– Câu chuyện giữa tôi và tài chính bị ngắt quãng bởi tiếng hét của tài phụ: “Chú ý đường ngang bên trái”. Dứt lời, tài chính đáp ngay: “Chú ý” rồi từ từ hãm phanh, mắt căng ra phía trước. Một chiếc ô tô 4 chỗ đang qua đường sắt...


Trên “cung đường chết”

Tôi nhảy phóc lên đầu máy khi chỉ còn 10 phút nữa là tàu sẽ chạy. Lái phụ Nguyễn Văn Vang tranh thủ lúc tàu đang đón khách, đun một ít nước pha trà. Những chiếc chén cáu bẩn, dính đầy dầu mỡ, không còn nguyên vẹn được Vang lau qua rồi sắp lên khay.

Vang cười méo mó: “Bận quá nên chẳng có thời gian sắm bộ cốc chén mới. Mà có sắm thì cũng chỉ được 1 chuyến, sau đó nó lại sứt hết. Buồn chẳng thèm sắm nữa”.

Cảnh tượng rất dễ bắt gặp trên cung đường Hà Nội - Phủ Lý, nơi mà hành lang ATGT đường sắt bị xâm phạm nghiêm trọng. Ảnh: Duy Tuấn
 
Chỉ một loáng, ấm nước đã réo ùng ục. Vang đổ nước vào chiếc ấm đã sứt quai rồi rót trà mời khách: Chè Thái đấy, uống cho nó đỡ buồn ngủ. Cánh lái tàu như bọn em, ai cũng nghiện chè, mà phải là chè ngon, pha đặc quánh, cắm tăm vào nó cứ dựng chổng ngược lên. Ai không uống quen, làm một ngụm là đã xoắn hết cả ruột rồi.

Tàu đến giờ rời ga. Lái chính Nguyễn Ngọc Tuấn đạp bơm gió. Đồng hồ chỉ 5 cân. Tàu hú 3 hồi còi rồi từ từ lăn bánh rời khỏi sân ga. Tiếng lái chính hét lớn, át cả tiếng động cơ đang gầm gừ: “Chú ý, chuẩn bị rời ga”. Dứt lời, tài phụ đáp lại: “Chú ý”.

Đoàn tàu tăng tốc, phố phường dần dần chìm khuất, lùi lại phía sau. Đang mải miết ngắm nhìn cảnh vật xung quanh, tôi chợt giật bắn người khi tài chính bấm còi, rồi hãm phanh. Một chiếc xe máy như từ dưới đất chui lên đang cố tình len qua đường ngang khi tàu đến gần.

Trong lúc tôi còn chưa kịp định thần sau cú hãm phanh đột ngột thì còi tàu lại hú vang, lái chính tiếp tục đạp phanh. Một người phụ nữ bồng con nhỏ đang nhấm nhứ, nửa muốn qua đường sắt, nửa muốn dừng lại. Đưa mắt nhìn tài chính Nguyễn Ngọc Tuấn, thấy trán anh lấm tấm mồ hôi, mặc dù Hà Nội đang đợt rét.

Những đường ngang "hợp pháp" cũng chưa đựng đầy rẫy hiểm họa khi tàu hỏa đến. Ảnh: Duy Tuấn
 
Thấy tôi ngồi bấu chặt vào cửa, tài xế Tuấn cười, trấn an: “Chưa nhằm nhò gì đâu. Từ đây đến Phủ Lý còn nhiều chỗ như vậy nữa. Người dân ở đây cứ đi theo kiểu, đường ta, ta cứ đi, chẳng cần nhìn trước ngó sau gì cả. Tàu còi, mặc kệ; cứ thế là bất thình lình như từ dưới đất chui lên rồi chạy ngang trước mũi tàu. Chính vì thế, tôi đã bảo với anh là muốn lên khoang lái tàu, phải có tinh thần thép”.

Anh Tuấn bảo, ngoài cánh tài xế, chẳng mấy ai ngồi hết một cung đường trên ca bin cả. Có vị lãnh đạo muốn áp tàu để kiểm tra. Thế nhưng, chỉ sau 3 lần phanh gấp, cộng thêm một lần chứng kiến cảnh chiếc ô tô tải loay hoay trườn qua đường sắt khi chỉ cách đầu tàu chừng mấy chục mét đã toát hết mồ hôi rồi ghé vai cười nhăn nhúm: “Tí có chỗ tàu dừng, cậu ghé cho mình xuống. Đi từng này là… hiểu rồi, kiểm tra được rồi”.

Cũng đã từng có một số nhà báo nữ, một hai quả quyết như đinh đóng cột sẽ ngồi áp tàu hết một cung đường. Thế nhưng, mới lên tàu được một đoạn đã vội ôm chầm lấy lái phụ, chốc chốc liến thoắng hỏi: sắp đến Phủ Lý chưa anh, để em… xuống.

