- Võ sư Nguyễn Văn Anh được xem là cây đại thụ trong làng võ thuật nước nhà với ngón “võ khỉ” - hầu quyền. Đồng thời, ông sưu tập được nhiều binh khí cổ quý.

XEM CLIP:

Chúng tôi tìm đến ngôi nhà số 65 đường Bến Nghé, TP Huế, tịnh thất của võ sư Nguyễn Văn Anh - Chủ tịch Hội võ thuật cổ truyền tỉnh Thừa Thiên - Huế, phó chưởng môn Hầu quyền đạo Việt Nam.

{keywords}
Võ sư Nguyễn Văn Anh trong tịnh thất ở Huế.

Võ sư Nguyễn Văn Anh (tự Ngọc Anh, 65 tuổi) gắn bó cả đời mình với nghiệp võ. Ông bảo rằng đất Huế vốn trầm mặc, con người khá từ tốn, lễ nghi nên người theo nghiệp võ cũng ảnh hưởng cái nền văn hóa đó, luôn tôn sư trọng đạo, bênh vực kẻ cô thế.

Đối với ông, đến với Hầu quyền đạo là một cơ duyên, nó thu hút ông ngay từ những bài quyền đầu tiên.

Khoảng những năm 1979 -1980, ông là võ sư của môn phái Vạn An, dự bị Chưởng môn Bắc phái Vi Đà ở Huế. Qua lgiới thiệu của cố võ sư Trương Cảnh - người sáng lập ra phái Thiếu Lâm Nam Sơn, ông kết thân với võ sư trẻ Hoàng Thành, khi đó là công nhân của Xí nghiệp ô tô 3 Bình Trị Thiên (cũ), hiện là Chưởng môn Hầu quyền đạo VN, đang công tác tại tỉnh Đồng Nai.

Cả hai người cùng ở chung một nhà, cùng nhau xây dựng phong trào võ thuật ở TP Huế. Sống cạnh nhau, mỗi người theo một môn phái khác nhau và ngày ngày cùng luyện võ, thi thố để học hỏi.

“Chúng tôi ngồi lại với nhau và xây dựng ra 5 bài cơ bản quyền cương có tính phổ cập và tổng hợp để làm những bài căn bản mở đầu cho môn phái Hầu quyền đạo” - võ sư  Nguyễn Văn Anh kể.

Nuôi ý niệm truyền bá tinh hoa võ học của bậc tiền nhân đến với công chúng, nhóm võ sư phái võ Hầu quyền đã dần đưa võ học của môn phái mình phát triển rộng khắp  cả nước với hàng nghìn môn sinh.

“Dụng ý bất dụng lực”

Theo võ sư Ngọc Anh, trong số 10 đại linh vật hình quyền như long, hổ, báo, xà, hạc… để phóng tác ra các thế võ, thì hầu (khỉ) có tính năng rất nhanh nhẹn trong nhào lộn, thăng bằng trên dây, các ngón tay để bắt, chụp rất lợi hại.

{keywords}

Võ sư Nguyễn Văn Anh. Ảnh: Quang Thành

“Cách di chuyển của khỉ cũng khá thấp, thân người luôn cao chưa tới 1m nên người học Hầu quyền đạo khi ra đòn cũng như vậy, đánh dưới thấp nên đối phương khó chống đỡ”, ông Anh phân tích.

Hầu quyền là môn võ được phóng tác theo các động tác của loài khỉ. Loại võ mà khi đạt đến thượng thừa chỉ đánh bằng mưu, ít dùng lực. Khi đã ra đòn thì khó có đối phương nào chịu được bởi các ngón đòn rất hiểm.

Và để thành công đòi hỏi người học võ phải rất công phu và khổ luyện trong nhiều năm mới đến được giai đoạn thượng thừa là “dụng ý bất dụng lực”.

Bộ sưu tập quý hiếm

Gần nửa đời người theo nghiệp võ, đến nay, võ sư Nguyễn Văn Anh cũng có bộ sưu tập với nhiều binh khí cổ quý báu, có binh cụ niên đại hàng thế kỷ.

{keywords}

Võ sư Anh giới thiệu về cây kiếm triều Nguyễn. Ảnh: Quang Thành

Nhiều năm qua, hễ nghe ở đâu có bán cây kiếm cổ từ thời Tây Sơn, triều Nguyễn… là ông lại tìm đến.

Đến nay, võ sư Nguyễn Văn Anh đã đem về hơn 150 hiện vật là binh khí cổ qua các thời kì, hơn 3.000 cuốn sách cổ nói về võ thuật.

{keywords}

Kiếm khảm bạc thời Nguyễn. Ảnh: Quang Thành

Đa số các loại binh khí ông sưu tầm được làm từ chất liệu đồng, chế tác hoạ tiết rất công phu như cây đoản kiếm triều Nguyễn, cây bát xà mâu, thanh long đao. Trong đó, không thể không kể đến cặp chùy triều Nguyễn có khắc họa tiết “cửu long” ở cán.

Võ sư Nguyễn Văn Anh tâm niệm, sưu tập được những binh khí cổ của cha ông ngày trước là cách tốt nhất để lưu giữ truyền thống, lịch sử võ học của dân tộc.

{keywords}

Long đao và kiếm cổ. Ảnh: Quang Thành

"Tiếp cận lịch sử đấu tranh của dân tộc qua đặc trưng của từng loại binh khí cũng là cách để thế hệ sau hiểu hơn về truyền thống cha ông”, võ sư Anh chia sẻ.

Điều khiến ông không ngừng băn khoăn, suy nghĩ là làm sao để hình ảnh những binh khí, cổ vật qua các thế hệ cha ông ngày trước đến được với nhân dân, các môn sinh theo nghiệp võ thuật.

Hiện nay, số môn đệ theo học Hầu quyền đạo không nhiều như trước nhưng vị võ sư cùng các đồng môn vẫn mong mỏi truyền đạt những gì tinh túy nhất của môn võ cho thế hệ trẻ.

Một số hình ảnh trong bộ sưu tập binh khí cổ của võ sư: 

{keywords}

Cặp chùy chạm “cửu long” thời Nguyễn và bộ binh khí nhà Tây Sơn. Ảnh: Quang Thành


{keywords}

Cây đoản kiếm khảm bạc tinh xảo thời Nguyễn.

{keywords}

Cặp chùy thời Nguyễn được chạm trổ cửu long, được võ sư Anh giới thiệu là báu vật.

{keywords}

Cán chùy khắc đầu rồng tinh xảo.

{keywords}

Long đao đầu rồng niên đại hơn 2 thế kỉ.

 

{keywords}

Cây kiếm Nhật có tuổi đời hơn 200 năm.

Quang Thành