HTML clipboard

 – Tổng cục Môi trường cảnh báo: người dân làng nghề bị giảm 10 năm tuổi thọ vì ô nhiễm môi trường.

Trong năm 2010 có khoảng 40.000 tấn ắc quy chì được thải bỏ trong nước và dự báo đến năm 2015, con số này sẽ là gần 70.000 tấn. Phần lớn ắc quy này đang được tái chế gia công tại các làng nghề gây tác hại lớn về môi trường và sức khoẻ con người. – Thông tin được Tổng cục Môi trường cho biết.

Làng nghề tái chế chì Đông Mai (Văn Lâm - Hưng Yên) là một trong những điển hình với 61/529 hộ thu gom, với số lao động tham gia là trên 500 người. Do không có các biện pháp quản lý sản xuất tốt cũng như thiết bị xử lý ô nhiễm chưa đáp ứng các yêu cầu về môi trường theo quy định hiện hành, nên đất, nước và không khí của làng nghề này bị ô nhiễm khói bụi chì, nước thải a-xit trầm trọng.

 

Các làng nghề thu gom, tái chế chì đang đứng trước nguy cơ giảm tuổi thọ vì ô nhiễm môi trường.
Báo cáo môi trường do Tổng cục Môi trường công bố năm 2008 khuyến cáo: mỗi người dân sống trong làng nghề Đông Mai đều có khả năng mất 10 năm tuổi thọ do ô nhiễm môi trường.

Làng Tề Lỗ, xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc vốn nổi tiếng với nghề “mổ xe, độ xe“, tuy không trực tiếp tái chế các loại rác thải công nghiệp như pin và ắc quy, nhưng ông Nguyễn Đình Hới, trưởng ban quản lý làng nghề ước tính: Với tốc độ phá xe như Tề Lỗ hiện nay thì mỗi ngày có hàng tấn đất cát nhiễm dầu mỡ và rỉ sắt được tống ra bãi rác dân sinh và một phần đưa ra bờ sông Phan gần xã. Thói quen này của người dân khiến nguồn nước trong khu vực bị ô nhiễm.

 
Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu các mặt hàng công nghiệp này lại chưa thực hiện trách nhiệm thu gom hoặc xử lý các sản phẩm sau khi sử dụng. Cách đây khoảng 10 năm về trước, các doanh nghiệp sản xuất pin và ắc quy lớn của Việt Nam như CTCP Pin ắc quy miền Nam hoặc CTCP Pin ắc quy Tia sáng đều thu hồi ắc quy chì và xử lý để tái sử dụng, nhưng nay không thực hiện nữa, bởi giá thu mua của công ty không cạnh tranh nổi với giá thu mua của lực lượng đồng nát.

Ông Tô Văn Thành – Phó Giám đốc CTCP Pin ắc quy Tia Sáng cho biết: “Ắc quy là thứ bán ra tiền, không ai vứt ắc quy ra đường cả. Tuy nhiên việc thu gom không được quy định nên DN có muốn cũng chịu. Cần phải có chế tài quy định rõ trách nhiệm và quyền lợi DN khi thu hồi sản phẩm thải bỏ. Hiện nay, chúng tôi chỉ có thể chủ động đầu tư dây chuyền công nghệ như máy chạy pin thân thiện với môi trường, giảm phát thải”.

Bình ắc-quy tái chế: nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Ông Lê Văn Kiều – Nguyên Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin: “Các nước trong khu vực đều đã triển khai quy định về trách nhiệm doanh nghiệp trong thu hồi sản phẩm thải bỏ, không có lý do gì Việt Nam chậm trễ hơn nữa. Nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ như hiện nay, việc quản lý không chỉ với doanh nghiệp sản xuất trong nước, mà còn liên quan đến các tập đoàn đa quốc gia đang đầu tư tại Việt Nam. Hiện tại, trong cấu thành giá sản phẩm đặc biệt là các sản phẩm của các tập đoàn lớn đã có tính đến 10% chi phí cho thực hiện trách nhiệm môi trường. Vì vậy, chúng ta phải triển khai quy định này, rồi sẽ có sửa đổi dần dựa theo nhu cầu thực tế”.
 
Tại làng nghề Đông Mai, sau khi Tổng cục Môi trường công bố báo cáo về tác hại của môi trường đến đời sống người dân làng nghề, phần lớn các hộ gia đình thu gom đã đưa khâu tái chế, nấu chì vào 2 doanh nghiệp đầu mối lớn của làng nghề. Tuy nhiên, với quy mô khoảng 100 công nhân mỗi doanh nghiệp, hai doanh nghiệp (Ngọc Thiên và Minh Quang) đều đang vi phạm quy định về tái chế ắc quy chì. Bởi cả hai doanh nghiệp này mới chỉ được Sở Tài nguyên Môi trường Hưng Yên cấp phép.


Trong khi đó, với quy mô lớn và diện thu gom trên 2 tỉnh trở lên, thì dây chuyền công nghệ cần được thẩm định và Tổng cục Môi trường mới có quyền cấp phép hoạt động. Chỉ riêng doanh nghiệp Ngọc Thiên của chị Phạm  Thị Tấn mỗi tháng thu gom 600 tấn ắc quy, trong đó thu được 300 tấn chì. Mỗi tấn chì bán được 40 triệu. Tuy nhiên, sự ô nhiễm không đong đếm được bằng tiền và chưa có giải pháp công nghệ khép kín tại làng nghề này.


Ngày 26/01/2011, Tổng cục Môi trường đã có báo cáo số 01/BC-TCMT giải trình về Dự thảo Quyết định của TTCP quy định về việc thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ. Báo cáo giải trình nhấn mạnh: Điều 67 Luật Bảo vệ môi trường đã quy định trách nhiệm thu hồi sản phẩm thải bỏ là thuộc về doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sản phẩm đó. Doanh nghiệp thu được lợi nhuận từ hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm, đồng thời doanh nghiệp đã tạo ra sản phẩm đó chứa chất độc hại khi thải bỏ, vì vậy doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm thu hồi sản phẩm khi thải bỏ là hợp lý. Mặt khác, khi quy định này được thực hiện sẽ buộc doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phải luôn luôn quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ để tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường, cho nên, các nước trên thế giới đã quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Vì vậy, việc quy định trách nhiệm thu hồi sản phẩm thải bỏ của doanh nghiệp là hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế.  


Kiên Trung