại, tình hình vi phạm, tội phạm trên biển cũng rất nhiều. 

Là lực lượng được thiết lập trong thời bình, cũng là lực lượng thực thi pháp luật trên biển trẻ nhất, có điều nào khó, có điều nào thuận lợi đối với các chiến sĩ cảnh sát biển thực thi nhiệm vụ ở vùng địa bàn chiến lược như vùng 3? Có tình huống tác nghiệp cụ thể nào đáng nhớ trong những ngày đầu mà đến nay vẫn được tham khảo như bài học của các chiến sĩ?

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân ủy TƯ và BTL Cảnh sát biển VN, chúng tôi được trang bị phương tiện tàu thuyền tương đối hiện đại. Đội ngũ cán bộ chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng trong toàn BTL Vùng với ý chí quyết tâm rất cao.

Nhưng có khó khăn, đó là biên chế tổ chức chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ. Tình hình thời tiết, khí hậu những năm gần đây rất khắc nghiệt, giông bão rất lớn. Tàu thuyền lượng giãn nước cũng rất bé cho nên chống chọi với thiên nhiên bão tố, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn khó khăn.

Điểm nữa là những hành vi vi phạm của tội phạm rất ngoan cố và xảo quyệt, bằng mọi cách để mua chuộc, móc nối, lôi kéo cán bộ chiến sĩ. Nếu móc nối, lôi kéo không được thì bằng biện pháp đe dọa. ảnh hưởng tác động đến một phần nào đó tư tưởng của cán bộ chiến sĩ.

Trong quá trình thực hiện cũng có nhiều thành công, chiến công rất đáng nhớ, như vụ bắt 11 tên cướp biển cướp tàu Zafirah cuối 2012. Khi đó BTL Vùng cảnh sát biển 3 với 1 tàu cướp đang lẩn trốn ở vùng biển, trong đêm tối chúng tôi đã huy động lực lượng phương tiện, tàu BTL Vùng phối hợp với các cơ quan chức năng, phối hợp với các tàu của ngư dân ta tìm và phát hiện đấu tranh.

Còn đối với các hành vi vi phạm tội phạm như buôn lậu, gian lận thương mại thì hàng năm có hàng chục vụ. Điển hình như vụ đầu tiên của năm 2012 là hàng triệu lít xăng buôn lậu. 

{keywords}

Bảo vệ ngư dân

Cướp biển là nỗi lo của ngư dân khi bám biển, của tàu thuyền thương mại của ta và các nước qua lại trong khu vực tự do hàng hải. Ở địa bàn của Vùng 3, việc trấn áp tội phạm cướp biển để góp phần đảm bảo vùng biển ổn định, an toàn, an ninh hàng hải ra sao?

Lực lượng bảo vệ chủ quyền, bảo vệ ngư dân có hải quân, biên phòng... chứ không chỉ riêng CSB. 

Trong những năm qua BTL Cảnh sát biển VN thiết lập với lực lượng cảnh sát biển các nước châu Á Thái Bình Dương, một trung tâm RECCAP để chống, cướp và cướp có vũ trang để chống lại tàu thuyền ở khu vực châu Á. Như vụ tàu Zafirah năm 2012 cũng là từ thông tin trung tâm RECCAP của cảnh sát biển thì chúng tôi nắm được và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hoặc tàu SUNRISE 689 vừa qua cũng từ trung tâm này và phối hợp với các lực lượng chấp pháp trên biển xung quanh để thực hiện thắng lợi và thu được nhiều kết quả tốt và được trên đánh giá rất cao.

Trong bảo vệ chủ quyền, bảo vệ ngư dân, bảo vệ các lực lượng thì chống cướp và cướp có vũ trang là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nên chúng tôi tổ chức huấn luyện cho cán bộ chiến sĩ, huấn luyện cho từng kíp tàu, từng biên đội rất chặt chẽ, khi có tình huống là thực hiện được ngay.

Cứu nạn, cứu hộ trên biển là một canh việc vô cùng phức tạp, gian khó, đòi hỏi những huấn luyện bài bản, gian khổ, có đủ trang bị, phương tiện hiện đại cũng như có sự phối hợp tốt với các nước trong những tình huống quốc tế. Các anh trải nghiệm công việc này ra sao trong địa bàn của mình thời gian qua?

Cán bộ chiến sĩ cảnh sát biển coi cứu hộ cứu nạn như cứu chính người thân của mình, điều này là mệnh lệnh từ trái tim. Năm 2014 chúng tôi tham gia tìm kiếm cứu nạn 7 vụ, cứu được 30 ngư dân.

Trong việc thực thi pháp luật trên biển không thể không tránh khỏi những tình huống nguy hiểm tính mạng, đặc biệt ở khu vực vùng 3 là vùng biển rộng, thường xảy ra những diễn biến phức tạp. Đại tá có thể chia sẻ thêm?

Đấu tranh các loại tội phạm vi phạm trên biển hết sức phức tạp, các đối tượng luôn luôn lẩn tránh các cơ quan chức năng và bằng mọi biện pháp thoát khỏi sự theo dõi, vây bắt của các lực lượng cơ quan chức năng.

Rất nhiều tình huống như khi đuổi xuồng cập tàu để lên, chúng dùng các chất nhờn đổ ra boong để cho cán bộ không nhảy lên được, trơn tuột. Lên được thì cũng dùng vũ khí manh động trong đêm tối để chống trả. Lực lượng tham gia từng chuyên án một trong vụ án không phải nhiều người được mà một tổ, một nhóm, quân số ít. Ví dụ một tàu chở hàng nghìn lít dầu, hàng nghìn khối dầu với quân số lúc ấy, có lúc 20 - 30 thuyền viên mà có hành động chống trả thì rất khó.

Nhất là các đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, đây là những đối tượng phần lớn đã đi vào nghiện ngập nên rất manh động, cán bộ chiến sĩ phải có ý chí quyết tâm cao, có những phương tiện, trang bị, bảo hộ trong công tác thực thi pháp luật để sẵn sàng đối phó và xử lý tốt các tình huống.

Nhà giàn DK1 - chốt tiền tiêu bảo vệ chủ quyền

Đại tá có thể chia sẻ công việc bảo vệ vùng biển khu vực nhà giàn DK1?

Nhà giàn DK1, DK2 là những chốt tiền tiêu để bảo vệ chủ quyền, biển đảo của Tổ quốc. Trên các vùng biển này lực lượng CSB chúng tôi cũng thường xuyên hiện diện, sẵn sàng bảo vệ ngư dân, bảo vệ các hoạt động thăm dò khai thác tài nguyên môi trường.

Anh em cán bộ chiến sĩ trên nhà giàn nhỏ quân số cũng rất ít, quanh năm chỉ có sóng với gió, đây là khu vực có tính chất đặc thù, mọi người dân chúng ta thường quan tâm và chia sẻ với những khó khăn gian nan vất vả của cán bộ chiến sĩ trên các nhà giàn. Chúng tôi là lực lượng thường xuyên hiện diện ở khu vực đó cũng rất động viên anh em...

Xuân Linh - Đức Định - Hồng Nhì