- Vào khoảng 15 giờ 50 một rung chấn động đất với cường độ khá mạnh đã khiến nhiều người đang làm việc, sinh hoạt tại các tòa nhà cao tầng ở Hà Nội và TP.HCM hoảng sợ, nháo nhào chạy xuống đất.

Trên các tuyến đường Trương Định, Điện Biên Phủ, Lê Lợi… tại địa bàn TP.HCM tập trung nhiều cao ốc, rung chấn khiến nhân viên các tòa cao tầng, bỏ văn phòng chạy xuống đường.

Tại tòa nhà Petroland Building, đường Trương Định, quận 3, hàng chục nhân viên làm tại cao ốc này nháo nhào bỏ xuống đất. Lúc này cầu thang thoát hiểm phía hông tòa nhà tỏ ra hữu dụng khi nhiều nhân viên chạy ào xuống, với vẻ mặt hốt hoảng





Người dân nháo nhác vì các tòa nhà cao tầng rung chuyển ở TP.HCM. (Ảnh: Infonet)
Chị M. Hiền, ở tầng 6 cho biết, mình cảm thấy tòa nhà rung nhẹ, đồ đạc trên bàn vi tính nhích nhẹ vài cm, nhưng không gây đổ.
"Rung lắc nhẹ chỉ diễn ra khoảng vài phút. Lúc đầu tôi tưởng tòa nhà bị ảnh hưởng do thi công cao ốc ở kế bên. Chạy ra khỏi phòng thì thấy nhiều người cũng có cảm giác hoa mắt giống mình. Có người nói: “động đất rồi”…thế là chúng tôi vôi vàng tìm cách xuống đất”, chị Hiền chia sẻ.

Anh Hùng, đang làm việc tại tầng 8 toà nhà Hà Phan số 456 Phan Xích Long cho biết: “Tôi đang gọi điện thoại bất ngờ thấy bàn ghế trong văn phòng rung lắc. Cây bút ở gần mép bàn cũng rơi xuống sàn nhà. Một người trong văn phòng la lên “có động đất”, sau đó tất cả mọi người đều bỏ dở công việc chạy ra ngoài tìm lối thoát hiểm”.
Cảnh nháo nhào ở toà nhà The Flemington, 182 Lê Đại Hành, Q.11 khi xảy ra rung chấn. (Ảnh Võ Thuỳ Dương)
Tương tự, sự việc cũng xảy ra đối với hàng trăm người đang làm việc trong toà nhà The Flemington, 182 Lê Đại Hành, Q.11. Chị Võ Thuỳ Dương (24 tuổi) làm việc tại VNG Corporation cho hay, ngay sau khi xuất hiện tình trạng rung lắc, hàng chục người đã tìm cách thoát xuống dưới. Do lo sợ thang máy bị kẹt, hầu hết đều di chuyển bằng thang bộ.


Nhân viên tòa nhà Petroland Building trên đường Trương Định Quận 3 cũng vội vàng chạy xuống đường.
Tại Hà Nội, những người sống và làm việc ở một số tòa nhà cao tầng cũng cảm nhận được tình trạng rung lắc. Chị Hương, nhân viên văn phòng, ở tòa nhà C'land (Xã Đàn 2, Đống Đa) cho biết: "Tôi đang ngồi làm việc thì thấy bàn, máy tính rung mạnh...ngay sau đó nghe có tiếng người kêu lên "động đất" nên cả phòng hùa nhau chạy ra ngoài".
Chị Hương cũng cho biết: "Rung khá mạnh, cảm giác chòng chành như mình đang ngồi trên thuyền". Chỉ vài phút sau, nhân viên ở tòa nhà này đã nhanh chân chạy xuống sảnh tòa nhà với tâm trạng lo lắng, hoang mang.

Một số nhân viên khác của tòa nhà này cũng khẳng định: "Nhiều vật dụng để trên bàn như cốc, giấy tờ... cũng bị rung như có ai xô mạnh". Chị Lâm, một phụ nữ đang mang bầu, cũng cảm thấy chóng mặt khi cơn rung chấn đi qua.


