Tết đã về gần lắm trên những con đường Hà Nội. Thế nhưng, lẫn trong không khí Tết nô nức ấy là những câu chuyện mưu sinh khóc cười, thậm chí cả nước mắt của những người bán đào- quất trên phố. Đem Tết về phố, nhiều người phải chịu cảnh co ro trong giá rét để trông đào, quất, mai… với hi vọng năm nay được mùa cả ở vườn lẫn chợ.


Đào quất “co ro” trong đêm lạnh

Đã nhiều năm nay, đường Lê Văn Lương là điểm bán đào Tết quen thuộc của bác Nguyễn Văn Thành - làng đào Phú Thượng. Cắm “đại bản doanh” ở đây từ 20 tháng Chạp, khu đào của bác cũng chỉ lác đác đôi chục cây.

Khách mua đào nhìn bác đứng chăm chút, tỉa tót từng bông nụ, cánh hoa mà cứ ngỡ bác lưu luyến chưa muốn bán cây. Cả hai vợ chồng chọn từ 3 sào trồng đào những cây tàm tạm nhất để rong xe xuống phố.

Co ro trong lều tạm để canh đào.


Chỉ vào những cây đào còn đang co ro trong đêm gió lạnh, bác chia sẻ: “Nhiều khách mua chê năm nay đào không nhuận sắc cũng phải. Thế nhưng để có được cây đào báo xuân như thế này, cả nhà chúng tôi còn phải thức nhiều hơn cả đào “thức”. Từ sau mùa đào năm ngoái đã phải bắt đầu chăm chút uốn cành, tỉa lá. Không trồng cây nào mà công phu và vất vả như cây đào”.

Đối với những người trồng và bán hoa đào, tiết trời năm nay có phần thuận lợi hơn năm ngoái, hứa hẹn một vụ đào khả quan. Tuy nhiên, gần đây Hà Nội thực sự bước vào đợt giá lạnh, khiến không ít chủ đào lo lắng cho những cành đào còn “non” và đắt tiền của mình.

"Thỉnh thoảng mới có người vào hỏi, họa hoằn mới có người ướm mua” - anh Hùng buồn bã cho biết.

Anh Dũng, người sở hữu khoảng hai chục gốc đào thế chỉ tay vào những cành đào đã nở hoa, cho biết: “Rét thế này, đào không nở được nhiều. Có vài bông hoa như những gốc đào này rất khó tìm, rất hiếm. Nếu thời tiết thuận lợi, chỉ vài ngày nữa, cây này sẽ nở đỏ rực”.

Anh Dũng khoe: Từ lúc đánh đào lên chậu đem bán tại ngã tư Lạc Long Quân, nhiều lái buôn đi qua đây rất mê, luôn "gạ" anh bán lại nhưng anh lắc đầu vì muốn dành cho khách quen thuê chơi trong Tết, sau đó, xin lại gốc để phục hồi cho năm sau.

Quất cũng chung số phận với đào.

Chung cảnh với đào, ngồi co ro bên đống lửa nhỏ bên cạnh những cây quất, anh Ngọc vẫn tỏ ra khá lạc quan. Anh bảo: “Chắc mai ngày kia người ta mới mua mạnh. Trời lại có mưa bụi nhỏ, cứ rét, cứ mưa đi, mình chịu khổ tý nhưng đỡ cây”.

Có mưa thì anh đỡ công tưới tắm, có mưa thì quất càng tươi lâu, càng đẹp. Bởi thế dù có phải vất vả hơn khi xoay sở chỗ ăn ngủ, anh vẫn khấp khởi mừng khi đêm xuống trời đổ mưa nhẹ.

Thấp thỏm nỗi lo…

Gần mười giờ đêm, xe cộ thưa thớt dần cũng là thời điểm những người bán đào, quất bên đường thu mình vào những góc nhỏ. Hàng bán không được, họ lại lặng lẽ chuẩn bị nghỉ ngơi trong chốc lát.

Hàng ngàn mét vuông trên vỉa hè Lạc Long Quân đã được xếp kín hoa Tết. Để chống lại đêm đông giá rét, những túp lều tạm bợ được dựng lên. Sợ sương muối táp vào đào, quất sẽ bị rụng, nhiều người cẩn thận bọc kín áo mưa hoặc dựng luôn nhà bạt cho cây.
Chủ đào mặc dù đêm tối vẫn thường xuyên đi kiểm tra và quây bạt cho đào để tránh gió lùa vào.

Ngồi trong lều, chăn chiếu kín người nhưng ánh mắt của những người trông đào, quất vẫn dán vào từng gốc cây với hi vọng năm nay bán được hàng, vợ con sẽ có cái Tết ấm cúng.

Cả một năm trồng và chăm sóc cây niềm hi vọng của những người nông dân chúng tôi chỉ tập trung vào những ngày này. Tuy nhiên, để hoàn được vốn lẫn lãi cũng là điều không hề đơn giản. Nhiều khi được mùa ở vườn nhưng lại “mất mùa” trên phố. Nhìn thấy mấy chục gốc đào co ro trong gió rét mà thắt ruột gan” - anh Bình, chủ một dãy đào cho biết.

Thậm chí còn để cả gốc đào vào trong lều ngủ của mình

Chuyên nghề đi buôn đào Tết đã 4- 5 năm, chưa có cái Tết nào khiến anh Hùng phải lo lắng và nhọc công nhiều như năm nay. Anh chia sẻ: “Hai ngày giời em mới bán được có 4 cây nhỏ, đã thế trời lại rét đậm rét hại, ăn đường ngủ đường mà đang lo không thu đủ vốn!”.

Để có một vụ đào thắng lợi, những người mang đào xuống phố phải ăn sương nằm gió để trông trời, trông đất và cả... trông người. Anh Tuấn, một người bán quất chia sẻ, cả tuần nay anh chưa được một giấc ngủ ngon. Ban ngày bán hàng, ban đêm thức trông coi, nhiều lúc muốn ngủ nhưng chỉ nhắm mắt được một lát là phải thức giấc vì quá lạnh.

Thức trắng đêm trông đào.

Lo lắm chứ! Tầm này mọi năm người ta đã đổ xô đi mua nhiều rồi. Năm nay phần vì lạnh, phần vì giá đắt hay sao mà người dân họ kỹ tính quá. Thỉnh thoảng mới có người vào hỏi, họa hoằn mới có người ướm mua” - anh Hùng buồn bã nói.

Càng về khuya, khắp các tuyến đường ra vào cửa ngõ Thủ đô như Thăng Long - Nội Bài, Nguyễn Trãi, Giải Phóng… lại càng tấp nập những chuyến hàng đổ về, đem theo đó là không khí xuân cho người Hà Nội.

Lê Nho Việt (ĐH KHXH&NV, HN)