- Ông Trương Việt, Chủ tịch phường Hòa Hiệp Bắc (Liên Chiểu, Đà Nẵng) cho rằng phường đã làm tròn trách nhiệm. “Công trình đó cũng không có gì to tát. Người dân ở đó vừa canh tác vừa có thể bảo vệ an ninh!”.

Đất lấn chiếm hàng chục năm

Liên quan đến cụm công trình xây dựng trái phép cạnh khu vực trọng yếu Cửa Khẻm (thuộc rừng Hải Vân), sáng 4/1, PV VietNamNet đã làm việc với ông Trương Việt, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc.

Ông Việt cho hay đã theo dõi thông tin VietNamNet phản ánh. Theo Chủ tịch phường Hòa Hiệp Bắc, khu vực này người dân đã đến ở, trồng cây ngắn ngày từ trước thời giải phóng. Sau này, họ có xây dựng nhà cấp 4, lán trại và chăn nuôi gia súc.

“Họ làm đó lâu rồi. Năm 2013 sau khi việc cấp dự án cho người Trung Quốc trên Hải Vân vỡ lở, phía huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế - PV) đi kiểm tra trong khu vực và phát hiện công trình này đang tu bổ, xây dựng thêm nên lập biên bản.

Sau đó, phường Hòa Hiệp Bắc và thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) đã có biên bản thống nhất yêu cầu chủ hộ giữ nguyên hiện trạng, không cơi nới xây dựng thêm để chờ xử lý. Biên bản này không yêu cầu họ tháo dỡ công trình”, ông Việt khẳng định.

Cũng theo lãnh đạo phường Hòa Hiệp Bắc, vị trí người dân xây dựng công trình hoàn toàn chưa được cấp phép. Cụm công trình này xây trên đất giáp ranh, chưa phân định địa giới hành chính Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế.

{keywords}

Ông Trương Việt, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc.

“Chúng tôi đã có biên bản thống nhất với Lăng Cô là giữ nguyên hiện trạng, không cơi nới. Chúng tôi đã làm đúng trách nhiệm rồi, không phải là dây dưa hay bao che gì cả. Chừng nào Chính phủ phân định rõ ranh giới mới có thể xử lý được”, ông Việt cho hay.

Khi phóng viên cung cấp thông tin về việc chủ hộ đã có biểu hiện cơi nơi, xây dựng, bố trí thêm nhiều hạng mục, ông Việt khẳng định sẽ cho ‘quân’ đi kiểm tra. Nếu có sự việc sẽ phối hợp với lãnh đạo Lăng Cô để xử lý.

Trước những nghi ngại về việc để dân xây dựng trái phép tại vùng đất trọng yếu về phòng thủ quân sự, ông Việt cho rằng sự việc không nghiêm trọng.

“Theo tôi vấn đề này cũng có gì to tát đâu. Người dân ở đó vừa canh tác vừa có thể tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”, ông Việt nhấn mạnh.

“Thừa Thiên Huế cố tình chiếm đất!”

Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc cung cấp những thông tin cho rằng phía Liên Chiểu và Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) đã có những căng thẳng xung quanh vùng đất giáp ranh hai địa phương.

“Họ lập biên bản ở hiện trường thời điểm phát hiện công trình là sai, không có hiệu lực bởi đây là đất chưa được phân định. Họ đề nghị chúng tôi qua bàn bạc xử lý nhưng chưa có thời gian. Giữa hai bên cũng đã có biên bản thống nhất xử lý rồi, không thể làm gì hơn nữa”, ông Việt cho biết.

Lãnh đạo phường Hòa Hiệp Bắc ‘phản pháo’ rằng những hồ sơ thị trấn Lăng Cô và huyện Phú Lộc cung cấp cho báo chí là không có hiệu lực. Đất tại nơi xây dựng công trình trái phép không thuộc tiểu khu 251, BQL rừng đặc dụng Bắc Hải Vân, mà do phía Thừa Thiên - Huế tự nhận như thế!

“Dù là đất chưa phân ranh giới nhưng phía họ cứ giao đất, cấp phép tùm lum. Dự án nghỉ dưỡng cấp cho Trung Quốc đó cũng đến khi báo chí lên tiếng mới vỡ lở. Tôi được biết hiện họ còn cấp những dự án khác, rồi đưa người lên trồng rừng tại vùng đất đáng lẽ không được tác động vào.

{keywords}

Vị trí xây dựng công trình trái phép gần mũi Cửa Khẻm, trên bản đồ thể hiện màu đỏ (vùng rừng đặc dụng).

Tháng 10/2012, đích thân tôi cùng Đội quy tắc đô thị Liên Chiểu đã lên đập bỏ một căn nhà cấp 4 mà họ xây làm nhà công vụ cho kiểm lâm BQL rừng Bắc Hải Vân. Sau đó họ huy động rất nhiều lực lượng lên gây sức ép. Rõ ràng họ đang cố tình chiếm đất”, ông Việt bức xúc.

“Riêng trường hợp công trình trái phép này, chừng nào Chính phủ còn chưa quyết định ranh giới hai tỉnh thành, thì chưa thể xử lý được, càng không thể đâp bỏ”, ông Việt khẳng định.

Ai là chủ nhân công trình trái phép?

Trao đổi với VietNamNet, lãnh đạo thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc cho biết rằng, công trình trái phép này liên quan đến ông Phạm Thương, trú tại quận Liên Chiểu.

Một số văn bản do thị trấn Lăng Cô cung cấp có liên quan đến ông Thương. Cụ thể, đây được cho là người bỏ tiền đầu tư xây dựng công trình, rồi giao cho ông Trần Hùng quản lý, trông coi.

Ông Lê Văn Tình, Đội phó Đội quản lý đô thị Phú Lộc cung cấp một văn bản làm việc cho thấy chủ nhân công trình là Phạm Thương. Tuy nhiên ai đó đã sửa chữ Phạm Thương thành Phạm Thảo?

Ông Trương Việt cho biết, thời điểm năm 2013 (lúc công trình bị phát hiện - PV), ông Phạm Thương là Trưởng CA phường Hòa Hiệp Bắc, hiện là cán bộ công an quận Liên Chiểu.

Tuy nhiên ông Việt lại khẳng định công trình là của ông Phạm Tý, anh trai ông Thương.

“Công trình này là của ông Tý, một hộ dân bình thường. Anh Thương không liên quan gì đến việc xây dựng này. Việc nào ra việc ấy. Ai làm sai thì người đó chịu thôi”, ông Việt khẳng định.

“Việc xử lý công trình này còn phải chờ Chính phủ phân định ranh giới Thừa Thiên - Huế và Đã Nẵng đã, chứ giờ chưa nói chuyện dỡ bỏ hay không”, ông Đàm Quang Hưng, PCT quận Liên Chiểu, Đà Nẵng.

Cao Thái