“Chả biết cô ấy sợ thật hay là thấy tài phụ đẹp trai quá mà cứ ôm chầm lấy nữa” – lái phụ Vang cười chen vào câu chuyện.

Tài xế Tuấn bảo, cánh lái tàu ngán nhất là cung đường từ Hà Nội đi Phủ Lý, bởi đường ngang ngõ tắt nhiều. Hàng ngàn hộ gia đình sinh sống bên cạnh đường sắt đã tự ý mở một con đường ngang đi qua để tiện bề sinh hoạt. Nhiều hộ gia đình còn tự ý lấn chiếm ra cả khu vực an toàn.

Tàu đi qua cung đường này, chẳng khác nào đang chạy dưới lan can, đi trên vỉa hè. Rất nhiều vụ tai nạn gia thông đã từng xảy ra ở các điểm giao nhau này. Cụm từ “cung đường tử thần” cũng được cánh tài xế dành để chỉ cho cung đường này.

Dày đặc những đường ngang dân sinh bất hợp pháp mọc lên trên "cung đường tử thần" Hà Nội - Phủ Lý, chứa đựng những hiểm họa khôn lường. Những thống kê về số vụ tai nạn đường sắt trong những năm qua cho thấy, cung đường này chiếm số lượng khá lớn. Ngành đường sắt cũng chẳng có thể làm gì trước thực trạng này ngoài việc chờ các cơ quan chức năng xử lý. Ảnh: Hoàng Sang
 
Câu chuyện giữa tôi và tài chính bị ngắt quãng bởi tiếng hét của tài phụ: “Chú ý đường ngang bên trái”. Dứt lời, tài chính đáp ngay: “Chú ý” rồi từ từ hãm phanh, mắt căng ra phía trước. Một chiếc ô tô 4 chỗ đang trèo qua đường sắt. Vì là góc cua, bị che tầm nhìn nên tài chính không thể quan sát được. Những lúc như vậy, tài phụ phải thật sự chú ý để đưa ra lời cảnh báo cho tài chính.

Những pha thắt tim trong buồng lái tàu hỏa
Những hình ảnh thực tế do phóng viên VietNamNet ghi lại trong chuyến hành trình áp máy chuyến tàu SE5 vào nam. Vô vàn những hiểm họa trước mũi tàu hỏa vẫn hiện hữu hàng ngày trên đường sắt.

Tàu đến khu vực chợ Tía. Lái phụ Nguyễn Văn Vang chỉ tay ra phía trước thở dài: “Sắp đến "cửa chắn" anh Ngọc -  nơi đoàn tàu do anh Ngọc lái đâm phải chiếc xe ăn hỏi, làm gần chục người thiệt mạng. Sau vụ tai nạn đó, một chốt chắn được lập nên, cánh lái tàu thường gọi là "chắn anh Ngọc". Mỗi lần tàu đi qua khu vực đó, tài xế thường hú một hồi còi dài như để tiễn biệt những linh hồn xấu số và cầu mong một chuyến đi bình an.

Điều đặc biệt là cánh lái tàu thường đặt tên cho mỗi khúc cua, mỗi gác chắn. Và mỗi cái tên như vậy thường gắn với... một vụ tai nạn kinh hoàng. Nhẩm tính, từ Hà Nội vào đến Đồng Hới (Quảng Bình), có rất nhiều cái tên như vậy: "chắn anh Ngọc", "chắn anh Đại", "cua ông Kẻ"…

Tàu đến khu vực Thường Tín khi trời đã chập choạng tối. Những con đường ngang được người dân mở ra chi chít, giống như những chân rết, ngoạm chặt vào đường ray già nua. Tôi thử nhẩm tính xem đoạn này có bao nhiêu con đường ngang được mở, nhưng rồi không thể. Cứ cách 10 mét, lại có một con đường.

Còi – cách duy nhất để tránh tai nạn

“Còi và còi”, đấy là câu trả lời tôi nhận được khi hỏi tài xế Tuấn về kinh nghiệm khi đi qua những cung đường này. Chỉ có như thế để cảnh báo người dân khi qua đường. Ngoài ra, lái tàu còn phải biết phán đoán tình huống thật tốt để xử lý. Với tốc độ chạy cho phép, việc phanh gấp tránh tai nạn như lái ô tô là không thể. Bởi, muốn dừng cả đoàn tàu, phải phanh trước đó 800m.

Thế nên, khi lái tàu nhìn thấy người dân mắc kẹt trên đường ray thì không còn cách nào để tránh được tai nạn cả. Việc hãm phanh đột ngột cũng chỉ là cầu may, hy vọng trong một tích tắc ngắn ngủi đó, phương tiện và người qua đường sẽ may mắn vượt qua được.

