LTS: Thảo luận về dự thảo Hiến pháp sửa đổi, nội dung cơ chế bảo hiến đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, cả ở trong và ngoài nghị trường.

Nên hay không nên thành lập cơ quan bảo vệ Hiến pháp là vấn đề được thảo luận với lập luận nhiều chiều. Có ý kiến cho rằng mô hình Tòa án Hiến pháp về lâu dài tỏ ra thích hợp hơn, nên nếu chọn mô hình Hội đồng Hiến pháp thì cũng chỉ nên coi là một bước quá độ. Có ý kiến đề xuất xem xét lập Hội đồng Hiến pháp độc lập để xử lý mạnh những vấn đề liên quan đến vi hiến... Hoặc Hội đồng Hiến pháp nên được đổi tên thành Tòa án Hiến pháp và phải được ra phán quyết chứ không chỉ nêu kiến nghị chung chung...

VietNamNet giới thiệu ý kiến của tác giả Nguyễn Văn Đức (Hà Nội), mời quý độc giả tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến:

>> Toàn cảnh Góp ý sửa đổi Hiến pháp

Hiến pháp là đạo luật gốc, đạo luật cơ bản của Nhà nước, là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật. Bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp trong hệ thống pháp luật và bảo đảm để các chủ thể trong xã hội tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Hiến pháp luôn là vấn đề được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm. Việc bảo vệ Hiến pháp luôn là nhiệm vụ của mọi nhà nước có Hiến pháp.

Tuy nhiên, tôi không đồng tình với quan điểm của TS. Đinh Xuân Thảo, đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, được đăng tải trên báo Đại biểu nhân dân, ngày 4/9: “Ở nước ta, điều 117 dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định về chế định bảo hiến theo mô hình thứ hai - Hội đồng Hiến pháp theo mô hình của Pháp và một số nước trên thế giới - là hoàn toàn phù hợp”.

Bởi lẽ, với tư cách là đạo luật gốc, Hiến pháp điều chỉnh những quan hệ xã hội cơ bản, quan trọng nhất, quy định chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, quốc phòng, an ninh, khoa học, công nghệ, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Như vậy, Hiến pháp sẽ mang bản chất của Nhà nước đã sinh ra nó và Nhà nước với thể chế chính trị nào sẽ có Hiến pháp tương ứng. Cộng hòa Pháp là quốc gia có thể chế chính trị và điều kiện về lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... khác với thể chế chính trị và điều kiện cụ thể của nước ta. Việc Cộng hòa Pháp lựa chọn mô hình Hội đồng Hiến pháp là xuất phát từ điều kiện cụ thể của quốc gia này.

Ở nước ta, bảo vệ Hiến pháp đã được quy định rất rõ ràng và cụ thể trong Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980. Trong Hiến pháp năm 1992 hiện hành, các điều 79, 84, 91, 103, 112, 114, 116, 120… đã quy định cụ thể về bảo vệ Hiến pháp. Điều 84 Hiến pháp 1992 đã quy định: “Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: 1. Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp, làm luật và sửa đổi luật; quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; 2. Thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội...”; Điều 91 quy định: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: ...3. Giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh... 5. Giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; giám sát hoạt động của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao...”; Điều 112 quy định: ”Chính phủ có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: ... 2. Bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật trong các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang và công dân; tổ chức và lãnh đạo công tác tuyên truyền, giáo dục Hiến pháp và pháp luật trong nhân dân”; Điều 116 quy định: “... Căn cứ vào Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, các văn bản của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ ra quyết định, chỉ thị, thông tư và kiểm tra việc thi hành các văn bản đó đối với tất cả ngành, các địa phương và cơ sở”...

Cụ thể hóa các quy định trên của Hiến pháp năm 1992, nhiều đạo luật đã được ban hành, trong đó có các quy định bảo vệ Hiến pháp, như: luật Tổ chức Quốc hội, Tổ chức Chính phủ, Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Tổ chức Tòa án nhân dân, Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Hoạt động giám sát của Quốc hội, Ban hành văn bản quy phạm pháp luật...

Thực tiễn thi hành Hiến pháp năm 1992 cho thấy, trong những năm qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ... đã thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà Hiến pháp, pháp luật quy định, trong đó đã làm tốt nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nếu thành lập Hội đồng Hiến pháp thì rõ ràng sẽ chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ...; phải sửa đổi các luật có liên quan, gây tốn kém, lãng phí và điều quan trọng nhất là không phù hợp với thể chế chính trị, cũng như điều kiện cụ thể của nước ta.

Vì vậy, theo tôi không thành lập Hội đồng Hiến pháp, mà tiếp tục tổ chức thực hiện tốt hơn các quy định của Hiến pháp, pháp luật về kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan trong bộ máy nhà nước để thực hiện nghiêm túc nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng: “Tiếp tục xây dựng, từng bước hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền” và kết luận hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI): “Tiếp tục hoàn thiện và phát huy cơ chế hiện hành về bảo vệ Hiến pháp; đồng thời, nghiên cứu các phương án về mô hình cơ quan bảo vệ Hiến pháp phù hợp với thể chế chính trị và điều kiện cụ thể của nước ta”.

Nguyễn Văn Đức
 

Mời bạn đọc thêm:

Hội đồng Hiến pháp - lựa chọn chính trị an toàn?