- Thảo luận dự thảo luật Phí, lệ phí ở QH hôm nay, phó đoàn ĐBQH Kon Tum Tô Văn Tám thốt lên nghịch lý trong dịch vụ hành chính thuần công.

'Hàng trăm thứ phí vẫn tiếp tục vầy vò'
Thế kẹt thu phí và chuyện sửa 'vết xe đổ' chính sách

"Quan hệ nào phát sinh giữa dân với nhà nước đều phải mất phí, từ đi học, đi khám bệnh đến lấy dấu", ông nói và cho rằng không nên thu phí và lệ phí dịch vụ hành chính thuần công vì đó là nhiệm vụ của chính quyền, quyền lợi của người dân.

“Dân đã đóng thuế nuôi bộ máy thì dân có quyền được hưởng các dịch vụ này", ĐB Tám nói.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đồng tình không tính phí các dịch vụ công cơ bản vì dân đã trả bằng tiền thuế. Thu phí và lệ phí phải hợp lý nếu không sẽ trở thành một loại thuế thu nhập cá nhân, làm giảm thu nhập hợp pháp của dân.

{keywords}
ĐB Trương Trọng Nghĩa

“Dân đã nộp các loại thuế, trong đó có thuế thu nhập cá nhân, không lại phải móc thêm tiền túi cho các dịch vụ công. Phí, lệ phí cũng không được bù đắp cho tệ nạn tham nhũng, lãng phí, kém hiệu quả trong quản lý nhà nước. Tức là đem tiền thuế đi đầu tư rất yếu kém, tăng chi phí lên rất nhiều, không đủ tiền, sau đó lại huy động các loại phí khác nhau, dân lại phải đóng thêm", ông Trương Trọng Nghĩa nói.

Dẫn ví dụ phí về hạ tầng giao thông, ĐB TP.HCM thẳng thắn cho rằng, nhiều trường hợp không khác gì thuế thu nhập trá hình. Đồng thời đề nghị quyền được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện các hành vi vi phạm của tổ chức thu phí, lệ phí. Bổ sung nghĩa vụ trả lời và giải quyết kịp thời các khiếu nại của người nộp phí, lệ phí.

Phó đoàn ĐBQH Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đồng tình các đề nghị ĐB Trương Trọng Nghĩa nêu. Ông cho rằng, các vi phạm về phí, lệ phí không chỉ xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý thuế hay xử lý vi phạm hành chính, mà nếu nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn, cần phải truy cứu cả trách nhiệm hình sự.

Tư nhân rẻ hơn để tư nhân làm 

Các ĐBQH không đồng tình nguyên tắc "phí cơ bản bù đắp chi phí" trong dự thảo luật.

"Có những loại dịch vụ nhà nước chỉ thu một phần chứ không phải toàn bộ chi phí, còn lại nhà nước bù lỗ", ông Trương Trọng Nghĩa nói.

Phó Bí thư thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh dịch vụ công còn phải đảm bảo bản chất phục vụ nhân dân của nền hành chính công.

Do đó cần bổ sung quy định về minh bạch chi phí để "người dân biết dịch vụ công đó phải chi bao nhiêu, thu phí bao nhiêu, để thấy được tính phục vụ và tính bù đắp chi phí ở mức nào".

{keywords}
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng không đồng tình dự thảo luật ghi "khuyến khích thực hiện xã hội hóa" vì lo ngại có sự lạm dụng trong thu phí.

"Cần ghi rõ là khuyến khích thực hiện xã hội hóa những dịch vụ công nhà nước không nhất thiết phải nắm giữ. Tư nhân làm tốt hơn thì để họ làm, nhưng chỉ đến mức đó thôi chứ không khuyến khích bằng mọi giá", bà nói.

Ông Trương Trọng Nghĩa đồng tình: "Tư nhân hóa mà rẻ hơn thì để tư nhân làm. Nhưng cũng tránh tạo lợi thế tự nhiên cho tư nhân, ví dụ con đường độc đạo ai cũng phải đi qua mà lại cấp quyền cho tư nhân thì tự nhiên họ có lợi thế rất lớn. Những trường hợp đó nhà nước phải làm".

Chung Hoàng - Ảnh: Hoàng Long