Những ánh đèn pha của ô tô trên đường bộ chạy song song cũng là mối hiểm họa đối với những người lái tàu - Ảnh: Hoàng Sang
 
Tôi để ý đến việc đối – đáp giữa chính và phụ, và câu mà tôi nghe lái phụ nói nhiều nhất là “còi”. Những lúc như thế, hoặc là có đường ngang nằm khuất tầm nhìn của lái chính, hoặc là có người đang chuẩn bị vượt qua đường sắt khi tàu đang đến gần. Mỗi lần như thế, lái chính thường hãm phanh và hú còi liên tục để cảnh báo người qua đường. Để ý, mỗi lần còi, đồng hồ đo đủ 9 cân gió.

“Sợ nhất là các bố nhậu sương sương, đầu đội mũ bảo hiểm kín mít, dừng lại ngay trên đường tàu nghe điện thoại. Còi hú thế nào vẫn không nghe” - anh Tuấn bảo.

Tài xế chính kể rằng, có lần tàu đang chạy qua khu vực gần ga Giáp Bát thì phát hiện thấy một người ngồi trên xe gắn máy đang đi qua đường tàu rồi bất chợt dừng ngay trước đường ra nghe điện thoại. Anh Tuấn đạp phanh, hú còi inh ỏi, người thanh niên tuyệt nhiên vẫn không nghe thấy gì. Tài xế hãm phanh gấp, tay dính chặt vào nút còi, lái phụ nhoài người ra ngoài, vừa hét, vừa dùng chai nước ném thẳng về phía trước. Gã thanh niên vẫn không nhúc nhích.

May thay lúc đó, có một người dân đi đường, lao nhanh ra rồi xô gã thanh niên bổ nhoài ra lề đường. Đấy cũng là lúc đoàn tàu ập đến.

Lần nữa, lúc tàu đi qua địa phận gần đến ga Vinh (Nghệ An), bất ngờ có mấy thanh niên choai ngẫu hứng đưa chiếu ra sát đường tàu... uống rượu. Khi đã ngà ngà say, liền ngả mình ra, gối đầu trên đường ray. Bận đó, may sao có người đi tuần đường qua vội vàng lao vào, lôi đi chỗ khác.

...Gần 8 giờ tối, trời bắt đầu mưa. Sương mù ken đặc phía trước đầu máy. Ánh đèn pha từ những chiếc ô tô đi ngược chiều trên đường bộ chạy song song hắt thẳng vào buồng lái. Tôi cố gắng nhoài người ra phía trước.

Đoàn tàu như một vệt sáng lao vào bóng đêm mịt mùng. Tài xế Tuấn bảo rằng, đời lái tàu, sợ nhất là đi vào những hôm sương mù như thế này, bởi tầm nhìn bị hạn chế, không thể quan sát được đường. Những hôm như vậy, buộc người tài xế phải thông thuộc từng đoạn đường, từng khúc cua, từng con đường ngang để còn hú còi, cảnh báo người dân.

Đoạn đường sắt bị lũ cuốn trôi tại Hà Tĩnh đang được phục hồi. Để qua đoạn đường nguy hiểm trong đêm tối này, lái tàu cần sự trợ giúp của một người dẫn đường, tốc độ di chuyển là 5km/h. Ảnh: Duy Tuấn
 

Gần 30 chục năm trong nghề, anh Tuấn thuộc lòng từng con đường, từng cây cầu, từng khúc cua. Anh bảo, có nhắm mắt thì cũng biết mình đang ở chỗ nào. Chỉ cần nghe tiếng bánh tàu là đoán ra rồi.

“Đi nhiều thành nhớ, thành quen chứ có tài giỏi gì đâu. Với lại, đặc thù nghề lái tàu bắt buộc bọn mình phải thông thuộc từng con đường ngang. Chẳng hạn như lúc này đây, sương mờ mù đặc, không thể quan sát được phía trước, nếu không thuộc, không nhớ đường sẽ nguy hiểm vô cùng” – anh cố gắng giải thích.

10 giờ đêm, tàu dừng tại ga Vinh. Hết ca lái, anh Tuấn bàn giao cuốn nhật ký chạy tàu cho tài xế khác rồi đi về phía sau, cố gắng kiếm tìm một giấc ngủ vội vàng để lấy sức cho chuyến tàu ngày mai. Tôi cố gắng ngoái lại phía sau. Bóng dáng anh Tuấn và Vang đổ ngược trong ánh đèn điện vàng đục của sân ga.  Kế bên là những cái ôm thật chặt, những nụ cười rạng ngời của người nhà hành khách.

Hoàng Sang - Duy Tuấn

(còn nữa)
Những pha thắt tim trong buồng lái tàu hỏa