Dân công sở ở quận Đống Đa, Hà Nội cũng nháo nhào chạy xuống tầng 1 khi cảm nhận được độ rung lắc.
Anh K. (34 tuổi) cho biết: "Rung chấn này chỉ ở các tầng cao của các tòa nhà mới cảm nhận được, tôi ở dưới tầng 1 thì không cảm thấy gì".

Một chị bán nước ở khu vực Đống Đa cũng cho biết, khi thấy nhiều người ở các tòa nhà cao tầng chạy ra với vẻ mặt hoảng sợ, chị mới biết là vừa có rung chấn mạnh. Đến khoảng 16h 20 nhiều nhân viên ở các tòa nhà vẫn chưa hoàn hồn.

Một trận động đất với cường độ 8,6 độ richter đã xảy ra dưới lòng biển ở tỉnh Aceh, miền bắc Indonesia vào lúc 3 giờ 38 phút chiều nay (11/4). Theo cơ quan Khảo sát Địa chất của Mỹ, trận động ở Aceh xảy ra ở độ sâu 33km dưới lòng biển, và cách thủ phủ Banda Aceh 495km.

Cảnh báo sóng thần cũng được phát đi trên 27 quốc gia


Anh Hà làm việc ở Láng Hạ, Hà Nội cũng cảm nhận được sự rung chấn: “Mọi thứ diễn ra rất nhanh, chỉ trong 7 - 8 giây ngắn ngủi, nhiều người cảm nhận mất thăng bằng và chóng mặt". Sau nửa giờ xảy ra chấn động, nhân viên làm việc tại các tòa nhà cao tầng ở Hà Nội vẫn chưa dám trở về nhà.

Ông Nguyễn Thanh Hải, công tác tại Viện Vật lý địa cầu cho biết, đây thực chất là sóng động đất (không phải dư chấn động đất). Sóng động đất của Việt Nam là chịu ảnh hưởng của động đất từ Indonesia (theo số liệu mới nhất đo được của cơ quan khảo sát địa chất Mỹ, trận động đất này mạnh 8,6 độ richter) nhưng chỉ ở mức độ nhẹ. Nếu là dư chấn thì mức độ ảnh hưởng sẽ mạnh hơn.

"Chỉ có những người ở các tòa nhà cao tầng mới có thể cảm nhận được", ông Hải nói.

Theo ông Hải, cả Hà Nội lẫn TP HCM đều cảm nhận được dư chấn nhưng tại TP HCM thì sự cảm nhận còn rõ ràng hơn do gần tâm chấn hơn (trận động đất ở Indonesia chủ yếu nằm ở phía Tây).

Ông Hải cho biết, với mức độ ảnh hưởng của sóng động đất như thế này thì người dân Việt Nam có thể yên tâm vì không thể gây ra ảnh hưởng hay thiệt gì. Hiện chưa có cảnh báo sóng thần ở Việt Nam.

Trước đó, vào khoảng 21h tối 24/3/2011, hàng trăm người dân sống ở các chung cư cao tầng thuộc khu vực phố Vọng, Linh Đàm, Vincom, Hacinco và cả khu Hà Đông... đã được một phen hoảng loạn khi thấy nền nhà rung chuyển do một cơn địa chấn khá mạnh. Người dân nhốn nháo chạy ra đường sau khi cảm thấy rung lắc.

Theo báo cáo của Viện Vật lý địa cầu (Viện Khoa học và Công nghệ), trận động đất tại Hà Nội vào ngày 24/3 tại tọa độ 20,86 độ vĩ bắc, 187 độ kinh đông có độ sâu chấn tiêu khoảng 10km. Cơn dư chấn này xảy ra do tác động từ trận động đất mạnh 7 độ richter xảy ra tại biên giới Myanmar – Lào – Thái Lan vào tối cùng ngày.

Nhóm PV Thời sự