- Sống khép kín trong căn nhà tại một con hẻm sâu ở đường Nhà Chung (phường 3, TP. Đà Lạt), cuộc đời cụ bà Phạm Thị Hiền (82 tuổi) như một câu chuyện buồn với sự kết thúc đầy bất ngờ.


Lặng lẽ với tình yêu Đà Lạt

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình truyền thống cách mạng tại Hà Nội, bà Hiền đã từng tham gia nhiều phong trào đấu tranh yêu nước sôi nổi. Khoảng năm 1946, bà kết hôn với ông T.D.T (hiện đã qua đời) từng giữ nhiều chức vụ cao trong cơ quan nhà nước.

Sau gần 10 năm chung sống, hai người vẫn không có con và xảy ra nhiều mâu thuẫn. Cho đến năm 1954, do buồn chuyện gia đình nên bà Hiền quyết định rời bỏ quê hương chuyển vào Đà Lạt sinh sống. Tại đây, bà Hiền đi bước nữa với ông Gioan nhưng cả hai vợ chồng cũng không có con nên nhận người con gái nuôi tên Lâm Oanh. Năm 1991, chồng và con bà Hiền sang Mỹ định cư, riêng bà nhất quyết ở lại Đà Lạt một mình.

“Cổng vào” của căn nhà bà Phạm Thị Hiền, phía sau là mảnh đất rộng gần 200m2 và 2 dãy nhà khác.
Trong căn nhà “bí ẩn” cuối hẻm đường Nhà Chung, cụ bà Phạm Thị Hiền thui thủi sống suốt mấy chục năm qua. Cuộc đời bà khép kín và bí ẩn đến nỗi ngay cả nhiều người trong xóm cũng ít biết rằng, ngoài “cổng vào” như một căn nhà khoảng 20m2 phía trước thì đằng sau là cả một mảnh đất rộng gần 200m2 với một dãy nhà gỗ và một dãy nhà cấp 4 rộng rãi.

Bà Hiền sống cô độc trong căn nhà tuềnh toàng, ít khi giao lưu với các gia đình trong xóm. Theo một người hàng xóm sống cạnh nhà bà Hiền: “Thỉnh thoảng chúng tôi thấy bà Hiền đi ra đi vào trong sân hoặc đi họp hội đồng hương, hiếm khi thấy bà đi chơi trong xóm nên cũng ít người để ý”.

Trước đây, khi con gái nuôi Lâm Oanh chưa đi Mỹ bà Hiền còn phụ con gái bán quần áo tại chợ Đà Lạt. Đến năm 1991, chồng bà cùng con gái xuất cảnh đi Mỹ định cư thì căn nhà chỉ còn mình bà ở. Theo người hàng xóm cạnh nhà bà Hiền, suốt mấy chục năm qua, họ chưa từng thấy chồng hay con gái bà về thăm quê, thỉnh thoảng chỉ có em gái, cháu bà từ Hà Nội, Đồng Nai lên thăm.

Cũng đôi lần bà Hiền về Hà Nội thăm quê nhưng rồi lại quay vào Đà Lạt ngay. Chị Lê Thị Phúc, Tổ trưởng dân phố, sống cạnh nhà bà Hiền nói: “Có đôi lần bà Hiền tâm sự rằng dù cũng có ý định về quê nhưng rồi bà lại muốn quay lại Đà Lạt, bởi bà không chịu nổi thời tiết, cách sống ở ngoài đó, bà quen với mọi thứ trong này hơn”.

“Sẽ trích tiền, vàng làm từ thiện”

Cuộc sống của bà Hiền trôi qua thầm lặng cho đến tối ngày 19/2, khi đang điều trị bệnh tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt, bà đột ngột qua đời. Do không có người nhà nên bệnh viện đã báo với chính quyền địa phương và khi kiểm tra thì phát hiện trong người bà Hiền có nhiều nữ trang. Bao gồm các loại dây chuyền vàng, bông tai đính đá quý… và một số tiền mặt, 2 sổ tiết kiệm trị giá 350 triệu đồng, 2 giấy chứng nhận gửi vàng tại ngân hàng Eximbank trị giá 233 chỉ.

Tổng cộng, số tài sản “khổng lồ” bà Hiền để lại là gần 50 cây vàng và hơn 350 triệu đồng khiến không ít người sửng sốt.

Cô Loan, người buôn bán nhỏ ở đầu đường Nhà Chung chép miệng: “Tội nghiệp bà cụ, sống thui thủi một mình, đến lúc chết cũng không có ai thân thích bên cạnh. Thỉnh thoảng thấy bà cụ đi một mình ngoài đường, tôi còn tặng cho bà gói xôi ăn sáng nữa”.

Trong đám tang bà Hiền tổ chức tại chùa Linh Sơn, khách đến dự chỉ vẻn vẹn vài người. Trong đó có em gái bà là bà Phạm Thị Mai Cương (80 tuổi, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính, hiện đang sinh sống tại Hà Nội) cùng chồng và một ngưới cháu trai. Còn người chồng và con gái Lâm Oanh ở Mỹ không thể về do hoàn cảnh khó khăn.

Theo bà Mai Cương, số tài sản của bà Hiền để lại là do dành dụm trong nhiều năm và tiền bán căn nhà đang ở cho một người cháu ở Hà Nội mà có được. Hiện, bà đang làm các thủ tục nhận lại tài sản từ chính quyền địa phương và ngân hàng nơi bà Hiền gửi tiền, vàng.

Bà Mai Cương còn cho biết thêm, sau khi làm xong các thủ tục nhận tài sản, một phần sẽ chuyển thành ngoại tệ, gửi sang Mỹ cho người cháu Lâm Oanh; một phần gửi lại làm từ thiện, giúp những hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.

Có thể coi đây như một lời cảm ơn của gia đình tôi đối với chính quyền và người dân địa phương; và đó cũng chính là tâm nguyện của chị tôi - bà Phạm Thị Hiền ở những năm cuối đời” - bà Cương xúc động nói.

Tiểu Long